10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Bệnh viêm âm đạo.

Hỏi - 15/04/2010

Kính chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi:

- Bị viêm âm đạo có nguy hiểm cho em bé không ah? bây giờ thai của em đã được 30 tuần, 8 tuần trước bs khám nói em bị viêm âm đạo, trong nước tiểu có nhiều bạch cầu, em thấy khí hư ra có mùi hôi rất khó chịu, không ngứa, bs cho thuốc rửa vệ sinh nhưng em thấy vẫn chưa có tiến triển gì cả? nếu em dùng thuốc rửa LACTAXYT hoặc đun nước trà xanh để vệ sinh thay cho nước rửa hiện tại có được không ah?

- Em bị viêm gan siêu vi B: có nguy cơ lây nhiễm cho em bé, BS khuyên là sau này khi sinh em bé ra thì không cho em bé bú mẹ, nên em rất buồn và lo lắng, nếu như vậy em có thể cho em bé bú sữa mẹ bằng bình được không bác sĩ, vì theo em được biết thì bệnh không truyền được từ mẹ sang con qua sữa bú đúng không ah?

- Em nghe nói bệnh viện từ dũ có dịch vụ sanh gia đình, sau này khi em sinh em bé em muốn đăng ký dịch vụ này thì phải làm những thủ tục nào? có phải đăng ký trước thời gian sanh không? ( em được dự sanh vào khoảng cuối tháng 6) và chi phí cho dịch vụ này cụ thể như thế nào mong bs cho em biết ah!

Lần mang thai trước em đã không thành công, nay mang thai lại không được khỏe, vừa bị viêm gan B lại viêm âm đạo nên em rất căng thẳng và lo lắng. Càng về thời gian cuối này áp lực đối với em  càng lớn. Rất mong được bs tư vấn.

 

Trả lời

Chào em,

Phụ nữ mang thai do yếu tố nội tiết thai kỳ, sự thay đổi môi trường âm đạo và sức đề kháng giảm nên dễ bị viêm âm đạo. Viêm âm đạo có thể gây viêm màng ối làm vỡ ối non, vỡ ối sớm, sanh non, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai và nặng nề hơn nữa là gây nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng huyết. Do vậy việc điều trị viêm âm đạo ở những tháng cuối thai kỳ là cần thiết. Viêm âm đạo do nhiều tác nhân gây ra như nấm, tạp trùng, trùng roi, lậu cầu…Xét nghiệm khí hư và điều trị theo tác nhân để đạt hiệu quả. Huyết trắng em nhiều, không ngứa và có mùi hôi khó chịu thường là do một loại vi trùng sinh mùi hôi gây ra. Nếu chỉ dùng thuốc rửa vệ sinh đơn thuần thì khó khỏi. Em nên đến bệnh viện khám và điều trị. Thuốc Lactacyd là dung dịch rửa vệ sinh phụ nữ em có thể dùng để rửa được. Trà xanh thường không được dùng để rửa phụ khoa.

Mẹ nhiễm virus viêm gan B tùy theo có nhiễm HBeAg hay không mà mức độ lây nhiễm cho thai cao hay thấp. Nếu chỉ có HBsAg dương tính và HBeAg âm tính thì khả năng lây nhiễm cho thai là 10 – 15%. Nếu cả HBsAg và HBeAg cùng dương tính thì khả năng lây nhiễm cho thai là 90%. Thời điểm lây nhiễm từ mẹ sang thai nhi cao nhất là lúc chuyển dạ sinh hay mổ lấy thai 90%, thời điểm mang thai và cho con bú khả năng lây nhiễm rất thấp. Để giảm lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con, ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh bé được tiêm ngừa ngay loại miễn dịch Immunoglobulin bên cạnh việc tiêm phòng vaccine viêm gan B (một mũi đùi phải và một mũi đùi trái bé). Nếu mẹ có HBsAg và HBeAg cùng dương tính thì liều immunoglobulin gấp đôi so với mẹ chỉ có HBsAg dương tính và HBeAg âm tính. Mẹ sau sinh có thể cho con bú được.

Sinh dịch vụ gia đình là box sinh dành cho 1 sản phụ, khi chuyển dạ vào giai đọan hoạt động sản phụ được đưa vào box sinh gia đình. Lúc này 1 người trong gia đình (chồng, mẹ hoặc chị…) có thể vào cùng và động viên tinh thần sản phụ. Đăng ký sinh gia đình rất đơn giản. Khi vào chuyển dạ mới đăng ký, không cần đăng ký trước. Chi phí cộng thêm là 500.000 đ (bên cạnh các chi phí khác)

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ