banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

28/12/2015

Một số biện pháp chống nhầm lẫn các thuốc nhìn gần giống nhau, đọc viết gần giống nhau

DS. Võ Trương Diễm Phương

Khoa Dược – BV Từ Dũ

1. Khái niệm:

Thuốc nhìn gần giống nhau là thuốc được đóng gói trong bao bì trực tiếp (vỉ, viên, ống, lọ, chai, túi) hoặc bao bì gián tiếp (thùng, hộp) tương tự nhau về hình dạng, màu sắc, kích thước và thiết kế trên bao bì.

Thuốc đọc viết gần giống nhau là thuốc có tên biệt dược hoặc tên hoạt chất phát âm tương tự nhau trong khi nói (kiểm tra cấp phát thuốc, trao đổi thông tin về thuốc…) hoặc trong khi viết (kê đơn thuốc, ghi sổ hoặc ghi phiếu lãnh thuốc).

Các thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau dễ bị nhầm lẫn trong quá trình lưu trữ, kê đơn, cấp phát, giao nhận và sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Việc nhầm lẫn một loại thuốc này với một loại thuốc khác có thể không mang lại hiệu quả điều trị hoặc gây hại cho bệnh nhân, thậm chí có thể làm cho bệnh nhân tử vong.

Ví dụ: 

Một số thuốc nhìn gần giống nhau

 

Một số thuốc đọc viết gần giống nhau                                                         

VinphaTOcin 5 UI (oxytocin) 

Vinphacine 500 mg (amikacin)

Thuốc tác dụng lên cơ tử cung.

Kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid.

LEVOnor 1 mg/ ml (norepinephrin)

LOVEnox 40 mg hay 60 mg (enoxaparin) 

Thuốc tim mạch.

Thuốc kháng đông, chống kết dính tiểu cầu và tiêu sợi huyết

2. Các yếu tố gây nhầm lẫn thuốc:

Có nhiều yếu tố góp phần gây ra nhầm lẫn thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau. Trong đó, năm yếu tố cơ bản gây nhầm lẫn các thuốc này gồm có:

  • Lỗi nhận thức bằng thị giác.
  • Lỗi nhận thức bằng thính giác.
  • Lỗi khi ghi nhớ tên thuốc trong thời gian ngắn.
  • Lỗi nhập dữ liệu vào máy tính (chọn sai tên thuốc từ hộp thoại thả rơi các tên thuốc đọc viết gần giống nhau đã được cài đặt trên phần mềm bảo quản và kê đơn thuốc).
  • Yếu tố con người như thói quen trong công việc, thiếu sự tập trung trong quá trình cấp phát và sử dụng thuốc cho bệnh nhân, nhân viên y tế chưa nắm rõ tên thuốc đặc biệt là các tên thuốc mới.

 

Duphaston hay Duphalac

 

Marvelon hay Mercilon

Một số đơn thuốc viết không rõ ràng, khó đọc dễ gây ra lỗi nhận thức bằng thị giác

 

Chú ý tránh chọn sai tên thuốc khi nhập dữ liệu

 

 

3. Một số biện pháp chung chống nhầm lẫn thuốc:

Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong việc dùng thuốc, khoa Dược và các khoa lâm sàng cần thực hiện các biện pháp chống nhầm lẫn thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau ở tất cả các công đoạn sau:

  • Lưu trữ thuốc
  • Kê đơn thuốc
  • Cấp phát, giao nhận thuốc
  • Sử dụng thuốc cho bệnh nhân

3.1 Lưu trữ thuốc:

- Sắp xếp các thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau vào các tủ, kệ, khay chứa thuốc khác nhau. Các thuốc cấp phát lẻ đã bóc khỏi hộp thuốc phải để vào khay riêng hoặc phải tách riêng ra bằng vách ngăn nếu đựng trong cùng một khay thuốc.

- Dán nhãn bên ngoài các tủ, kệ, khay chứa thuốc và dán ở vị trí dễ thấy. Dùng thêm nhãn cảnh báo cho những tủ, kệ, khay chứa thuốc có nguy cơ nhầm lẫn cao.

- Đối với những tên thuốc nhìn gần giống nhau, đọc viết gần giống nhau, đánh dấu những chữ cái khác biệt của của tên thuốc bằng cách in hoa, in màu, tô màu, đánh số… để làm rõ sự khác biệt của hai tên thuốc.

Dùng thêm phần nhãn phụ để dễ phân biệt

Lưu ý:

  • Nhãn dán bên ngoài phải đúng với tên thuốc bên trong tủ, kệ hoặc khay thuốc.
  • Nhãn cảnh báo phải dán đúng với tên thuốc trên từng lọ thuốc.

3.2 Kê đơn thuốc:

- Ghi tên thuốc trong hồ sơ bệnh án và đơn thuốc phải rõ ràng, dễ đọc, chính xác, không được viết tắt. Phải ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, liều dùng, số lượng, cách dùng của mỗi thuốc.

- Kê đơn thuốc nên viết tên thuốc theo tên chung quốc tế hoặc nếu ghi tên biệt dược phải ghi tên chung quốc tế trong ngoặc đơn (trừ trường hợp thuốc có nhiều hoạt chất).

- Trường hợp vi tính hóa việc kê đơn, bác sĩ hoặc người kê đơn cần lưu ý việc lựa chọn đúng tên thuốc từ hộp thoại thả rơi các tên thuốc đọc viết gần giống nhau đã được cài đặt trên phần mềm kê đơn thuốc. Nếu có thể những tên thuốc đọc viết gần giống nhau nên được đánh dấu điểm khác biệt trên tên thuốc bằng chữ cái in hoa hoặc tô màu để dễ phân biệt khi nhập liệu.

3.3  Cấp phát, giao nhận thuốc:

- Đọc kỹ đơn thuốc, sổ hoặc phiếu xuất nhập thuốc. Nếu các thông tin này chưa rõ ràng, không được suy diễn mà phải xác nhận lại với người ghi thông tin trước khi thực hiện việc cấp phát hoặc giao nhận thuốc.

- Chỉ thực hiện việc cấp phát, giao nhận thuốc đối với đơn thuốc, sổ hoặc phiếu xuất nhập thuốc được viết rõ ràng, dễ đọc.

- Nhận diện thuốc dựa vào tên thuốc, hàm lượng, nồng độ, dạng bào chế hoặc đường dùng. Không nên nhận diện thuốc dựa vào hình dạng bao bì và vị trí đặt để thuốc.

- Đọc kỹ nhãn thuốc. Kiểm tra thuốc trước khi cấp phát, giao nhận:

+ Đúng nhãn thuốc.

+ Đúng nồng độ, hàm lượng, thể tích, dạng bào chế hoặc đường dùng.

+ Đúng với thuốc được ghi trên đơn thuốc, sổ hoặc phiếu xuất nhập thuốc.

- Kiểm tra chéo nên được thực hiện ở tất cả các công đoạn của quá trình cấp phát thuốc.

3.4   Sử dụng thuốc cho bệnh nhân:

- Đảm bảo việc sao chép y lệnh dùng thuốc từ hồ sơ bệnh án vào sổ thuốc phải rõ ràng và chính xác, hoặc nhập đúng dữ liệu từ hồ sơ bệnh án vào phần mềm lưu trữ và bảo quản thuốc.

- Đọc kỹ sổ thuốc, nếu chữ viết không rõ ràng, không được suy diễn, phải xác nhận lại thông tin chưa rõ với người ghi sổ hoặc bác sĩ ra y lệnh.  Nhận diện thuốc dựa vào tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, thể tích, liều dùng, đường dùng, số lần dùng thuốc trong 24 giờ, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc và hướng dẫn thông tin kê toa của sản phẩm.

- Nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện thuốc cho bệnh nhân cần xem xét, phân loại và chú ý sắp xếp các thuốc nhìn gần giống nhau, đọc viết gần giống nhau vào khay riêng trên xe thuốc trước mỗi đợt thực hiện thuốc.

- Đánh dấu bằng ký hiệu các thuốc có nguy cơ nhầm lẫn cao.

- Đọc kỹ nhãn thuốc. Kiểm tra thuốc trước khi dùng thuốc cho bệnh nhân:

+ Đúng nhãn thuốc.

+ Đúng nồng độ, hàm lượng, thể tích, dạng bào chế.

+ Đúng với thuốc được ghi trên sổ thuốc. 

4.  Tổ chức thực hiện việc chống nhầm lẫn thuốc:

- Dựa vào cơ số thuốc tủ trực và danh mục thuốc nhìn gần giống nhau, đọc viết gần giống nhau do khoa Dược xây dựng, mỗi khoa xác định các thuốc có nguy cơ xảy ra nhầm lẫn cao, dễ gây sai sót trong dùng thuốc tại khoa.

- Thông tin về các thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau hiện có cho tất cả các nhân viên trong khoa.

- Tùy vào điều kiện và đặc điểm cấp phát thuốc, mỗi khoa có thể áp dụng một trong số các biện pháp chống nhầm lẫn được nêu bên trên để giúp phân biệt các thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau.

- Các khoa thường xuyên xem xét và cập nhật các thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau khi danh mục thuốc thay đổi hoặc định kỳ mỗi 06 tháng.

- Khuyến khích các khoa báo cáo về những trường hợp nhầm lẫn thuốc đã xảy ra và những điều kiện thuận lợi có thể dẫn đến các sự cố nhầm lẫn thuốc.

- Thường xuyên đánh giá và cải thiện hiệu quả các biện pháp chống nhầm thuốc.

- Các khoa phòng cần phối hợp thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm trong việc chống nhầm lẫn thuốc.

Tài liệu tham khảo

  1. Pharmaceutical Services Division Ministry of Health Malaysia (2012). Guide on handling look alike, sound alike medications. 
  2. The Children’s Hospital of Alabama (2012). Look alike – Sound alike medication policy. 
  3. The U.S. Pharmacopeia (2008). The 8th annual national MEDMARX Data Report. 
  4. http://www.ismp.org/searchresults.asp?q=look-and%20sound-alike%20names