banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

11/09/2015

Cập nhật 2015 của CDC hướng dẫn điều trị giang mai

Ds Thân Thị Mỹ Linh (dịch)
Khoa Dược – Bv Từ Dũ

   Bệnh giang mai gây ra bởi xoắn khuẩn Treponema pallidum. Biến chứng lâu dài của bệnh giang mai không được điều trị là các bệnh thần kinh, bệnh tim mạch và gummata (tổn thương da dạng u hạt).

   Bệnh giang mai có thể chia thành một số cấp độ

      - Giang mai thời kỳ 1: loét hoặc săng ở vùng bị lây nhiễm

      - Giang mai thời kỳ 2: phát ban da, tổn thương da và niêm mạc và hạch

      - Giang mai thời kỳ 3: ảnh hưởng trên thần kinh, tim mạch, tổn thương gummata

      - Nhiễm trùng tiềm ẩn (không có biểu hiện lâm sàng) được phát hiện bằng xét nghiệm huyết thanh học.

   T. pallidum có thể lây nhiễm hệ thống thần kinh trung ương và gây giang mai thần kinh, có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Biểu hiện thần kinh sớm (rối loạn chức năng thần kinh sọ não, viêm màng não, đột quỵ, tình trạng thần kinh cấp tính, bất thường thính giác hoặc thị giác) thường xuất hiện trong vòng vài tháng hoặc năm đầu tiên nhiễm bệnh. Biểu hiện thần kinh muộn (chứng suy thoái thần kinh dorsalis và liệt toàn thân) xảy ra 10-30 năm sau khi nhiễm bệnh.

   Mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai có thể có hậu quả nghiêm trọng như sinh non, đa ối, tử vong thai nhi và giang mai bẩm sinh. Nguy cơ nhiễm trùng bào thai trước sinh hoặc bệnh lý giang mai bẩm sinh ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào các giai đoạn mắc bệnh giang mai trong thai kỳ, nguy cơ cao nhất xảy ra ở tam cá nguyệt thứ nhất và tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi vẫn có thể xảy ra ở những phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai tiềm ẩn muộn.

1. Điều trị giang mai thời kỳ 1 và 2 

   Phác đồ khuyến cáo

      Người lớn

         Benzathin penicilin G 2,4 triệu IU tiêm bắp liều duy nhất.

      Trẻ sơ sinh và trẻ em

         Benzathin penicilin G 50.000 IU/kg (tối đa 2,4 triệu IU) tiêm bắp liều duy nhất.

         Sử dụng benzathin penicilin G liều bổ sung, amoxicillin hoặc các kháng sinh khác không hiệu quả hơn sử dụng benzathin penicilin G đơn liều trong điều trị bệnh giang mai thời kỳ 1 và 2, kể cả tình trạng HIV.

         Trẻ sơ sinh và trẻ em > 1 tháng nếu được chẩn đoán giang mai cần xác định đó là giang mai bẩm sinh hay mắc phải.

   Phác đồ thay thế

      Trường hợp dị ứng penicillin và không mang thai

      - Doxycyclin 100 mg uống 2 lần/ngày x 14 ngày

      - Hoặc tetracyclin 500 mg uống 4 lần/ngày x 14 ngày

      - Hoặc ceftriaxon tiêm bắp hoặc tiêm TMC 1-2 g/ngày x 10-14 ngày

      - Hoặc azithromycin là một liều uống 2 g duy nhất (không khuyến cáo do đề kháng thuốc và thất bại điều trị đã được ghi nhận nhiều nơi).

      Sử dụng các thuốc khác thay thế penicillin trong điều trị giang mai thời kỳ 1 và 2 không được khuyến cáo.

2. Điều trị giang mai tiềm ẩn

   Mục tiêu của điều trị là để ngăn chặn các biến chứng và ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con.

   Phác đồ khuyến cáo

       Người lớn

         Bệnh giang mai tiềm ẩn sớm

         Benzathin penicilin G 2,4 triệu IU tiêm bắp liều duy nhất.

         Sử dụng benzathin penicilin G liều lặp lại, amoxicillin hoặc các kháng sinh khác không tăng hiệu quả điều trị bệnh giang mai tiềm ẩn sớm, kể cả nhiễm HIV.

         Bệnh giang mai tiềm ẩn muộn hoặc không rõ giai đoạn

         Benzathin penicilin G 2,4 triệu IU tiêm bắp 1 lần/tuần x 3 tuần.

      Trẻ sơ sinh và trẻ em

         Bệnh giang mai tiềm ẩn sớm

         Benzathin penicilin G 50.000 IU/kg (tối đa 2,4 triệu IU) tiêm bắp liều duy nhất.

         Bệnh giang mai tiềm ẩn muộn

         Benzathin penicilin G 50.000 IU/kg (tối đa 2,4 triệu IU) tiêm bắp 1 lần/tuần x 3 tuần.

         Cần xét nghiệm dịch não tủy để chẩn đoán đồng thời làm các xét nghiệm xác định giang mai bẩm sinh hay mắc phải.

   Phác đồ thay thế

      - Doxycyclin 100 mg uống 2 lần/ngày x 28 ngày

      - Hoặc tetracyclin 500 mg uống 4 lần/ngày x 28 ngày

      - Hoặc ceftriaxon liều lượng tối ưu và thời gian điều trị tùy thuộc đánh giá lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán.

      Hiệu quả của các thuốc thay thế penicillin trong điều trị giang mai tiềm ẩn chưa được chứng minh.

      Trường hợp dị ứng với penicilin có thể tuân thủ điều trị, thực hiện biện pháp giải mẫn cảm với penicillin trước sau đó điều trị bằng benzathin penicillin.

3. Điều trị giang mai thời kỳ 3 

   Giang mai thời kỳ 3 với xét nghiệm dịch não tủy bình thường

   Benzathin penicilin G 2,4 triệu IU tiêm bắp 1 lần/tuần x 3 tuần.

4. Điều trị giang mai thần kinh và giang mai mắt

   Phác đồ khuyến cáo 

      Dịch tinh thể Penicillin G 3-4 triệu IU tiêm hoặc truyền TMC mỗi 4 giờ trong 10-14 ngày.

   Phác đồ thay thế 

      - Procain penicilin G 2,4 triệu IU tiêm bắp 1 lần/ngày kết hợp với probenecid 500 mg uống 4 lần/ngày trong 10-14 ngày.

      - TH dị ứng penicillin: ceftriaxon 2g/ngày tiêm bắp hoặc tiêm TMC trong 10-14 ngày.

   Dị ứng chéo giữa ceftriaxon và penicillin có thể xảy ra nhưng nguy cơ phản ứng chéo giữa penicilin và kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ ba là không đáng kể. Nếu cần thiết, thực hiện giải mẫn cảm penicillin trước sau đó điều trị bằng penicillin.

5. Điều trị giang mai ở phụ nữ mang thai

   Phác đồ khuyến cáo 

      Phụ nữ mang thai nên được điều trị với phác đồ penicillin thích hợp cho từng giai đoạn nhiễm trùng.

   Một số lưu ý

      - Lặp lại liều thứ hai của benzathin penicilin 1 tuần sau liều ban đầu có lợi cho phụ nữ mang thai bị giang mai thời kỳ 1 và 2.

      - Phụ nữ mang thai nếu bỏ lỡ bất kỳ liều điều trị nào thì phải thực hiện lại đầy đủ 1 liệu trình điều trị từ đầu.

      - Trong trường hợp dị ứng penicillin, không có lựa chọn thay thế được chứng minh có hiệu quả như penicillin để điều trị giang mai trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai có tiền sử dị ứng penicillin nên được giải mẫn cảm trước sau đó điều trị với penicillin.

      - Tetracyclin và doxycyclin bị chống chỉ định trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ. Erythromycin và azithromycin không nên được sử dụng do chưa có dữ liệu chứng minh có hiệu quả điều trị cho mẹ và cho thai nhi. Dữ liệu là không đủ để chứng minh ceftriaxon hiệu quả điều trị nhiễm trùng ở mẹ và ngăn ngừa giang mai bẩm sinh.

6. Điều trị giang mai bẩm sinh

   Trường hợp 1: Có khả năng cao giang mai bẩm sinh 

      - Dịch tinh thể penicillin G 50.000 IU/kg tiêm TMC mỗi 12 giờ trong 7 ngày đầu, 3 sau đó dùng mỗi 8 giờ, tổng cộng 10 ngày.

      - Hoặc procain penicilin G 50.000 IU/kg tiêm bắp 1 lần/ngày trong 10 ngày

Nếu bỏ sót ≥ 1 ngày điều trị, thực hiện lại đầy đủ 1 liệu trình điều trị từ đầu. Khuyến cáo nên thực hiện đầy đủ liệu trình penicillin 10 ngày kể cả đã sử dụng ampicillin trước đó để điều trị nhiễm trùng huyết.

   Trường hợp 2: Có khả năng là giang mai bẩm sinh 

      - Dịch tinh thể penicillin G 50.000 IU/kg tiêm TMC mỗi 12 giờ trong 7 ngày đầu, 3 sau đó dùng mỗi 8 giờ, tổng cộng 10 ngày.

      - Hoặc procain penicilin G 50.000 IU/kg tiêm bắp 1 lần/ngày trong 10 ngày

      - Hoặc  benzathin penicillin G 50.000 IU/kg tiêm bắp liều duy nhất

Trước khi sử dụng phác đồ benzathine penicillin G đơn liều, đánh giá đầy đủ (kiểm tra dịch não tủy, đo chiều dài xương… phải bình thường) và theo dõi phải chặt chẽ.

   Trường hợp 3: Ít có khả năng là giang mai bẩm sinh

      Benzathin penicillin G 50.000 IU/kg tiêm bắp liều duy nhất.

   Dị ứng Penicillin

      Trẻ sơ sinh và trẻ em cần sử dụng penicillin để điều trị giang mai bẩm sinh nhưng những trường hợp có tiền sử dị ứng penicillin hoặc phản ứng dị ứng với penicillin nên giải mẫn cảm trước, sau đó điều trị bằng penicillin.

      Không đủ dữ liệu chứng minh hiệu quả của các kháng sinh khác cho bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ em.

 

Tài liệu tham khảo

http://www.cdc.gov/std/tg2015/syphilis.htm