banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

13/06/2012

Giao lưu trực tuyến "Bệnh lý sa sinh dục", lúc 08g30 ngày 15/6/2012

Bệnh lý sa sinh dục trong đó gồm sa cơ quan vùng chậu là bệnh của các cấu trúc cân cơ dây chằng treo, nâng đỡ các cơ quan như bàng quang niệu đạo, âm đạo, tử cung, trực tràng hậu môn, và do đó không phải bệnh của cơ quan bị sa ra  ngoài âm đạo.

Nguyên nhân của bệnh lý có thể là bẩm sinh, táo bón, lớn tuổi, tiền sử sinh đẻ nhiều qua đường âm đạo, tiền sử có trải  qua các phẫu thuật vùng chậu (cắt tử cung, cắt trĩ…).

Các bệnh lý như rối loạn tiêu tiểu, tiêu tiểu không kiểm soát, sa các tạng vùng chậu (sa tử cung, sa bàng quang/niệu đạo, sa vòm âm đạo, sa ruột non, sa trực tràng), đau lưng dưới, đau khớp vệ, .. là các rối loạn chức năng do chứng bệnh sa tạng chậu gây nên. Mặc dù bệnh lý này không ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân là không tự tin, xấu hổ.

Việc điều trị cho bệnh nhân mắc căn bệnh này có thể là điều trị nội khoa (tập cơ sàn chậu, tập luyện bàn quang, …) giúp phục hồi và tăng cường chức năng của bàng quang niệu đạo, âm đạo, hậu môn trực tràng hoặc ngoại khoa (cắt tử cung ngã âm đạo và sửa hội âm theo kinh điển, đặt mảnh ghép tổng hợp ngả bụng hở/ nội soi hoặc ngả âm đạo,…).


Để có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh của mình và hướng giải quyết bệnh sa sinh dục như thế nào, website bệnh  viện Từ Dũ tổ chức Giao lưu trực tuyến với bác sĩ với chuyên đề “Bệnh lý sa sinh dục” vào lúc 08g30, thứ sáu, ngày 15-06-12 với sự tham gia của

     
  • BS. CKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Trưởng khoa Nội soi
  •  
  • BS. CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành – Phó trưởng Khoa Khám bệnh    
  •  
  • BS. CKI. Nguyễn Thị Thanh Tâm - Khoa Nội soi

Hệ thống đã sẵn sàng. Chuyên mục rất mong nhận được nhiều câu hỏi của quý độc giả.

Hệ thống đã tạm khóa. Những câu hỏi chưa được phúc đáp sẽ được phúc đáp qua email. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm và đặt câu hỏi.

 
* Chào bác sĩ       
Em mang thai đã được 22 tuần, nhưng em thường bị són tiểu, nó làm em cảm thấy khó chịu và không tự tin lắm. Em có biết là khi mang thai sẽ có trình trạng són tiểu. Nhưng bác sĩ có thể cho em biết cách chữa trị và sau khi sinh con thì tình trạng này còn xảy ra hay không? Cảm ơn bác sĩ nhiều. Chúc bác nhiều sức khỏe.         

trangnguyenthi@.... 


BS. CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành
Phó Trưởng khoa Khám bệnh

BS. CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành:        
Một trong những triệu chứng khó chịu của người phụ nữ khi mang thai là són tiểu. Nguyên nhân do khi mang thai, áp lực ổ bụng tăng, làm thay đổi những vị trí giải phẫu ở vùng sàn chậu gây ra tình trạng són tiểu. Em nên đến khám và tư vấn ở Đơn vị phục hồi sàn chậu bệnh viện Từ Dũ  để được hướng dẫn thêm một số bài tập thể dục để cải thiện tình trạng này. Sau sanh em cũng cần khám và đánh giá lại. Chúc em vui.
                        

* Tôi năm nay 38 tuổi, sau lần sinh bé thứ hai tôi rất hay bị són tiểu nhất là lúc hắt hơi. Tuy không nhiều nhưng rất mất vệ sinh. Bác sĩ xin cho tôi hỏi tôi bị như vậy là bị bệnh gì và có cách nào để không bị như vậy nữa không ạ.        

nguyento@....    

BS. CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành:        
Són tiểu thường xảy ra ở phụ nữ sau mang thai hoặc sanh đẻ do tình trạng mang thai và chuyển dạ sanh làm thương tổn  hệ thống cân cơ, thần kinh ở vùng sàn chậu. Són tiểu còn xảy ra ở những người lớn tuổi do tình trạng sa nhão các cơ ở vùng sàn chậu do nội tiết. Có nhiều dạng són tiểu, thường gặp nhất là són tiểu khi gắng sức giống như tình trạng của bạn mô tả là sau ho, hắt hơi, vận động mạnh. Tuỳ mức độ són tiểu nhiều hay ít mà ảnh hưởng đến chất lượng sống. Nếu tình trạng són tiểu này làm bạn khó chịu, mời bạn  đến khám tại Đơn vị phục hồi sàn chậu bệnh viện Từ Dũ để được tư vấn.                        
              Các bác sĩ tham gia giao lưu trực tuyến chuyên đề
"Bệnh lý sa sinh dục"


* Em muốn hỏi những biểu hiện nào cho biết mình có khả năng bị bệnh lý sa sinh dục?

nhunguyet_87@...

BS. CKI. Nguyễn Thị Thanh Tâm
BS. CKI. Nguyễn Thị Thanh Tâm: Chào em, sa sinh dục thường gây ra các triệu chứng như: khối phồng trong âm đạo hoặc thoát ra khỏi cửa mình mà người bệnh tự sờ thấy hay soi gương thấy, cảm giác trằn nặng vùng của mình có hay không kèm đau nhức lưng, đi đại tiện, tiểu tiện khó không thoải mái, phải rặn hoặc ngồi lâu mới đi được, giao hợp khó khăn, gỉam cảm 

* Khoảng 1 tuần nay em đi tiểu thì rất đau ở vùng dưới, em đi siêu âm thì bác sĩ bảo là bình thường, do nóng trong người nên mới bị như vậy chỉ cần uống nhiều nước dừa là sẽ hết, em cũng uống được 1 tuần nay rồi nhưng vẫn không bớt, em rất lo như vậy có phải mình đã bị nhiễm trùng tiểu không thưa bác sĩ  

bongdiep85@....

BS. CKI. Nguyễn Thị Thanh Tâm: Chào em, đi tiểu đau là triệu chứng thường gặp khi người bệnh bị nhiễm trùng tiểu, siêu âm không thể phát hiện hết được. Em nên đi khám lại, xét nghiệm thêm nước tiểu để xác định bệnh.

* Em gái tôi mới sinh con đầu lòng, sau khi đẻ thì ở hậu môn có xuất hiên một cục màu hồng khó khép chân, thấy đau. Có phải em tôi bị sa trực tràng không thưa bác sĩ?

anhgno@...
 

BS. CKI. Nguyễn Thị Thanh Tâm: khối sa ở hậu môn đó có thể là búi trĩ hoặc sa niêm trực tràng. Em gái em nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hậu môn trực tràng để được điều trị kịp thời, bớt đau và bớt khó chịu. Ngoài ra em cũng nên để ý chế độ ăn uống cho dễ đi tiêu như ăn nhiều rau, trái cây, uống khoảng 2 lít nước/ngày, tránh nằm ngồi lâu, ít vận động không tốt cho hoạt động ruột, bọng đái, tập thói quen đi tiêu đều đặn.

* Bệnh sa tử cung ở những phụ nữ đã sinh đẻ có phải là bệnh di truyền không? Phòng ngừa bệnh này như thế nào?

hieunguyen@....

BS. CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành: Chào bạn,
Các cơ quan trong vùng chậu người phụ nữ gồm bàng quang tức bọng đái phía trước, âm đạo, tử cung ở giữa và phía sau là hậu môn trực tràng. Để nâng đỡ tất cả các cơ quan này, có hệ thống cân, cơ, dây chằng và thần kinh đan xen với nhau. Khi hệ thống nâng đỡ này bị thương tổn, thường do nguyên nhân mang thai, sanh đẻ, hoặc do thiếu nội tiết người cao tuổi, các cơ quan này bị sa tụt ra khỏi âm hộ. Từ ngữ y khoa gọi là sa tạng chậu. Sa tạng chậu không chỉ là sa tử cung, mà còn sa cả bọng đái, trực tràng kèm theo..gây viêm nhiễm, són tiểu, đi tiểu khó, táo bón…

Sa tạng chậu không phải là bệnh di truyền. Có nhiều hướng dẫn để phòng tránh tình trạng bệnh như: chế độ ăn uống tránh táo bón, các tư thế khi làm việc, sinh hoạt tránh gây tăng áp lực ổ bụng, các bài tập thể dục để giúp tăng cường sức cơ ở  vùng sàn chậu…
Chúc bạn vui.

*Chào bác sĩ, tôi đã lập gia đình và có 2 con. Gần đây, tôi cảm thấy có gì đó phồng lên ở âm đạo, gần âm hộ, bác sĩ được chẩn đoán là sa bàng quang và khuyên ổ. Bác sĩ có thể cho em biết nguyên nhân và có cách điều trị ngoài khác không?

vylamthuy@...

BS. CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành: Chào bạn,
Các cơ quan trong vùng chậu người phụ nữ gồm bàng quang tức bọng đái phía trước, âm  đạo, tử cung ở giữa và phía sau là hậu môn trực tràng. Để nâng đỡ tất cả các cơ quan này, có hệ thống cân, cơ, dây chằng và thần kinh đan xen với nhau. Khi hệ thống nâng đỡ này bị thương tổn, thường do nguyên nhân mang thai, sanh đẻ, hoặc  do thiếu nội tiết người cao tuổi, các cơ quan này bị sa tụt ra khỏi âm hộ. Từ  ngữ y khoa gọi là sa tạng chậu. Sa tạng chậu thường phối hợp hai hoặc ba cơ quan cùng lúc. Vậy tình trạng phồng ra ở âm hộ như bạn mô tả là bạn đang bị sa tạng. Bạn cần được khám đánh giá các cơ quan trong vùng chậu cùng lúc, bạn sẽ được tư vấn nên phẫu thuật hay điều trị nội khoa.

Chúc bạn vui

* Chào các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ, em có một vài câu hỏi nhờ các bác sĩ
Thưa bác sĩ, tôi 34 tuổi, hiện có thai bé thứ 2 được hơn 6 tháng. Nhưng từ khi sanh bé thứ 1 đến giờ tôi bị tình trạng són tiểu lúc  ho, hắt xì hay chạy bộ. Tôi có tập luyên Kegel nhưng không thường xuyên. Tình trạng này ngày càng tệ hơn rất nhiều khi tôi có thai lần 2. Tôi tính lần sinh đẻ  này sẽ cùng lúc làm luôn may tầng sinh môn trước và sau cùng với phẫu thuật  TVT-O. Bác sĩ vui lòng cho tôi lời khuyên và cách xử lý thích hợp.

  confettismile@

BS. CKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi:  Chào chị, són tiểu khi ho, rặn, cười nói, hắt hơi, chạy bộ …thuật ngữ y khoa gọi là tiểu không kiểm soát khi gắng sức; tình trạng  này xảy ra phổ biến ở các chị em đã từng mang thai và sanh đẻ. Quá trình mang thai và sanh đẻ đã gây dãn nhão, đứt rách làm suy yếu các cấu trúc nâng đỡ các cơ quan vùng bụng dưới ( như bọng đái, niệu đạo, tử cung, trực tràng…), dẫn đến một số các rối loạn chức năng của các cơ quan này, trong đó có tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chị bị són tiểu nặng hơn khi mang thai cháu thứ 2. Bài tập Kegel như chị đã từng tập là bài tập kinh điển, dễ dàng, mọi lúc mọi nơi đều thực hiện được, rất có hiệu quả khi được tập luyện liên tục và đầy đủ. Các bác sĩ thường không khuyến khích các chị em may thẩm mỹ tầng sinh môn ngay sau sanh, mà tốt hơn là nên để 3 tháng sau sanh trở đi; còn phẫu thuật như chị đề nghị cũng sẽ không thực hiện ngay sau sanh, vì chị cần phải khám phụ khoa sau sanh 3 tháng, các bác sĩ phải đánh giá lại tình trạng són tiểu của chị ở múc độ nào, đã đến lúc cần can thiệp phẫu thuật chưa…..  
Chúc chị vui khỏe và hạnh phúc.

BS. CKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi
Trưởng khoa Nội soi

* Chị gái tôi năm nay 33 tuổi, mới sinh con thứ 2 được gần 4 tháng nay. Thời gian gần đây chị cảm thấy nặng nặng nơi âm đạo, nhất là những lúc phải mang vác nặng thì thấy cả khối to nhô ra ngoài…Tôi nghe nói đó là hiện tượng sa dạ con. Bác sĩ cho em hỏi đó có phải là hiện tượng sa dạ con và bác sĩ có cách nào để điều trị dứt điểm tình trạng này. Vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của chị làm cảm thấy khó chịu và khó tiểu tiện. Cảm ơn bác sĩ

  minhlan@....

BS. CKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Chào chị.
 Nghe chị mô tả hiện tượng có khối to nhô ra ngoài, xả  ra khi đi lại, mang vác nặng, và đặc biệt có ảnh hưởng đến cuộc sống do khó chịu  và khó tiểu tiện, thì các bác sĩ có thể nghĩ ngay đến chẩn đoán sa sinh dục (trong y khoa còn gọi là sa tạng chậu nữ hay bệnh lý sàn chậu nữ), trong đó có thể đã có sa tử cung, sa bọng đái, sa trực tràng luôn, tức là sa phối hợp nhiều cơ quan. Chị cần đưa người chị của chị đến khám tại các cơ sở y tế sản phụ khoa khám  như bệnh viện Từ Dũ, hay Hùng Vương, Nhân dân Gia Định… để được chẩn đoán chính  xác và điều trị phù hợp; khuynh hướng hiện nay và đặc biệt trên các chị em còn  trẻ, là điều trị bảo tồn giữ lại tử cung, không cần phải cắt bỏ tử cung như các điều trị kinh điển trước đây, đồng thời treo nâng các cơ quan như tử cung, bọng  đái, trực tràng… lên, đưa chúng trở lại vị trí bình thường ban đầu. 

Chào chị và xin chúc vui khỏe, hạnh phúc.