banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Đau bụng kinh

Hỏi - 03/02/2010

Chào bác sỉ !

Mong bác sỉ tư vấn giúp em. Năm nay em 23 tuổi, em bị đau bụng kinh rất nhiều từnăm em mới 18 tuổi đến nay. Lúc đầu thì cách 2,3 chu kỳ kinh mới đau một lần, khoản 3 năm nay thì tháng nào em cũng bị đau hết. em đau quặng cả người,  toát mồ hôi và lạnh nữa.  Gần đây em có đi khám bác sỉ nói em bi nan xuất huyết và thống kinh gì đó. Bác sỉ cho em uống ORGAMETRIL  60 viên VÀ STRASE 10 viên. Bác sỉ nói uống thuốc này sẽ bị mất kinh. Nhưng em quên hỏi thêm về tác dụng phụ.

Uống thuốc này liên tiếp 3 tháng có bị tác dụng phụ phụ gì không và bị đau bụng kinh nhiều lâu dài có thể dẫn đến bệnh nào nguy hiểm không thưa Bác sỉ.

Rất mong nhận được sự tư vấn từ Bác sỉ. Em xin cảm ơn nhiều.

Trả lời

Chào em,

Đau bụng vào kỳ kinh được gọi là thống kinh (thống là đau). Thống kinh là rối loạn phụ khoa thường gặp khỏang 50% phụ nữ tuổi sinh sản. Chia 2 loại: thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát

Thống kinh nguyên phát :

Thống kinh nguyên phát không có nguyên nhân bệnh lý ở vùng chậu. Xảy ra 1, 2 năm đầu có kinh, khi đó chu kỳ BT đang hình thành.

Điều trị: Dùng thuốc kháng viêm nonsteroid, giảm co thắt hoặc ngừa thai vĩ (uống  21 viên mỗi tháng) có thể giảm triệu chứng đau này.

Thống kinh thứ phát

Thống kinh thứ phát xảy ra kèm với bệnh lý vùng chậu. thường xảy ra 1-2 tuần trước khi có kinh và kéo dài vài ngày sau khi hết kinh. Cơ chế không rõ ràng, thường liên quan đến prostaglandin, tăng trương lực cơ TC vì có tắc nghẽn ở CTC, u trong TC, vật thể lạ. Nguyên nhân thường gặp là lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung, lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, dụng cụ tử cung. Điều  trị thuốc progestin, chất đồng vận GnRH hoặc lấy dụng cụ tử cung. Orgametril là 1 trong những loại có chứa progestin. Dùng thuốc này liên tục gây tình trạng mất kinh nhân tạo, khi mất kinh sẽ làm mô lạc nội mạc tử cung không phát triển và bệnh lý giảm dần.

Chống Chỉ Định:  Bệnh gan nặng, bướu tế bào gan, xuất huyết âm đạo không rõ nguyên nhân, nhiễm Herpes thai kỳ, vàng da trong thai kỳ, xơ cứng tai, sẩn ngứa nặng, rối loạn chuyển hóa porphyrin nặng, phụ nữ có thai.

Phản Ứng Có Hại: Có thể gây chảy máu bất  thường (10%) ở 1-2 tháng đầu. Nổi mụn nhiều, thay đổi dục cảm, rối loạn tiêu hóa, tăng cân, nhức đầu hay nhức nửa đầu, chóng mặt, dễ xúc động, trầm cảm, tăng tiết mồ hôi, rậm lông, nám da, nổi mẩn, ngứa, vàng da, thay đổi nồng độ lipoprotein/máu, thay đổi các xét nghiệm chức năng gan, vô kinh, rối loạn kinh nguyệt, giảm dung nạp glucose, đau vú, phù.

Tương Tác Thuốc:  Than hoạt, barbiturate, hydantoin & rifampicin làm giảm hiệu lực của thuốc. Thuốc chẹn thụ thể b-adrenergic, cyclosporin, insulin làm tăng hiệu lực của thuốc.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ