banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

17/03/2016

Kháng sinh: Thận trọng trong quản lý

Ds. Nguyễn Tấn Xuân Trang (Dịch)
Khoa Dược – Bv Từ Dũ

Mỗi năm phút, có 1 trẻ chết do vi khuẩn kháng thuốc tại Đông Nam Á. Những thuốc có hiệu quả trong việc điều trị những căn bệnh chết người như lao, HIV, sốt rét,… đang ngày càng giảm dần tác dụng của chúng. Sử dụng sai và sử dụng lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến đề kháng – một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất.

Kháng sinh thường không được chỉ định một cách tối ưu – như là khi không cần thiết, hoặc là với sự lựa chọn không chính xác loại kháng sinh hoặc liều sử dụng. Tự mua thuốc mà không cần toa bác sĩ là một việc phổ biến. Sử dụng kháng sinh thất bại hoặc sử dụng kéo dài, thiếu quy định hay tiêu chuẩn cho nhân viên y tế và việc sử dụng sai và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nông nghiệp là những yếu tố làm tăng thêm sự đề kháng kháng sinh.

WHO đang vận động mạnh mẽ cho những hành động khẩn cấp để đẩy lùi tình trạng đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng và đang đe dọa có thể vượt khả năng của kháng sinh để chữa những bệnh nhiễm trùng nặng. Điều này có thể là một thảm họa. Chúng ta đang hướng đến một kỷ nguyên khi 1 vết cắt nhỏ cũng có thể đe dọa tính mạng. Những nhiễm trùng thông thường có thể được điều trị trong nhiều thập kỷ qua một lần nữa có thể gây chết người.

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á WHO đã ký kết tuyên bố tại Jaipur vào năm 2011 về ưu tiên hành động phòng chống đề kháng kháng sinh.

Tuần lễ Thế giới nhận thức về kháng sinh với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành tốt trong cộng đồng, trong nhân viên y tế và các chính sách đảm bảo sử dụng kháng sinh đúng cách để hạn chế sự xuất hiện thêm và lây lan tình trạng đề kháng kháng sinh.

Kháng sinh vẫn là một nguồn quý giá. Chúng đã cứu hàng triệu sinh mạng bằng cách điều trị các nhiễm khuẩn nặng. Hãy cùng chúng tôi ngăn chặn sự đề kháng kháng sinh.

 

Nguồn:

Antibiotics: Handle with care (MIMs doctor 12/2015)