banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

24/02/2016

ACOG khuyến cáo điều trị phối hợp trong nhiễm lậu

DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm (Dịch)
Khoa Dược- BV  Từ Dũ

   Theo đồng thuận quan điểm được xuất bản trên tạp chí sản phụ khoa tháng 11, Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo điều trị kháng sinh phối hợp trên nhiễm lậu cầu.

   Ceftriaxon và Azithromycin nên là lựa chọn đầu tay, vì Neisseria gonorrhoeae đã phát triển đề kháng với nhóm Sulfonamides, Tetracyclin.

   Bệnh lậu là một bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục phổ biến đứng hàng thứ hai ở Hoa Kỳ, với ước tính mỗi năm xảy ra 820 000 trường hợp mới. Năm 2007,việc xuất hiện tình trạng Neisseria gonorrhoeae đề kháng với nhóm Fluoquinolone là cơ sở cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh chấm dứt khuyến cáo sử dụng Fluoroquinolone trên nhiễm lậu cầu, chỉ Cephalosporin là nhóm kháng sinh còn lại duy nhất được khuyến cáo.

   Các thành viên ủy ban viết: “Đề kháng kháng sinh giới hạn thành công của việc điều trị, làm tăng nguy cơ biến chứng và có thể tạo thuận lợi cho việc  truyền các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục”.

   ACOG khuyến cáo sử dụng Ceftriazon và Azithromycin trong cùng một ngày, tốt nhất là đồng thời, dưới sự quan sát trực tiếp. Phác đồ lựa chọn đầu tay trên nhiễm lậu cầu không biến chứng của cổ tử cung, niệu đạo và trực tràng là tiêm bắp một liều duy nhất Ceftriazon 250mg phối hợp với uống liều duy nhất Azithromycin 1 g. Lựa chọn thứ hai gồm uống Cefixim phối hợp uống Azithromycin, trong các trường hợp dị ứng nặng với nhóm Penicillin, sử dụng  Gemifloxacin uống phối hợp với Azithromycin hoặc Gentamicin tiêm bắp phối hợp với Azithromycin.

   Phụ nữ mang thai nhiễm lậu cũng nên được điều trị phối hợp và không yêu cầu một thử nghiệm sau điều trị (test of cure). Nếu phụ nữ mang thai không được điều trị gần đây, họ nên được kiểm tra lại trong ba tháng cuối thai kỳ.

   Không cần thiết cho làm thử nghiệm sau điều trị cho bệnh nhân với chẩn đoán nhiễm lậu niệu sinh dục hoặc trực tràng không biến chứng, mà đã được điều trị bằng phác đồ đầu tay hoặc bằng lựa chọn thứ hai.

   Tái nhiễm khuẩn là phổ biến ở những bệnh nhân đã được điều trị trong vài tháng trước đó, do đó bệnh nhân nên được cho kiểm tra lại ba tháng sau khi điều trị. Tác giả viết: “Đối với những bệnh nhân nhận được kết quả xét nghiệm dương tính ở lần xét nghiệm lại, khả năng là do tái nhiễm nhiều hơn là do thất bại điều trị”.

   Một số khuyến cáo khác của Ủy ban:

      - Phụ nữ nhiễm lậu vùng hầu được điều trị bằng phác đồ thay thế nên quay lại sau 14 ngày điều trị để thử nghiệm lại bằng nuôi cấy vi sinh hoặc khuếch đại axit nucleic thử nghiệm.

      - Bạn tình của những bệnh nhân đã được chẩn đoán nhiễm lậu nên được tìm kiếm đánh giá và có cơ sở cho việc điều trị Neisseria gonorrhoeae và Chlamydia trachomatis.

      - Bệnh nhân và bạn tình nên tránh quan hệ tình dục trong vòng 7 ngày sau điều trị và cho đến khi bạn tình được điều trị thỏa đáng.

 

Tài liệu tham khảo

ACOG Advocates Dual Therapy for Gonococcal Infections. Diana Swift

(http://www.medscape.com/viewarticle/853054)