banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Làm sao để có thai an toàn khi đã từng mắc bệnh Rubella?

Hỏi - 25/06/2010

Chị của em co thai đã 4 lần rồi nhưng không giữ được. 3 lần đầu có  thai thì đến tuần thứ 8 đều không có phôi hoặc tim thai. Rồi chị ấy lên BV Từ Dũ khám, mới biết bị nhiễm Rubella. Sau một thời gian điều trị, bác sĩ bảo là virus đã giảm nhiều rồi. Nên chị ấy mới để có thai lại, đến tuần thứ 8 bác sĩ bảo thai tốt và đã có tim thai. Vợ chồng chị ấy mừng lắm, nhưng không hiểu sao vài tuần sau đó thai yếu dần, bác sĩ có cho uống thuốc dưỡng thai nhưng rồi cũng không ổn. Bác sĩ cho chị ấy siêu âm thì phát hiện là thai đã chết.

Bác sĩ cho em hỏi, những người đã từng mắc bệnh Rubella thì khó có thai bình thường lắm phải không? Làm thế nào để có thể có thai bình thường như người khác? Chị em bỏ thai đến 4 lần,  có ảnh hưởng gì đến những lần mang thai sau không? 

Mong bác sĩ hướng dẫn giúp em! 

Trả lời

Chào bạn,

Rubella còn gọi là bệnh sởi Đức hay sởi 3 ngày. Diễn tiến bệnh tự khỏi và rất hiến khi gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu mang thai trong 3 tháng đầu bị nhiễm Rubella cấp (tình trạng mới nhiễm lần đầu) thì ảnh hưởng xấu đến thai nhi, 90% thai nhi sẽ bị hội chứng Rubella bẩm sinh (kèm dị tật bào thai) và có thể gây sẩy thai, thai lưu. Các nước tiên tiến tiêm ngừa Rubella cho trẻ em và tất cả các thiếu nữ chưa lập gia đình. 

Những người đã bị nhiễm Rubella cấp 1 lần trong đời thì không phải tiêm ngừa nữa vì đã có miễn dịch.
Nếu 1 thai phụ đã bị nhiễm Rubella cấp trong 1 lần mang thai < 13 tuần thì những lần mang thai về sau không bị ảnh hưởng bởi bệnh Rubella nữa.

Chị gái của bạn đã bị sẩy thai liên tiếp với tuổi thai < 8 tuần, nguyên nhân thường gặp do: 

  1.  Bất thường về yếu tố di truyền (nhiễm sắc thể, gen). Tuổi mẹ lớn
  2.  
  3. Bất thường tử cung (dính buồng tử cung một phần, u xơ tử cung dưới niêm,..)
  4.  
  5. Bất thường về nội tiết: thiểu năng hoàng thể thai kỳ,bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường.
  6.  
  7. Yếu tố miễn dịch: hội chứng kháng phospholipid, lupus..
  8.  
  9. Nhiễm trùng: Toxoplasma gondii, cytomegalovirus, herpes simplex virus,viêm âm đạo do vi khuẩn.
  10.  
  11. Yếu tố môi trường: rượu, thuốc lá, càphê..
  12.  
  13. Ngoài ra cũng có khoảng 20 – 25% trường hợp sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân.

Khi bỏ thai dù 1 hay nhiều lần thì khả năng mang thai lại cũng bị ảnh hưởng phần nào. Nếu sẩy thai liên tiếp càng nhiều lần thì khả năng sẩy thai cho lần mang thai sau càng cao.

Chị của bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân nếu có, từ đó sẽ điều trị thích hợp.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ