banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

27/07/2011

Sanh dịch vụ gia đình - Làm sao để hiệu quả nhất?

                                                                             ThS BS Ngô Thị Yên
K. KHGĐ - BV Từ Dũ

Đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Sanh nở đúng là công việc khó khăn nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Cuộc chuyển dạ sanh thường kéo dài nhiều giờ, có khi hết cả ngày trời khiến cho thai phụ và người nhà luôn trong trạng thái căng thẳng vì chờ đợi và hồi hộp.

 
Cơn đau do gò tử cung 3 cơn trong10 phút là một dấu hiệu chuyển dạ sanh
    Nguồn: Tusha Dawe,eHow contributor
Hiện nay, nếu gia đình có yêu cầu thì nhiều cơ sở y tế đã cho phép người nhà vào phòng sanh hỗ trợ người phụ nữ trong giờ phút “vượt cạn”, gọi là sanh “dịch vụ gia đình”. Người nhà được phép ở bên cạnh khi thai phụ được chuyển vào phòng chuẩn bị sanh, tức là khi chuyển dạ đã vào giai đoạn hoạt động - là thời điểm cơn gò tử cung ngày càng nhiều và dồn dập, người phụ nữ cảm thấy đau bụng sanh nhiều, chuẩn bị cho việc sổ thai. Việc làm này có nhận được sự hoan nghênh từ hai phía - thai phụ và người nhà không? Làm thế nào để sanh dịch vụ gia đình có hiệu quả cao nhất?

 


Người chồng nói gì?

 Anh S bước ra từ phòng sanh cùng với người vợ còn nằm trên giường chuyển bệnh. Tay bồng đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn, vẻ mặt rạng rỡ, anh nói: “Mừng quá chị à. Gia đình em được mẹ tròn con vuông. Nhưng, chứng kiến vợ toát mồ hôi khi phải rặn sanh cháu bé này, tôi thương vợ quá. Chắc chuyến này xong, phải ngừa thai 5-7 năm.” Nói xong, anh nhìn chị âu yếm ra vẻ thông cảm với những cố gắng của vợ.

Anh bạn của tôi kể lại khi vợ anh đi sanh, anh cũng xin phép vào cùng với vợ, một phần vì tò mò, một phần vì cũng muốn an ủi động viên chị. Lúc chị đau nhiều nhất và rặn sanh em bé, bác sĩ chuẩn bị đỡ sanh, cắt tầng sinh môn, thấy máu chảy ra, anh suýt ngất xỉu và… điều dưỡng phải dìu anh ra khỏi phòng sanh! Hóa ra, anh lại làm vợ mình lo lắng thêm. “Tính mình sợ máu từ nhỏ mà”, anh nói với tôi như để chữa thẹn. 

Cũng  có trường hợp người chồng chia sẻ trên diễn đàn rằng sau khi đi xem vợ sanh xong, anh về suy nghĩ và …buồn hết mấy ngày! Cảm giác từ đây không còn “độc quyền” khiến anh “giận hờn mà chẳng biết giận ai” và cũng chính từ đó, chuyện gối chăn không còn mặn nồng, anh đâm ra chán vợ.

Sản phụ nghĩ sao?

Chị  T. ở phòng Hậu sản kể lại với tôi bằng giọng tràn đầy hạnh phúc rằng “Lúc nữ hộ sinh bảo rặn sanh đi, tôi cố hết sức nhưng vẫn chưa kết quả. Bất ngờ chồng tôi nắm chặt tay tôi và nói nhỏ vào tai ‘Cố lên em yêu! Con sắp ra rồi’, tôi bỗng thấy mình mạnh thêm nhiều và sau hai lần rặn, tôi đã nghe tiếng con khóc oe oe. Không thể nào quên được phút giây đó, chị à”.

Ngược lại trường hợp của chị T là chị H. Chị kể lại rằng trong phòng chờ sanh chị chịu đau rất giỏi, nhưng khi chuyển qua phòng chuẩn bị sanh, có chồng chị kế bên, mỗi lần gò bụng đau, chị cứ cảm thấy tủi thân thế nào và…khóc! Chị nói:  “Giống như khi mình còn bé, chị à. Lỡ có chạy ngã, không ai nhìn thấy thì tự đứng lên, nhưng chỉ cần bố hoặc mẹ lên tiếng xuýt xoa là tự nhiên khóc ngay”.  Cô nữ hộ sinh cứ phải hướng dẫn cách rặn và động viên mãi, cuối cùng chị mới sanh được. 

Nên quyết định như thế nào ? 

Đa số đàn ông cho rằng có mặt bên vợ trong giờ phút vợ chuẩn bị sanh và sau đó cùng chào đón đứa con ra đời là khoảnh khắc hết sức thiêng liêng và hạnh phúc. Hầu hết phụ nữ cũng cảm thấy được sẻ chia nhiều, an tâm hơn và tăng thêm sức mạnh để rặn sanh tốt hơn khi có người thân ở bên.

Tuy  nhiên, trước hết người phụ nữ phải cân nhắc là mình có nhu cầu cần người thân ở bên cạnh lúc sanh hay không. Khi đó, tùy từng trường hợp cụ thể, gia đình nên bàn bạc trước để “tuyển chọn” ai sẽ vào hỗ trợ cho người phụ nữ lúc sanh. Người này sẽ có một nhiệm vụ duy nhất và rất khả thi là hỗ trợ tinh thần tối đa cho người phụ nữ nhằm giúp sức với nhân viên y tế để cuộc sanh diễn ra tốt nhất. Không nhất thiết phải là người chồng (một số vùng ở nước ta, ông bà ngày xưa còn nói rằng chồng đưa vợ đi sanh thì khó sanh đấy nhé!). Mẹ ruột, mẹ chồng, chị em gái, cô dì… cũng là những ứng cử viên tốt. Cần tìm hiểu trước về một cuộc sanh bình thường để khỏi bỡ ngỡ đến mức suýt ngất xỉu như anh bạn kể trên.

Với  những người chồng cảm thấy “mất mát” sau khi tận mắt chứng kiến cảnh vợ sanh với sự giúp sức của nhiều người khác thì nên nhớ rằng sanh nở là chuyện xảy ra  theo qui luật tự nhiên. Người phụ nữ chẳng có lỗi gì khi phải “lộ hàng kín” lúc sanh và quan trọng hơn là việc này không ảnh hưởng tiêu cực gì đến tình yêu của người vợ dành cho chồng. Ngược lại, sau khi sanh con thì con cái chính là sợi dây gắn kết tình cảm vợ chồng, làm cho hạnh phúc gia đình ngày càng bền chặt. 

      Có mặt bên vợ và cùng chào đón đứa con ra đời là khoảnh khắc thiêng liêng và hạnh phúc của phái mạnh.

Khi có sự chuẩn bị tốt, việc cho phép người thân ở bên cạnh lúc sanh sẽ giúp người phụ nữ không còn cảm giác “mồ côi một mình” và cuộc sanh sẽ có kết quả tối ưu. Ngoài ra, việc làm này ở nhiều trường hợp còn mang lại những hiệu quả tích cực không ngờ trong việc gắn kết tình cảm vợ chồng, nhắc nhở người chồng về việc kế hoạch hóa gia đình, ngừa thai, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người bố với con cái.

Việc tư vấn kỹ cho thai phụ và người thân của nhân viên y tế trước khi tiến hành công việc sanh dịch vụ gia đình là cần thiết và sẽ giúp cho dịch vụ này phát huy được hiệu quả cao nhất.

* Ảnh chỉ mang tính chất minh họa