banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

14/12/2009

Tìm hiểu Cytomegalovirus


Cytomegalovirus (CMV) là virus thường gặp và hầu hết mọi người đều bị nhiễm. Một khi đã xâm nhập cơ thể con người, CMV sẽ tồn tại trong cơ thể. Do có nhiều chủng CMV nên người ta có thể bị nhiễm CMV nhiều lần.

Nguy cơ nhiễm CMV qua tiếp xúc thường ngày là rất thấp. CMV chỉ có thể lây truyền từ người nhiễm sang người lành khi tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh: nước tiểu, nước bọt, sữa..

Nhiễm CMV hầu hết không có triệu chứng, thường bệnh nhân chỉ hơi mệt mỏi thoáng qua. Tuy nhiên, ở những người suy giảm miễn dịch và phụ nữ có thai, nhiễm CMV gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

CMV và thai kỳ

Nhiễm CMV ở trẻ em thường không gây bệnh, tuy nhiên nhiễm CMV ở phụ nữ đang mang thai có thể ảnh hưởng đến bào thai dẫn đến thai dị tật bẩm sinh hay các bệnh lý khác, thậm chí gây tử vong thai hay trẻ sơ sinh.

Hai nguồn lây nhiễm CMV chính cho phụ nữ có thai là do tiếp xúc với nước tiểu, nước bọt của trẻ nhiễm hay qua quan hệ tình dục. Hạn chế số bạn tình và quan hệ tình dục an toàn sẽ giảm nguy cơ nhiễm CMV qua đường tình dục. Không có biện pháp nào có thể ngăn ngừa hết nguy cơ nhiễm virus từ trẻ nhiễm, tuy nhiên có một số cách có thể hạn chế được sự lây lan. Nguyên tắc chung là tránh không để nước bọt, nước tiểu của trẻ tiếp xúc với mắt, mũi hay miệng của bạn. Do đó, bạn nên thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng nhất là sau khi thay tã, cho trẻ ăn, lau nước mũi, nước bot của trẻ hay cầm nắm đồ chơi.

Người nhiễm CMV có thể thải virus ra ngoài môi trường qua nước tiểu và nước bọt. Vì vậy, nếu bạn có con nhỏ bị nhiễm CMV, bạn có nguy cơ nhiễm CMV nhiều hơn so với người có con nhỏ không nhiễm. Tuy nhiên, nguy cơ này cũng không thực sự cao, thực tế cho thấy, ghi nhận trong khoảng thời gian 1 năm, trong 5 người có con nhỏ nhiễm CMV, có ít hơn 1 người bị nhiễm.

Nếu bạn bị nhiễm CMV trong thai  kỳ, khả năng lây bệnh cho bào thai hơn 1/3. Trong các trẻ sinh ra bị nhiễm CMV bào thai, khoảng 1/5 trẻ bị tàn tật suốt đời như chậm phát triển tâm thần hay mất thính lực. Nếu bạn bị nhiễm CMV trước khi có thai, nguy cơ lây bệnh cho bào thai giảm xuống còn 1/100. Vì vậy nếu bạn đang có thai hay dự định có thai, hãy  trao đổi với bác sĩ mối quan tâm về CMV của bạn.

Triệu chứng



Hầu hết trẻ em và người lớn nhiễm bệnh đều không có triệu chứng gì. Một số có thể sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi hay sưng hạch. Các triệu  chứng tương tự các bệnh nhiễm khác nên thường bạn sẽ khó nhận ra là con bạn đang bị nhiễm CMV.

1/150 trẻ sinh ra bị nhiễm CMV bào thai. Đa số trẻ này (80%) có thể hồi phục hoàn toàn và không gặp phải các vấn đề sức khỏe khác.

Một số trẻ sơ sinh nhiễm CMV bào thai biểu hiện các triệu chứng sau: 

  • Cơ thể nhỏ hơn 
  • Bệnh lý gan, lách và/hay thận 
  • Vàng da vàng mắt 
  • Mảng màu tím trên da 
  • Co giật

Nhiễm CMV bào thai có thể gây tàn tật suốt đời như: 

  • Mất thính lực 
  • Mất thị lực 
  • Chậm phát triển tâm thần 
  • Đầu nhỏ 
  • Mất khả năng phối hợp vận động 
  • Co giật

Một số trường hợp tử vong.   

Điều trị


Một số ít nghiên cứu đánh giá  hiệu quả sử dụng ganciclovir ganciclovir và valganciclovir trong điều trị CMV bẩm sinh có triệu chứng. Các thuốc này có thể bảo vệ trẻ khỏi bị điếc, nhưng do thuốc có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên vẫn chưa đưa vào phác đồ thống nhất. Nếu con bạn bị CMV bẩm sinh, hãy trao đổi với bác sỹ về liệu trình tốt  nhất cho con bạn. 


Phòng ngừa

Bạn đang mang thai hay dự tính mang thai?

Cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm CMV chính là tự phòng bệnh cho chính mình.

Tránh tiếp xúc với nước bọt hay nước tiểu của trẻ em bị nhiễm CMV sẽ hạn chế nguy cơ nhiễm CMV và lây truyền cho bào thai

  • Rửa tay thường xuyên  với nước và xà phòng trong 15 đến 20 giây, nhất là sau khi:
    • Thay tã   
    • Cho trẻ ăn   
    • Cầm đồ chơi của trẻ   
    • Chạm vào nước mũi hay nước bọt của trẻ
  • Không ăn uống chung, dùng chung chén đũa muỗng … với trẻ
  •  
  • Không đưa núm vú giả của trẻ vào miệng bạn
  •  
  • Tránh không tiếp xúc với nước bọt, nước mũi của trẻ khi bạn hôn bé.
  •  
  • Lau sạch đồ chơi, và bất cứ bề mặt nào có dính nước tiểu hay nước bọt của trẻ

Theo CDC

BS. P.T.H.Q (Dịch)
Phòng KHTH - BV Từ Dũ