Vũng Liêm, Vĩnh Long – Nhiều nghĩa cử một tấm lòng

Chi đoàn khối Hậu cần - BV Từ Dũ

Xuất phát

Tờ mờ sáng thứ bảy ngày 18/9/2010, trong khuôn viên bệnh viện Từ Dũ, mọi người bị đánh thức bởi tiếng dép lạo xạo, tiếng gọi nhau í ới, tiếng khuân vác hùng hục của đoàn viên thanh niên chi đoàn khối Hậu cần để chuẩn bị cho chuyến đi công tác trao nhà tình thương và tổ chức trung thu cho trẻ em nghèo tại xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Đường vào UBND xã Trung Chánh
Vũng Liêm, Vĩnh Long

Xuất phát lúc 6g00, mọi người ăn sáng trên xe và vui thú ngắm cảnh hai bên đường. 09g00, xe đến cầu Mỹ Thuận và 09g30, xe đến đĩa phận huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long. Đường đất vào xã Trung Chánh huyện Vũng Liêm nhỏ, bề ngang chỉ vừa đủ bề ngang của xe 25 chỗ ngồi chở đoàn. Ngồi trên xe đi theo người dẫn đường mà chúng tôi cứ thấp thởm lo âu, càng vào sâu thì đường càng nhỏ, những xe gắn máy hay xe đạp của người dân đi ngược chiều khi gặp chúng tôi đều phải chạy xuống bờ cỏ hai bên để tránh. 09g40, xe vào đến sân của UBND xã Trung Chánh, đón chúng tôi là ông Nguyễn Thanh Danh, chủ tịch UBND xã Trung Chánh. Xã Trung Chánh gồm hơn 1000 hộ dân với gần 8000 nhân khẩu nhưng có đến 110 hộ nghèo (thu nhập dưới 200.000đ/hộ/tháng).

Trao nhà tình thương

Mọi sự mệt nhọc của chúng tôi được xua tan khi được thưởng thức hương vị nước dừa vừa ngọt vừa mát của địa  phương. Sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi theo chân ông Danh đi bộ khoảng 700m ra bến đò, lên xuồng máy để đến ấp Bà Đông, nơi căn nhà tình thương do chi đoàn khối Hậu cần vận động quyên góp xây dựng cho bà Võ Thị Mảnh được xây dựng.

Đi xuồng máy đến địa điểm xây nhà tình thương.

Lần đầu đi trên xuồng máy cũng giúp chúng tôi có những trải nghiệm hết sức đáng nhớ.
 
Chiếc xuồng dài khoảng 8m và bề ngang khoảng 1m cứ tròng trành mỗi khi có một người leo lên. Đoàn viên thanh  niên khoảng hơn 30 người ngồi chật hai bên thành xuồng vừa nói chuyện vui cười, vừa ca hát, vừa tranh thủ ghi lại những hình ảnh của vùng sông nước nhưng cũng vừa lo sợ mỗi khi gặp xuồng máy chạy ngược chiều hay mỗi khi xuồng quẹo ở những khúc cua sông.
  

Nhà tình thương do chi đoàn khối Hậu cần vận động xây dựng

Đến nơi, trước mắt chúng tôi là căn nhà gạch đỏ được xây dựng bên cạnh căn nhà lá cũ kỹ của bà Võ Thị Mảnh. Căn nhà mới chưa được xây dựng xong do mưa liên tục trong những ngày qua vẫn đầy ắp tiếng cười, vẫn thắm đượm tình cảm của người dân quê ghi ơn tấm lòng của đoàn viên thanh niên khối Hậu  cần cùng những nhà tài trợ. Tại căn nhà lá cũ kỹ, đại diện UBND xã Trung Chánh cũng đã đọc quyết định trao nhà cho bà Võ Thị Mảnh.
Đại diện UBND xã đọc quyết định trao nhà.

Tổ chức Trung thu chủ đề: “Trung thu nhớ Bác”
Quà chuẩn bị cho thiếu nhi vui Trung thu

Trao nhà xong cũng gần 12g00, chúng tôi quay về UBND xã để dùng bữa cơm thân mật. Bữa cơm không có cao lương mỹ vị nhưng món nào cũng ngon, cũng ngọt, ngọt gia vị, ngọt tấm lòng, ngọt tình quê. Cơm xong, nghỉ ngơi giây lát, chúng tôi tiếp tục chuẩn bị 500 phần quà gồm bánh trung thu, bánh chocopie, sữa tươi, lồng đèn và nến.

Đến gần 17g00, thiếu nhi trong xã đã được cha mẹ đưa đến đứng đầy trước cổng UBND xã, chúng tôi thi nhau thổi bong bóng để trang trí cho sân khấu thêm phần lộng lẫy và cuốn hút được trẻ em. Đến 18g00, 500 thiếu nhi được cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn vào ngồi thành từng hàng ngay ngắn trong khuôn viên sân của UBND xã.

Chương trình trung thu với chủ đề  “Trung thu nhớ bác” được tổ chức hết sức chu đáo với phần kể chuyện “Sự tích  Tết trung thu”, phần ca múa nhạc của các em thiếu nhi, phần tổ chức chơi trò  chơi cho các em thiếu nhi và sau đó là phần phát quà hết sức rộn rã, tưng bừng và dĩ nhiên là rất vui.

Toàn cảnh UBND xã với thiếu nhi trong xã.

Tham quan học hỏi

Sáng 19/9/2010, sau khi ăn sáng, trên đường về, chúng tôi ghé thăm Khu tưởng niệm Thủ tướng Phạm Hùng.

 

Cổng vào khu tưởng niệm Thủ tướng Phạm Hùng

Khu tưởng niệm Thủ tướng Phạm Hùng được xây dựng trên khu đất  rộng 32.000m2, được khánh thành ngày 11/6/2004 bao gồm 3 khu nhà chính là nhà lễ tân, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, kiến trúc theo kiểu những ngôi đình thờ xưa của đồng bằng Nam Bộ.
 
Thủ tướng Phạm Hùng là một trong những người lãnh đạo chủ chốt và xuất sắc nhất của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang nhân dân, là người anh cả của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Ông đã giữ nhiều trọng trách khác nhau, có những đóng góp to lớn vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới và bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân.
 
Nghe thuyết minh về cuộc đời của TT Phạm Hùng

Tất cả đoàn viên thanh niên trong đoàn đã được nghe thuyết minh về cuộc đời của Thủ tướng Phạm Hùng từ thời niên thiếu, quá trình hoạt  động cách mạng, bị bắt … cho đến khi ông giữ những trọng trách của Đảng, Nhà nước và qua đời trong khi còn đương nhiệm do bệnh tim.

Tất cả chúng tôi đều trầm trồ, cảm phục về cuộc đời của Thủ tướng Phạm Hùng và thương tiếc một con người đã ra đi đột ngột khi vẫn còn có thể cống hiến cho tổ quốc.

Về lại thành phố Hồ Chí Minh

Rời khu tưởng niệm lên xe về lạithành phố Hồ Chí Minh, mỗi người trong chúng tôi ai cũng mệt nhưng ai cũng vui, vui vì đã cùng đạt được nhiều thứ trong một chuyến đi đáng nhớ:

     
  • Đem đến niềm vui, sự bình yên cho một cụ già tuổi gần đất xa trời một mái nhà che nắng che mưa cùng con gái;
  •  
  • Đem đến niềm vui, nguồn giải trí tinh thần cho nhiều trẻ thơ với biết bao điều còn mới lạ cùng trí tưởng tượng phong phú và bay bổng;
  •  
  • Bổ sung vào sổ tay kiến thức thêm một con người ưu tú của Việt Nam, của quê hương Vĩnh Long, đáng để cho mỗi đoàn viên thanh niên chúng tôi học tập noi theo;
  •  
  • Thắt chặt thêm tình đoàn kết, sự thông hiểu nhau, sự chia sẻ khó khăn, sự chung vui của các cá nhân trong đoàn công tác, trong chi đoàn khối Hậu cần bệnh viện Từ Dũ.


 

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ