banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Tầm soát Trẻ bị tật tim bẩm sinh trước khi sinh

Hỏi - 12/02/2011
Xin kính chào Ban quản trị diễn đàn Bệnh viện Từ Dũ!

Trước đây vợ chồng tôi có 1 bé trai, khi sinh ra đến tháng thứ 3 thì mới biết cháu bị tim bẩm sinh dạng : RỐI LOẠN TỈNH MẠCH PHỔI VỀ TIM THỂ DƯỚI TIM (Rất Nặng). Dù đã được giải phẩu triệt để nhưng cháu vẫn bị chứng cao áp phổi dẫn đến tái viêm phổi nhiều lần gây suy tim nặng và đã không qua khỏi (cháu mất lúc được 8 tháng, với hơn 5 tháng nằm viện liên tục).

Được biết là tật này không do duy truyền và có thể tầm soát trước khi sinh. Nay vợ tôi đang mang thai cháu thứ 2 được hơn 4 tháng, theo khám định kỳ thì sức khỏe tốt, Vậy xin kính nhờ các Bác sĩ bệnh viện tư vấn giúp cho chúng tôi biết có thể tầm soát cho thai nhi như thế nào là tốt nhất (trước khi sinh và sau khi sinh), cũng như cách chăm sóc, bảo vệ cho người mẹ khi đang mang thai? Nhân đây tôi cũng xin hỏi vợ tôi cũng đang bị sâu răng vậy vợ tôi có thể Trám hay nhổ răng được  không? Vợ chồng tôi vô cùng biết ơn sự tư vấn của các Bác sĩ!

nguyenminhtrung0981@yahoo.com.vn
Trả lời
Chào bạn,

Trước hết xin chia buồn cùng vợ chồng bạn với kết quả thai kỳ lần trước. Việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh đã và đang được thực hiện khá kỹ. Tại bệnh viện TừDũ, qui trình sàng lọc và chẩn đoán trước sinh được thực hiện như sau:

Khám thai lần đầu tiên: khi xác định có tim thai qua siêu âm, người mẹ được cho làm 1 số xét  nghiệm để đánh giá sức khỏe bản thân:

- Huyết đồ
- HBsAg, VDRL, HIV
- Đường huyết khi đói.
- Nhóm máu, Rhesus.
- Rubella (IgG, IgM)
- Nước tiểu: 10 thông số

Sàng lọc trong 3 tháng đầu thai kỳ: siêu âm và xét nghiệm huyết thanh mẹ

- Tuần thứ 11 – 13: siêu âm có thể phát hiện thai vô sọ, nang bạch huyết vùng cổ thai nhi, cụt chi qua siêu âm. Khi có những DTBS nặng nề này, tư vấn thai phụ và gia đình kết thúc thai kỳ.

- Tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày: Đo độ mờ gáy thai nhi. Phối hợp độ mờ gáy với tuổi mẹ và Double test (PAPP-A (Pregnancy Associated Plasma Protein A) và Free beta hCG) để đánh giá nguy cơ hội chứng Down, trisomy 18 và trisomy 13.

- Với những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao theo kết quả xét nghiệm (>1/200) được tư vấn sinh thiết gai nhau để chẩn đoán rối loạn số lượng NST 13, 18, 21 X và Y.

Sàng lọc trong 3 tháng giữa thai kỳ  

- Tuần thứ 14 – 21: làm Triple test  tầm soát nguy cơ hội chứng Down, trisomy 18 và khuyết tật ống thần kinh thai nhi. (Khi chưa làm xét nghiệm sàng lọc 3 tháng đầu)

- Tuần thứ  20 – 24: Khảo sát hình thái học qua siêu âm.

- Với những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao được tư vấn chọc hút dịch ối làm nhiễm sắc thể đồ.

Với những DTBS nặng nề như não úng thủy, bất sản thận hai bên, tim bẩm sinh nặng... tư vấn thai phụ và gia đình chấm dứt thai kỳ.

- Tuần lễ thứ 24 – 28 thai kỳ: Thực hiện test dung nạp đường (đối với những thai phụ béo phì, tăng cân nhanh, gia đình trực hệ đái tháo đường, tiền căn sinh con to)

Thai phụ vẫn có thể sinh hoạt, làm việc, ăn uống bình thường.

Lưu ý một số điểm:  tránh những công việc quá nặng nhọc như khuân vác, làm việc ngâm mình dưới nước ao tù, không chạy nhảy mạnh, không mang giày cao gót. Nên ăn những thức ăn hợp vệ sinh. Không ăn thịt, cá hoặc hải sản tươi sống mà cần qua nấu chín. Không tự ý dùng thuốc cho dù là thuốc bổ. Tránh dùng rượu bia, café, thuốc lá và các chất kích thích gây nghiện khác. Cần giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc.

Thai 4 tháng là giai  đoạn thai kỳ tương đối ổn định. Các phẫu thuật, thủ thuật có thể thực hiện được vào thời kỳ này. Vợ bạn có thể khám răng để điều trị.

Thân ái chào bạn, chúc gia đình bạn khỏe và hạnh phúc.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ