10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Chụp khung xương chậu trước sinh

Hỏi - 28/01/2010

Kính thưa bác sĩ, em cao 1.56m, cân nặng hiện tại khoảng 52 kgs. Em đi siêu âm cân nặng bé hôm nay lúc 38 tuần là 3.5 kgs. Bác sĩ khám thai yêu cầu chụp khung xương chậu trước sinh để xác định là sinh thường hay sinh mổ. Xin bác sĩ tư vấn dùm em là có cần thiết chụp khung chậu trước sinh hay không và việc chụp Xquang này có ảnh hưởng đến em bé trong bụng mẹ hay không? Cám ơn bác sĩ rất nhiều.

Trả lời

Chào em,

Chiều cao em trong giới hạn bình thường (nếu < 145cm là thấp), nếu BS khám nghi ngờ khung chậu giới hạn trên lâm sàng thì có thể cho chụp kích quang chậu vì cân nặng ước  tính thai nhi khá lớn. Với khung chậu giới hạn mà con to thì có chỉ định mổ lấy  thai, không chờ vào chuyển dạ. Tuy nhiên việc chụp này không bắt buộc. Khi vào chuyển dạ sinh, bác sĩ theo dõi cuộc sinh nếu thấy khó khăn có thể cho chỉ định mổ lúc này vẫn được. 

Với thai 38,5 tuần chưa vào chuyển dạ mà cân nặng 3500g thì đến 40 tuần có thể còn nặng hơn nữa. Nếu thai quá to (>4000g) cuộc sinh sẽ khó khăn, tai biến cho mẹ và con cũng nhiều hơn, do đó cũng có chỉ định mổ lấy thai dự phòng vì con to mà  không cần phải chụp kích quang chậu.

Tia X dùng trong y khoa để chẩn đóan (như chụp kích quang chậu) hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Biết rằng thai nhi có nguy cơ phát triển bệnh ung thư về sau khi nhiễm liều bức xạ  từ 2- 6 rads. Thai có nguy cơ dị tật bẩm sinh khi nhiễm liều bức xạ > 5 rads. Liều bức xạ với chụp khung chậu khỏang 1.1mGy.  Tuổi thai càng nhỏ thì dễ bị ảnh hưởng, với tuổi thai >38 tuần mức độ ảnh  hưởng cũng thấp hơn.

  (Đơn vị : 1 Gy = 100 rads  = 1000 mGys)

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ