tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào bạn,

Với thai 38,5 tuần chỉ số ối 8- 9 cm là bình thường. Chỉ số ối bình thường chưa đủ để nói thai nhi bình thường. Theo dõi tim thai liên tục bằng máy là một trong những phương tiện để đánh giá sức khỏe thai nhi. Nếu có dây rốn quấn cổ hoặc thai máy yếu thì việc theo dõi tim thai là cần thiết. Người mẹ theo dõi cử động thai tại nhà mỗi ngày hết sức quan trọng trong việc tự đánh giá sức khỏe thai nhi.

Chúc vợ bạn vượt cạn thành công.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Thủy đậu là do siêu vi trùng gây ra. Có nhiều type gây bệnh. Thai dưới 20 tuần ảnh hưởng rất ít trên thai nhi. Với thai < 13 tuần khả năng dị tật bẩm sinh là 2 – 4%. Trong khi nhiễm Rubella cấp ở thai < 13 tuần, nguy cơ dị tật bẩm sinh lên đến 90%. Với thai gần ngày sinh mà mẹ bị thủy đậu thì đáng sợ hơn vì khả năng lây bệnh sang con rất cao. Bé sơ sinh bị thủy đậu có thể dẫn đến viêm phổi hoặc những biến chứng nặng nề như viêm màng não. Em bị thủy đậu ở tuổi thai 9 tuần và bị lần 2 như vậy cũng không đáng lo lắng nhiều. Dù thế nào em vẫn phải khám thai định kỳ để các bác sĩ theo dõi và thực hiện những xét nghiệm cần thiết.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Nốt echo dày trong tim chưa phải là một dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên nguy cơ rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi là có. Với độ mờ gáy thai là 2.3mm chưa phải là nguy cơ cao. Tuy nhiên, do không có những xét nghiệm để sàng lọc hội chứng Down, trisomy 13, và trisomy 18 nên các bác sĩ tư vấn nên xét nghiệm dịch ối để chắc chắn hơn. Việc chọc ối có nguy cơ sẩy thai  1/200, nguy cơ chạm thương thai nhi và nhiễm trùng bào thai cũng có nhưng thấp hơn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
09tháng 05

Chào em,

Chỉ số ối 7 cm với thai 37 tuần thì cũng chưa thật sự nguy hiểm cho thai. Vấn đề chính là theo dõi thai máy. Tại bệnh viện có thể thực hiện Non- Stress Test để đánh giá sức khỏe thai nhi. Có thể theo dõi chỉ số ối qua siêu âm mỗi 3 ngày. Em có khả năng mổ lấy thai lại rất cao vì:

  • Thai ngôi mông mẹ có vết mổ cũ: nếu đến gần ngày sinh thai vẫn là ngôi mông thì phải mổ lấy thai lại.
  • Ối giảm + vết mổ cũ. Ối có nguy cơ giảm hơn nữa và như thế có nguy cơ chèn ép dây rốn nên cần phải mổ lấy thai.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn Thanh Loan,

Rất vui khi nhận được câu hỏi của bạn. 

Canxi rất cần thiết cho sự phát triển thai nhi, đặc biệt là hệ xương và răng. Nhiều nghiên cứu  đã chứng minh nếu từ giai đọan bào thai và tuổi thơ ấu thì sau này sẽ phát triển tối ưu về chiều cao, xương chắc, và có hàm răng chắc khỏe. Người mẹ được cung cấp đủ canxi sẽ không bị loãng xương và hư răng sau này.

Canxi có thể được cung cấp bằng nhiều đường khác nhau:

  • Thực phẩm: sữa, phomai, tôm, cua, cá, hàu, rau cải, rau chân vịt, chuối, mè đen, cần tây, ốc  đá, ốc bươu, ốc nhồi…
  • Thuốc: nhiều dạng khác nhau (viên nén, viên sủi bọt, huyền dịch, ống, tiêm…có hàm lượng canxi cao)

  Bạn có thể dùng canxi từ nguồn thực phẩm nếu dùng thuốc thấy khó chịu.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

01tháng 05

Chào em,

Ngôi thai là phần trình diện của thai nhi trước eo trên (khung chậu mẹ) để qua đó ngôi sẽ lọt và  tiến triển trong quá trình chuyển dạ sinh.

Thai trong tử cung ở những tuần lễ đầu (< 24 tuần) thường xoay trở trong buồng tử cung khá nhiều được gọi là ngôi di động. Thai càng lớn sự bình chỉnh ngôi thai tốt hơn.

Ngôi thai dọc: trục dọc thai nhi song song với trục dọc người mẹ, gồm ngôi đầu và ngôi mông. Ngôi đầu khi đầu thai nhi hướng về dưới âm hộ mẹ, mông thai nhi nằm hướng về  phía ngực mẹ. Ngôi đầu hay còn gọi là ngôi thuận, việc sinh nở thường dễ dàng thuận tiện. Trong quá trình chuyển dạ sinh, nếu đầu thai nhi sổ ra khỏi âm hộ mẹ thì phần thân và chi của thai sổ sau đó dễ dàng hơn. Ngôi mông thì ngược lại, mông thai nhi nằm hướng về âm hộ mẹ, đầu thai nằm ở đáy tử cung, hướng về phía ngực mẹ. Ngôi mông còn được gọi là ngôi ngược, việc sinh nở sẽ khó khăn hơn, vì phần chân và mông thai nhi ra khỏi âm hộ  dễ dàng nhưng phần đầu thai nếu bị ngửa làm cho việc lọt vào tiểu khung mẹ khó  khăn , hoặc đầu thai nhi to sẽ bị kẹt lại và dễ gây tai biến kẹt đầu hậu, khi đó nguy cơ cho thai nhi sẽ cao hơn.
Ngôi thai ngang: trục thai nhi nằm ngang so với trục của  người mẹ. Ngôi ngang không thể sinh ngã âm đạo được mà chỉ mổ lấy thai mà thôi.

Ngôi thai có thể thay đổi trong quá trình mang thai. Vào chuyển dạ, đánh giá ngôi thai trước sinh để tiên lượng cuộc chuyển dạ là rất cần thiết.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


Chào em,

Trước hết xin chia buồn cùng em sau 2 lần sẩy thai qua. Để lần mang thai sau có được kết quả tốt hơn, 2 vợ chồng em nên đến bệnh viện Từ Dũ khám và được làm các xét nghiệm cần thiết để tìm hiểu thêm về nguyên nhân.

Các nguyên nhân có thể dẫn đến sẩy thai gồm:

  • Khoảng 50 – 70% thai sẩy tự nhiên trước tuần lễ thứ 12 là do rối loạn nhiễm sắc thể.
  • Ngoài ra, những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi. Ví dụ: trứng đã thụ tinh không bám chặt vào niêm mạc tử cung, hoặc phôi có bất thường cấu trúc…
  • Có khỏang 20 – 25% trường hợp sẩy thai tự phát < 20 tuần không rõ nguyên nhân.

Các đối tượng có nguy cơ sẩy thai cao: 

Mặc dù tất cả thai phụ đều có thể sẩy thai. Nhưng một số người dễ bị sẩy thai hơn một số khác. Sau đây là một số yếu tố nguy cơ thường gặp nhất:
  • Tuổi mẹ: Mẹ càng lớn tuổi càng có nhiều nguy cơ sanh con rối loạn nhiễm sắc thể, hậu quả là sẩy thai. Mẹ 40 tuổi có nguy cơ sẩy thai cao gấp 2 lần so với mẹ 20 tuổi.
  •  Tiền sử sẩy thai:Người có tiền căn sẩy thai 2 lần liên tiếp dễ bị sẩy thai lập lại.
  • Bệnh mãn tính: Tiểu đường không kiểm soát được, bệnh tự miễn (lupus, hội chứng antiphospholipid.)..
  •   Vấn đề tử cung và cổ tử cung: tử cung 2 sừng, hở eo  tử cung…
  •  Tiền sử sanh con dị tật bẩm sinh.
  •  Bệnh nhiễm trùng: Thai phụ nhiễm rubella, sởi, quai bị, cytomegalovirus, parovirus, lậu, HIV…
  •  Hút thuốc, uống rượu và dùng chất gây nghiện: các chất này có nguy cơ cao gây sẩy thai.
  • Thuốc điều trị bệnh: một số loại thuốc có thể gây sẩy thai, do đó khi mnag thai các thai phụ không tự ý dùng thuốc mà cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu bác sĩ khám và phát hiện được những nguy cơ có thể dự phòng được sẽ tư vấn thêm cho em.

Mong rằng lần mang thai sau của em được tốt đẹp.

TS.BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Phụ nữ mang thai do yếu tố nội tiết thai kỳ, sự thay đổi môi trường âm đạo và sức đề kháng giảm nên dễ bị viêm âm đạo. Viêm âm đạo có thể gây viêm màng ối làm vỡ ối non, vỡ ối sớm, sanh non, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai và nặng nề hơn nữa là gây nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng huyết. Do vậy việc điều trị viêm âm đạo ở những tháng cuối thai kỳ là cần thiết. Viêm âm đạo do nhiều tác nhân gây ra như nấm, tạp trùng, trùng roi, lậu cầu…Xét nghiệm khí hư và điều trị theo tác nhân để đạt hiệu quả. Huyết trắng em nhiều, không ngứa và có mùi hôi khó chịu thường là do một loại vi trùng sinh mùi hôi gây ra. Nếu chỉ dùng thuốc rửa vệ sinh đơn thuần thì khó khỏi. Em nên đến bệnh viện khám và điều trị. Thuốc Lactacyd là dung dịch rửa vệ sinh phụ nữ em có thể dùng để rửa được. Trà xanh thường không được dùng để rửa phụ khoa.

Mẹ nhiễm virus viêm gan B tùy theo có nhiễm HBeAg hay không mà mức độ lây nhiễm cho thai cao hay thấp. Nếu chỉ có HBsAg dương tính và HBeAg âm tính thì khả năng lây nhiễm cho thai là 10 – 15%. Nếu cả HBsAg và HBeAg cùng dương tính thì khả năng lây nhiễm cho thai là 90%. Thời điểm lây nhiễm từ mẹ sang thai nhi cao nhất là lúc chuyển dạ sinh hay mổ lấy thai 90%, thời điểm mang thai và cho con bú khả năng lây nhiễm rất thấp. Để giảm lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con, ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh bé được tiêm ngừa ngay loại miễn dịch Immunoglobulin bên cạnh việc tiêm phòng vaccine viêm gan B (một mũi đùi phải và một mũi đùi trái bé). Nếu mẹ có HBsAg và HBeAg cùng dương tính thì liều immunoglobulin gấp đôi so với mẹ chỉ có HBsAg dương tính và HBeAg âm tính. Mẹ sau sinh có thể cho con bú được.

Sinh dịch vụ gia đình là box sinh dành cho 1 sản phụ, khi chuyển dạ vào giai đọan hoạt động sản phụ được đưa vào box sinh gia đình. Lúc này 1 người trong gia đình (chồng, mẹ hoặc chị…) có thể vào cùng và động viên tinh thần sản phụ. Đăng ký sinh gia đình rất đơn giản. Khi vào chuyển dạ mới đăng ký, không cần đăng ký trước. Chi phí cộng thêm là 500.000 đ (bên cạnh các chi phí khác)

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Thai 37 tuần trở đi người mẹ thường có dấu hiệu phù chân, phù chân này hầu hết do tử cung lớn chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới và hệ tĩnh mạch vùng chậu gây ứ trệ tuần hoàn, thường sau khi nằm nghỉ gác chân lên cao là khỏi. Điều quan trọng là huyết áp không cao và không có đạm trong nước tiểu. Nếu có cao huyết áp và đạm niệu là triệu chứng của tiền sản giật. Tùy vào mức độ cao huyết áp sẽ có hướng xử trí thích hợp. Nếu huyết áp của em không cao, em chỉ cần ăn uống đầy đủ chất, nên bớt ăn mặn, uống nhiều nước, ăn nhiều rau và trái cây tươi, nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều sữa bịch cũng tốt. Thai đủ ngày là 40 tuần (tính đến ngày dự sinh). Tuy nhiên thai > 38 tuần là đã trưởng thành và có thể nuôi sống dễ dàng bên ngòai tử cung mẹ. Từ 37 tuần trở lên mỗi 4 tuần cân nặng thai nhi tăng khỏang 700gr.

Sau sinh mổ 6 tháng, sẹo mổ trên tử cung còn mới mà mang thai lại > 2 tháng thì cũng đáng lo. Lo là lo nứt sẹo mổ trên tử cung khi thai lớn lên. Tuy nhiên, hầu hết mổ lấy thai hiện nay là mổ ngang đoạn dưới tử cung, sẹo nằm thấp ở đọan eo tử cung nên tình trạng nứt tử cung không nhiều. Có khá nhiều thai phụ đã mang thai sớm sau mổ và đến tuần lễ 37 – 38 tuần được mổ lấy thai lại cũng an toàn. Điều cần thiết nếu để thai là phải theo dõi khám thai thật kỹ và theo dõi dấu hiệu đau sẹo mổ cũ. Và khi dưỡng thai thì nên chú ý đến việc chăm sóc bé trước, nên có người phụ chăm sóc nuôi bé để mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Nếu hút thai thì cũng sợ. Sợ vì tử cung hậu sản 6 tháng còn mềm, thêm sẹo mổ cũ nữa, thủ thuật hút thai như thế dễ gây tai biến như thủng tử cung, thủng những tạng bên trong ổ bụng…

Chi phí hút thai dịch vụ (kể cả siêu âm và khám) khoảng  700.000đ – 800.000 đ.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Theo kinh cuối thì thai của em hiện tại khỏang 7- 8 tuần. Thời điểm này em nên đến bệnh viện Từ Dũ hoặc phòng khám Sản kiểm tra lại. Thông thường phải có tim thai qua siêu âm đầu dò âm đạo. Tình trạng động thai (dọa sẩy thai) có thể quan sát được qua siêu âm với dấu hiệu bóc tách túi thai. Nếu kết quả siêu âm và khám sắp tới cho biết có tim thai thì hầu hết trường hợp sẽ giữ thai được (dùng thuốc dưỡng thai và nghỉ ngơi). Nếu vẫn chưa thấy tim thai thì có thể là thai đã lưu và khó giữ. Mong rằng thai em tiến triển tốt.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Trước hết xin chia buồn cùng em sau 2 lần sẩy thai. Sẩy thai liên tiếp ở tuổi thai nhỏ < 8 tuần lễ và chưa có tim thai phần lớn do bất thường về nhiễm sắc thể thai nhi. Nguyên nhân có thể do tuổi mẹ hoặc tuổi cha cao, do cha mẹ có bất thường gì về nhiễm sắc thể, do mẹ nhiễm siêu vi giai đọan sớm thai kỳ…Trước khi có thai lần sau, hai vợ chồng em nên khám và làm thêm các xét nghiệm cần thiết. Mong kết quả sẽ tốt đẹp lần mang thai sau. Thân ái.

TS.BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào bạn,

Bạn có thể tham khảo bài viết Cao huyết áp do thai, Hội chứng tiền sản giật-sản giật theo link sau: /vn/thong-tin-y-hoc/y-hoc-cho-moi-nguoi/mang-thai-va-lam-me/cao-huyet-ap-do-thai-hoi-chung-tien-san-giat-san-giat/

Chúc chị khỏe.
TM. Ban Quản trị website
L. Đ. M.C

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ