banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

27/03/2014

Thuốc kháng Histamin đường uống nào là an toàn để sử dụng cho phụ nữ cho con bú?

Ds. Nguyễn Tấn Xuân Trang (Dịch)
Khoa Dược – BV Từ Dũ

Thuốc kháng Histamin đường uống là nhóm thuốc ức chế tác dụng của Histamin ở thụ thể H1, được phân thành 2 nhóm: nhóm thế hệ 1 (gây buồn ngủ) và thế hệ 2 (không gây buồn ngủ) (1). Thuốc được chỉ định trong điều trị dị ứng mũi, đặc biệt viêm mũi dị ứng theo mùa (sốt cỏ khô) và viêm mũi vận mạch. Chúng cũng được dùng trong phòng ngừa nổi mề đay, điều trị phát ban mề đay, ngứa, côn trùng đốt và các trường hợp dị ứng thuốc (2).

Nhóm kháng Histamin thế hệ 1 thường gây buồn ngủ và tác dụng này đôi khi được dùng để điều trị ngứa liên quan một số dị ứng. Có rất ít bằng chứng cho thấy rằng hoạt chất nào trong nhóm kháng Histamin thế hệ cũ có tác dụng ưu việt hơn và sự đáp ứng thuốc ở bệnh nhân cũng rất khác nhau (2).

Nhóm kháng Histamin thế hệ 2 ít gây buồn ngủ và ức chế thần kinh vận động hơn so với thế hệ đầu có thể là do thuốc chỉ qua hàng rào máu não với một lượng nhỏ (1).

Bảng 1: Các thuốc kháng Histamin được sử dụng ở Anh (2)

Thuốc kháng Histamin không gây buồn ngủ

Thuốc kháng Histamin gây buồn ngủ

Cetirizin, Loratadin, levoCetirizin, desLoratadin, acrivastin, bilastin, fexofenadin, mizolastin, rupatadin

Alimemazin, chlorphenamin, clemastin, cyproheptadin, hydroxyzin, ketotifen, promethazin

 

Theo thông tin của các nhà sản xuất, thuốc kháng Histamin thường không nên sử dụng khi cho con bú vì thiếu dữ liệu và khả năng thuốc qua sữa mẹ. Cetirizin (Zirtek ®) là một ví dụ (3).

I. Các thuốc kháng Histamin không gây buồn ngủ

1. Cetirizin

Các nhà sản xuất khuyến cáo thận trọng khi dùng cho phụ nữ cho con bú vì thuốc có qua sữa mẹ (3).

Theo một nghiên cứu chưa được công bố, 6 phụ nữ sau sinh dùng bromocriptine để giảm tiết sữa và sau đó sử dụng liều duy nhất Cetirizin 20mg (gấp đôi liều thông thường khuyến cáo hàng ngày). Nồng độ trung bình trong sữa sau 2 giờ là 8 nanogram/ ​​ml. Điều này cho thấy thuốc có vào sữa với lượng thấp (4).

Một phụ nữ đang cho con bú được điều trị bệnh Pemphigus với Prednisolone uống và corticosteroid tại chỗ và dùng Cetirizin 10mg mỗi ngày. Cô tiếp tục cho con bú trong quá trình điều trị và em bé vẫn phát triển bình thường lúc 8 tuần tuổi và đến sau này ( 5).

Hiệp hội dị ứng và miễn dịch lâm sàng của Anh khuyến cáo Cetirizin dùng ở liều thấp nhất là một trong những lựa chọn thích hợp nếu phải cần dùng một kháng Histamin trong thời gian cho con bú (6).

2. LevoCetirizin

LevoCetirizine là một đồng phân quang học của Cetirizin. Không có dữ liệu về việc sử dụng thuốc trong khi cho con bú.

3. Loratadin

Sau khi uống liều duy nhất Loratadin 40mg (gấp bốn lần so với liều thông thường khuyến cáo hàng ngày) ở 6 phụ nữ, nồng độ đỉnh trung bình của thuốc trong sữa sau 2 giờ là 29,2 (khoảng 20,4 – 39) µg/ L. Ngoài ra, nồng độ đỉnh trung bình của desLoratadin sau 5,3 giờ là 16 (khoảng 9 – 29,6) µg/ L. Tổng lượng chất được tiết qua sữa trong 48 giờ là 11,7µg bao gồm cả Loratadin và chất chuyển hóa của nó – desLoratadin. Lượng Loratadin và desLoratadin dự kiến ​​trung bình và tối đa có trong sữa là 0,46 và 1,1% sau khi dùng liều 40mg và cũng tương ứng với các liều dùng theo cân nặng. Các tác giả suy luận rằng sau khi uống liều tiêu chuẩn hàng ngày Loratadin 10mg thì có khoảng 3µg Loratadin và chất chuyển hóa của nó – desLoratadin sẽ được tiết vào sữa mẹ (7). Các bà mẹ trong nghiên cứu này không cho con bú.

Hiệp hội dị ứng và miễn dịch lâm sàng của Anh khuyến cáo Loratadin dùng ở liều thấp nhất là một trong những lựa chọn thích hợp nếu phải cần dùng một kháng Histamin trong thời gian cho con bú (6).

4. DesLoratadin

Mặc dù desLoratadin chưa được nghiên cứu cụ thể trên phụ nữ cho con bú nhưng nó là chất chuyển hóa có hoạt tính của Loratadin và các dữ liệu cho thấy chỉ một lượng nhỏ Loratadin và desLoratadin được tiết qua sữa mẹ (7). Tuy cho rằng không có vấn đề với việc sử dụng desLoratadin trong khi cho con bú nhưng không có dữ liệu hỗ trợ cho việc sử dụng này.

5. Fexofenadin

Fexofenadin là chất chuyển hóa có hoạt tính của Terfenadin. Lượng thuốc qua sữa sau khi uống Fexofenadin vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, sau khi uống 60mg Terfenadin mỗi 12 giờ, nồng độ đỉnh ổn định trung bình của Fexofenadin trong sữa là 41µg/ L (khoảng 23 – 60µg/ L). Dựa trên các dữ liệu thuốc vào sữa mẹ trong nghiên cứu này và các nồng độ huyết thanh đặc trưng sau khi uống Fexofenadin, các tác giả cho rằng một trẻ sơ sinh bú mẹ sẽ nhận được ít hơn 0,45% liều dùng Fexofenadin theo cân nặng của mẹ và sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào ở trẻ sơ sinh (8).

Chưa có nghiên cứu về Acrivastin, Bilastin, LevoCetirizin, Mizolastin hay Rupatadin trên phụ nữ cho con bú.

II. Các thuốc kháng Histamin gây buồn ngủ

1. Clemastin

Báo cáo một ca về một đứa trẻ 10 tuần tuổi, bú mẹ hoàn toàn đã có các triệu chứng buồn ngủ, khó chịu, bỏ ăn và quấy khóc trong 2 ngày. Người mẹ đã dùng Phenytoin, Carbamazepin và Clemastin 1mg hai lần/ ngày trong 3 ngày thì bé có các triệu chứng trên. Trẻ buồn ngủ và cáu gắt sau khi uống Clemastin 12 giờ. Khi không dùng liều Clemastin buổi tối, trẻ bình thường và bú tốt. Nồng độ Clemastin trong huyết tương mẹ sau 20 giờ uống thuốc là 20µg/ L, trong sữa mẹ là 5 – 10µg/ L nhưng không thấy trong huyết tương trẻ. Nồng độ Phenytoin và Carbamazepine không khác trong sữa mẹ (9).

2. Chlorphenamin

Chưa có nghiên cứu báo cáo lượng Chlorphenamine qua sữa sau khi mẹ uống thuốc. Chlorphenamin được chấp thuận sử dụng cho trẻ trên 1 tuổi. Ngoài ra, theo BNF, trẻ trên 1 tháng tuổi có thể dùng thuốc với liều 1mg hai lần/ ngày (chưa được phê duyệt) (10 ).

Trong một nghiên cứu trên 5 bà mẹ cho con bú có dùng Chlorphenamin (liều không được báo cáo) tiếp tục theo dõi trẻ qua điện thoại thì không thấy có tác dụng phụ nào trên trẻ được báo cáo (11).

3. Cyproheptadin

Chưa có nghiên cứu về sự an toàn của Cyproheptadine sử dụng trong khi cho con bú. Một nghiên cứu trên 15 phụ nữ sử dụng lâu dài Cyproheptadin 16 – 24mg mỗi ngày để điều trị hội chứng tiết sữa – vô kinh. Việc điều trị đã giúp giảm đáng kể Prolactin huyết thanh sau 8 và 16 tuần. Bảy phụ nữ đã giảm tiết sữa và 2 người đã ngưng tiết sữa (12). Vì vậy, trừ khi được sử dụng để làm giảm nồng độ Prolactin trong huyết thanh mẹ, cyproheptadin nên tránh dùng trong khi cho con bú vì nó có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa mẹ.

4. Ketotifen

Trong một báo cáo ca chưa được công bố, một người mẹ đang cho con bú đã dùng ketotifen 1mg mỗi ngày. Đứa trẻ bị ngủ gà gật 4 – 7 ngày sau khi người mẹ bắt đầu dùng thuốc. Phân tích trong sữa mẹ có 5,4 nanogram/ ​​ml ketotifen (13) .

Chưa có nghiên cứu về Alimemazin, Hydroxyzin và Promethazin trên phụ nữ cho con bú.

5. Tóm lại:

• Còn hạn chế các nghiên cứu hay báo cáo ca cho việc sử dụng thuốc kháng Histamin trong khi cho con bú.

• Các nghiên cứu về nhóm kháng Histamin không gây buồn ngủ, Loratadin và Cetirizin, cho thấy có một lượng nhỏ thuốc vào sữa mẹ nhưng có thể sử dụng thuốc trong khi cho con bú.

• Dữ liệu tuy còn hạn chế nhưng cho thấy Fexofenadin có tiết vào sữa mẹ với lượng thấp và có thể sử dụng khi cho con bú nếu Loratadin và Cetirizin không hiệu quả hay bị chống chỉ định.

• Việc sử dụng các thuốc kháng Histamin gây buồn ngủ có thể gây tác dụng phụ trên trẻ bú mẹ như buồn ngủ và khó chịu.

• Nếu phải điều trị bằng một thuốc kháng Histamin gây buồn ngủ thì có thể sử dụng Chlorphenamin nhưng phải có sự theo dõi trẻ về các triệu chứng buồn ngủ và khó chịu. Thuốc chỉ sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất.

• Dữ liệu về việc sử dụng các thuốc kháng Histamin đường uống còn thiếu và chưa thể xác nhận là an toàn.

• Trong trường hợp sử dụng kháng Histamin, không nên dùng đồng thời với các thuốc an thần khác.

• Thuốc kháng Histamin có thể gây ra giảm prolactin huyết thanh nhưng có thể không ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa khi mẹ có cho con bú.

• Không có dữ liệu về việc sử dụng thuốc kháng Histamin trên phụ nữ sinh con thiếu tháng và đang cho con bú.

Một số hạn chế:

• Bằng chứng về sự qua sữa mẹ của các thuốc kháng Histamin và độ an toàn trên trẻ sơ sinh bú mẹ còn giới hạn với các nghiên cứu nhỏ, số lượng mẫu các bà mẹ và trẻ sơ sinh ít. Bằng chứng cho an toàn lâu dài là thiếu.

• Không có dữ liệu cho hầu hết các thuốc kháng Histamin.

• Các thông tin trên chỉ đối với trẻ sơ sinh đủ tháng và khỏe mạnh. Bằng chứng trên trẻ sinh non còn thiếu. Nếu trẻ sinh non, nhẹ cân hay có bệnh lý khác hay vấn đề y tế khác, cần được các chuyên gia tư vấn.

• Không bao gồm Cyclizin và Cinnarizin – các thuốc được sử dụng cho buồn nôn, nôn và rối loạn mê đạo.

 

Tài liệu tham khảo:

  1.  McEvoy GK (ed). AHFS Drug Information, 2010. American Society of Health-System Pharmacists. Available from www.medicinescomplete.com [accessed on-line 14/11/2013]
  2. Joint Formulary Committee. British National Formulary (online) London: BMJ Group and Pharmaceutical Press [Accessed on 14/11/2013]
  3. Summary of Product Characteristics  - Zirtek Allergy 10mg tablets. UCB  Available from http://emc.medicines.org.uk. Accessed  on 14/11/2013 (date of revision of text 01/07/2010)
  4. Personal communication with Medical Information, UCB Pharma Limited, 10/11/2005
  5. US National Library of Medicine Drugs and Lactation Database (Lactmed). Cetirizine monograph – last revision date 4/03/2012 (http://toxnet.nlm.nih.gov/cgi-bin/sis/htmlgen?LACT) ( accessed 14/11/2013)
  6. RJ Powell; GL Du Toit; N Siddique et al. BSACI guidelines for the management of chronic urticaria and angio-oedema. Clin Exp Allergy 2007;37:631-650
  7. Hilbert J, Radwanski E, Affine MB et al. Excretion of Loratadine in human breast milk. J Clin Pharmacol 1988;28:234-239
  8. Lucas BD Jr, Purdy CY, Scarim SK et al. Terfenadine pharmacokinetics in breast milk in lactating women. Clin Pharmacol Ther 1995;57:398-402
  9. Kok TH, Taitz LS, Bennett MJ et al. Drowsiness due to clemastine transmitted in breast milk. Lancet. 1982;1:914-5. Letter 
  10. Paediatric Formulary Committee. BNF for Children (online) London: BMJ Group, Pharmaceutical Press, and RCPCH Publications [Accessed on 14/11/2013] 
  11. Ito S, Blajchman A, Stephenson M et al. Prospective follow-up of adverse reactions in breast-fed infants exposed to maternal medication. Am J Obstet Gynecol 1993;168:1393-9 
  12. Wortsman J, Soler NG, Hirschowitz J. Cyproheptadine in the management of the galactorrhea-amenorrhea syndrome. Ann Intern Med 1979; 90:923-5 
  13. Personal communication with Medical Information. Novartis, 12/04/2002