10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Tu van nhung dieu can lam truoc khi mang thai lai sau khi thai luu 7-8 tuan

Hỏi - 16/05/2010

 

Chào Bác Sĩ

Vợ có thai lần đầu và đã bị thai lưu 7-8 tuần cách đây 8 tháng rồi. Hiện nay Vợ chồng em muốn có thai lại và đã đi khám phụ khoa (kết quả bình thường) và làm các xét nghiệm máu của 2 vợ chồng. Kết quả như sau:

Vợ:

Tên xét nghiệm                         Kết quả                       CSBT                              Đơn vị

Sinh hóa

         Glycemia                             7.5                           (3.9-6.1)                           mmol/l

Miễn dịch

         HBsAg (Elisa)                    Âm tính 0.26           (S/CO<1)

         HIV (Elisa)                          Âm tính 0.10            (S/CO<1)

          BW (RPR)                          Âm tính                       Âm tính

          CMV IgG                            Dương tính  750        (<15)                            AU/ml

          Rubella - IgG                    Dương tính 46.35      (<10)                           IU/ml

Chồng:

Tên Xét nghiệm                          Kết quả                         CSBT                       Đơn vị

Miễn dịch

HBsAg (Elisa)                             Âm tính 0.28                (S/CO<1)

HIV (Elisa)                                   Âm tính 0.16                 (S/CO<1)

BW (RPR)                                    Âm tính                           Âm tính

CMV IgG                                       Dương tính   175         (<15)                         AU/ml

Rubella-IgG                                 Dương tính  147           (<10)                         IU/ml

Với các kết quả xét nghiệm dương tính như trên Bác sĩ cho uống vitamin C, 3 tháng sau tái khám. Xin hỏi Bác sĩ :

- Bệnh này có điều trị hết không, Sau khi điều trị hết bệnh thì có thể chích ngừa để mang thai được không. Bệnh này là nguyên nhân làm thai bị lưu khi mang thai phải không?

- Bệnh này có triệu chứng như thế nào có ảnh hưởng đến sức khỏe không hay chỉ ảnh hưởng khi mang thai thôi.

- Em nghe nói uống Vitamin C chỉ uống vào ban ngày còn uống vào buổi tối sẽ bị sạn thận có đúng không?

Xin Cảm ơn Bác Sĩ.

Trả lời

Chào bạn,

Với kết quả xét nghiệm của vợ bạn, điều đáng quan tâm là glycemia cao: 7.5mmol/l. Nên xét nghiệm lại 1 lần nữa sau khi nhịn ăn nhịn uống tối thiểu 8 giờ, thuận tiện nhất là xét nghiệm vào buổi sáng sớm và không ăn uống gì cả. Nếu kết quả xét nghiệm của vợ bạn lần 2 sau khi nhịn ăn nhịn uống vẫn cao có thể nghi ngờ bị tiểu đường, lúc này thì cần thiết phải khám chuyên khoa nội tiết để được hướng dẫn thêm.

           CMV  IgG                             Dương tính   750        (<15)                             AU/ml
           Rubella -  IgG                       Dương tính  46.35       (<10)                           IU/ml
Hai kết quả IgG của CMV và Rubella dương tính chứng tỏ là vợ bạn đã từng nhiễm hai loại siêu vi này trong quá khứ. Hầu như không ảnh hưởng trong lần mang thai sau này.

     
  1. Rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức hoặc bệnh sởi 3 ngày, diễn tiến bệnh 3 ngày là tự hết, 50 – 70% người bị nhiễm có triệu chứng, thường người bệnh thấy mệt mỏi, đau nhức cơ, nổi hạch sau tai, phát ban toàn cơ thể. Với người không mang thai thì không có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng với người mang thai bị nhiễm Rubella cấp đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi có thể bị hội chứng rubella bẩm sinh đến 90%, biểu hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau:
    • Dị dạng tim (50-80%):  còn ống động mạch, teo động mạch phổi, bất toàn các vách tim
    • Tổn thương mắt (50%): đục thủy tinh thể
    • Điếc (60%)
    • Bất túc hệ thần kinh trung ương như tật đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần, viêm não-màng não.
    • Gan to, lách to, vàng  da
          
     
  2. Nhiễm Rubella thường chỉ 1 lần trong đời và có miễn dịch tự nhiên suốt  đời, không cần thiết phải tiêm ngừa và những lần mang thai sau này hoàn toàn không sợ loại virus gây bệnh Rubella ảnh hưởng đến thai nhi. Cũng không cần phải điều trị gì thêm cả.
  3.  
  4. Nhiễm CMV có thể bị từng đợt sau nhiễm lần đầu tiên (nhiễm nguyên phát), CMV tồn tại trong cơ thể sau lần nhiễm đầu và thỉnh thoảng gây tái phát (nhiễm tái phát). Người nhiễm CMV cấp thường không có triệu chứng rõ rệt, khoảng 15% có dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng, nổi hạch, đau khớp và cũng tự hết.
  5.  
  6. Tuy nhiên khi mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu, nhiễm CMV nguyên phát có thể gây ảnh hưởng trên thai nhi với tỉ lệ khoảng 10% (nhiễm siêu vi CMV bào thai bẩm sinh) và trẻ sơ sinh (trẻ bị nhiễm khi sinh do qua đường sinh dục mẹ). 100 bà mẹ mang thai nhiễm CMV nguyên phát thì có 10 bé sinh ra bị  nhiễm CMV bẩm sinh: gan to, lách to, vàng da, nổi mẩn, có khoảng 8- 9% chậm phát triển tâm thần, mù hoặc điếc bẩm sinh. Trong đó khoảng 1% gây thai lưu.
  7.  
  8. Với nhiễm tái phát: khoảng 0,15% - 0,2% nguy cơ gây nhiễm siêu vi bào thai nhưng triệu chứng ít trầm trọng hơn so với nhiễm nguyên phát.

Việc dùng vitamin C vào ban đêm chưa có bằng chứng cụ thể liên quan đến sỏi niệu, nhưng dùng ban đêm sẽ làm bạn khó ngủ. Tuy nhiên có 1 vài nghiên cứu cho rằng nếu dùng vitamin C liều cao >1000mg/ngày kéo dài ngày (> 2 tuần) gây ra sỏi niệu. Sản phẩm chuyển hóa trung gian của vitamin C là acid oxalic nên việc dùng liên tục liều cao có thể gây nên sỏi thận (sỏi oxalat canxi).

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ