10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Tư vấn tiền sinh

Hỏi - 23/05/2015

Tôi năm nay 37 tuổi, đã sinh được 1 bé năm 2012, em bé bình thường. Nay tôi có thai được hơn 12 tuần, lúc 8 tuần tôi đi siêu âm đã có tim thai, và có 1 túi dịch trước màng đệm, bác sĩ nói tôi bị động thai và cho tôi uống 2 loại thuốc gồm Pymenospain 40 mg, Vacxin 100 mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên. Uống thuốc đuợc 2 tuần tôi đi siêu âm kiểm tra lại nhưng túi dịch vẫn còn, bác sĩ tiếp tục cho tôi dùng 2 loại thuốc trên nhưng ngày 3 lần, dùng trong 2 tuần. Uống hết thuốc tôi đi siêu âm lúc này thai đươc 12 tuần, kết qua vùng da đầu cổ gáy bị phù nề tạo tổn thương dạng nang, bác sĩ khuyên tôi nhập viện để bỏ thai nhi.

Sau đó tôi đến khám ở bệnh viện hùng vương kết quả siêu âm hình thái học cấu trúc thai nhi: vòm sọ có, tròn đều, chưa vôi hóa. Cột sống liên tục, hội tụ tại xương cùng cụt, không gập̣ góc. Tứ chi 3 đoạn, hình dạng bình thường. Khác lymphagioma vùng đầu cổ gáy thai nhi. Bác sĩ tư vấn cho tôi là làm sinh thiết gai nhau. Tôi tiếp tục đến khám ở bệnh viện Từ Dũ, kết quả hygromacystic vùng cổ thai nhi có khối echo kém trong có nhiều vách ngăn Dk 16 x 26mm, phù da toàn thân 3.8mm, cdđm 56 mm, tim thai + 171l/phút. Bác sĩ cũng tư vấn cho tôi làm sinh thiết gai nhau. Bác sĩ cho tôi hẹn ngày 29/5 đến khám lại để làm sinh thiết gai nhau.

Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi như sau: Nếu làm sinh thiết gai nhau kết quả không bị rối loạn nhiễm sắc thể, sau này con tôi có bị dị tật gì không? Do tôi đã bị động thai giờ làm sinh thiết gai nhau khả năng bị động thai nữa có cao không? Kết quả siêu âm 3 chỗ có phải cùng 1 bệnh không? Mong được bác sĩ tư vấn sớm.

Trả lời

Chào bạn,

Các kết quả siêu âm của bạn đều logic với nhau, phù nề vùng gáy dạng nang, còn gọi là hygroma cystic, hay nang thanh dịch vùng cổ là một dấu chỉ báo nguy cơ bất thường thai (bất thường có thể là rối loạn nhiễm sắc thể, là bất thường cấu trúc các hệ cơ quan không do rỗi loạn nhiễm sắc thể, là nguy cơ thai lưu, chậm phát triển...). Bạn được chỉ định sinh thiết gai nhau là để chẩn đoán nhóm nguyên nhân rối loạn nhiễm sắc thể (chỉ là tìm nguyên nhân, không phải là thủ thuật can thiệp điều trị). Vì thai của bạn đã có dấu hiệu phù nên tiên lượng thai lưu cao (90% các trường hợp phù thai ở tuổi thai sớm như thế này sẽ diễn tiến tới thai lưu), nên lựa chọn chấm dứt thai kỳ sẽ được các bác sĩ đồng ý. Quyết định lấy thai ra hay theo dõi tiếp là quyền của bạn.

Bạn đã được tư vấn tiền sản tại bệnh viện Từ Dũ, bạn có thể trao đổi trực tiếp về quyết định lựa chọn của mình.

Thân mến,

BS. CKII Trần Thị Nhật Thiên Trang
Khoa Chăm sóc trước sinh - BV Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ