tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Em thân mến,

Sau khi ngừng thuốc tránh thai Mercilon, em hãy đợi sau hai hoặc ba kỳ kinh tiếp theo, là những chu kì kinh của nhịp sinh học tự nhiên cơ thể trở lại như bình thường, sau đó sẽ là thời điểm thích hợp để em quyết định sinh con. Khi đó, không còn tác dụng ngăn ngừa sự rụng trứng của thuốc đồng thời sự thay đổi trong niêm mạc tử cung do dùng thuốc tránh thai dạng viên cũng không còn.

Trong quá trình uống thuốc ngừa thai là thời điểm tốt nhất để em chích ngừa trước khi sinh. Hiện tại, chưa  có thuốc phối hợp cả 3 bệnh lý em kể trên nên em phải chích từng loại thuốc  theo lịch hẹn tiêm chủng. Em có thể đến viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để tham khảo thêm. 

Ví dụ như tiêm viêm gan siêu vi B ít nhất 3 mũi cách nhau 1 tháng và trước khi chủng ngừa cần xét nghiệm máu xem mình đã bị nhiễm chưa. Xét nghiệm tối thiểu trước khi chủng ngừa là HbsAg  (cho biết có đang nhiễm hay không) và antiHBs (cho biết cơ thể đã được bảo vệ hay chưa). 

Hoặc tiêm phòng cúm nên chích mỗi năm hoặc trong khi mang thai nên tiêm phòng Cúm (Flu vaccine) nếu 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ trùng hợp với mùa Cúm (mùa cúm là từ tháng 10 cho đến hết tháng 2 của năm kế ). 

Đặc biệt, hiện nay là chích phòng ngừa Rubella vì khi bị nhiễm rubella trong thai kỳ sẽ có nguy cơ hư thai, thai bị dị tật bẩm sinh tim, bị khiếm thính... cho nên nếu bị đợt nhiễm rubella cấp khi đang mang thai, nhất là có thai trong tam cá nguyệt đầu thì khuyến cáo phải bỏ thai. Nếu chưa nhiễm bệnh có thể chích ngừa nhưng không được có thai ít nhất một tháng sau khi chích (trước đây qui định ba tháng).

Tốt nhất, hãy đảm  bảo rằng em hoàn tất việc tiêm vaccin đủ liều phòng ngừa ít nhất trước khi mang thai 1 tháng. Vấn đề chính tiếp theo là em phải đi khám sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa trước khi có ý định có thai.

BS. CKII. Dương Phương Mai
Khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn, 

Trễ kinh 1 ngày mà em đã xác định được có thai là rất tốt. Có thai kèm theo đau trằn bụng dưới có thể do: sung huyết vùng chậu, thai lạc chỗ (thai ngoài tử cung), động thai. Em nên đi khám để xác định tình trạng thai.

Việc dùng thuốc rửa phụ khoa ladysoft không ảnh hưởng trên thai kỳ.    

Đu đủ xanh từ lâu đã được cho là yếu tố gây sẩy thai. Trên nghiên cứu động vật (chuột) cho thấy đu đủ xanh có thể gây sẩy thai, còn trên người thì chưa có chứng minh. Tuy nhiên, khi mang thai nếu những thức ăn nào mà không cảm giác an toàn thì cũng nên tránh. Ngạn ngữ ta có câu “có kiêng có lành”. Riêng đu đủ chín thì không ảnh hưởng gì. Rau ngót cũng tương tự.

Riêng mực thì cũng không có bằng chứng cụ thể.

Cũng nên lưu ý rằng cần 1 lượng thức ăn đủ nhiều mới có thể gây tác dụng phụ. Vì vậy nếu ăn ít thì cũng đừng lo.

Các động tác với tay lên cao hoặc nhảy xa, nhảy cao, những động tác gây tăng áp lực ổ bụng đột ngột có thể ảnh hưởng đến sự co thắt của tử cung và gây động thai. 3 tháng đầu thai kỳ là giai đọan sớm, tình trạng thai chưa thật sự ổn định nên dễ sẩy. Mọi hành động của thai phụ nên nhẹ nhàng. Còn việc đi lên xuống cầu thang nhẹ nhàng vẫn được, trừ trường hợp bạn có chỉ định của bác sĩ là phải nghỉ ngơi.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn, 

Với siêu âm đầu dò âm đạo có thể nhìn thấy nhịp đập tim thai vào tuần lễ thứ 6.5 đến 7 tuần tuổi thai. Nếu đến tuần lễ thứ 8 vẫn chưa thấy tim thai là thai lưu. Đối với trường chị em thai đến 11 tuần mới thấy tim thai có thể do chẩn đóan tuổi thai sai hoặc sai lầm trong siêu âm (độ ly giải máy siêu âm hoặc kỹ năng bác sĩ siêu âm). Nếu em lo lắng có thể siêu âm lại sau 3 ngày.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


Chào bạn, 

Bạn mang thai lúc 8 tuần tuổi (ngày 20/06/2010) có sốt phát ban. 

XN Rubella lần 1: 20/06/2010: IgM âm chưa thể hiện.
XN Rubella lần 2: 22/06/2010: IgM âm, IgG âm sau 2 ngày vẫn chưa đánh giá được, nhưng có thể kết luận trước đây chưa từng bị nhiễm hoặc chưa tiêm ngừa Rubella.

XN Rubella lần 3: 29/06/2010: IgM âm và IgG dương. Cần xem lại kết quả. Vì nếu nhiễm Rubella cấp thời điểm 20/ 06/2010 thì có sự chuyển đổi huyết thanh: nghĩa là từ âm sang dương. Sau  nhiễm 1 tuần IgM dương tính trước và sau đó 1 tuần nữa thì IgG mới dương tính. IgM dương tính kéo dài đến khoảng 10 tuần thì trở lại âm tính, IgG dương tính vĩnh viễn.

Với kết quả xét nghiệm của bạn như thế có khi là dương tính giả do phản ứng chéo với các loại  virus khác.

Bạn nên XN Rubella IgM và IgG 1 lần nữa để đánh giá lại. 

Bạn nên đến các phòng XN lớn để giá trị đáng tin cậy.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Em thân mến,

Đối với một chu kỳ kinh nguyệt đều 28-30 ngày mỗi tháng thì em trễ kinh 2 tuần có thể thấy thai trong tử cung khoảng 6 tuần bằng siêu âm đầu dò âm đạo. Thử thai âm tính thì không có dấu hiệu có thai, độ chính xác của que thử là 95-97%. Theo triệu chứng em mô tả, hiện tại không có dấu hiệu gì cho thấy em đang có thai. Hiện tượng kinh nguyệt em không đều có thể do em quá căng thẳng, lo lắng gây nên streess hoặc là do em có dùng  thuốc tránh thai không đúng cách nên làm rối loạn chu kì kinh nguyệt của em. Hiện tại, em nên chờ đợi chu kì kinh mới hoặc uống thuốc tránh thai mỗi ngày đều đặn vỉ 21 viên sau đó nghỉ 07 ngày để kinh ra lại. Trường hợp em có quan hệ nhưng chưa muốn có thai phải dùng biện pháp tránh thai, nếu không em chỉ tránh được mang thai lần này, nhưng quan hệ không bảo vệ như vậy nguy cơ mang thai cho các lần sau là khó tránh khỏi.  

BS. CKII. Dương Phương Mai
Khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ

01tháng 07

Chào bạn,

Thai của bạn tiến triển phù hợp với tuổi thai. Việc bóc tách túi thai có giảm dần là tốt. Vào ngày 22/06/2010 thai bạn được hơn 7 tuần tuổi và có dấu bóc tách 5%, chứng tỏ là còn động thai. Việc dưỡng thai tiếp tục là cần thiết (dùng thuốc và chế độ nghỉ ngơi)

Các xét nghiệm được thực hiện để đánh giá sức khỏe của mẹ (máu và nước tiểu) được thực hiện vào giai đoạn sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ là cần thiết. Có thể để qua giai đọan động thai rồi mới xét nghiệm cũng tốt.

Nếu bạn muốn đến bệnh viện Từ Dũ để khám thai BHYT thì bạn cần mang theo giấy chuyển BHYT và thẻ BHYT. Nếu không có giấy chuyển thì bạn chỉ được BHYT thanh toán 20%.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Rubella còn gọi là bệnh sởi Đức hay sởi 3 ngày. Diễn tiến bệnh tự khỏi và rất hiến khi gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu mang thai trong 3 tháng đầu bị nhiễm Rubella cấp (tình trạng mới nhiễm lần đầu) thì ảnh hưởng xấu đến thai nhi, 90% thai nhi sẽ bị hội chứng Rubella bẩm sinh (kèm dị tật bào thai) và có thể gây sẩy thai, thai lưu. Các nước tiên tiến tiêm ngừa Rubella cho trẻ em và tất cả các thiếu nữ chưa lập gia đình. 

Những người đã bị nhiễm Rubella cấp 1 lần trong đời thì không phải tiêm ngừa nữa vì đã có miễn dịch.
Nếu 1 thai phụ đã bị nhiễm Rubella cấp trong 1 lần mang thai < 13 tuần thì những lần mang thai về sau không bị ảnh hưởng bởi bệnh Rubella nữa.

Chị gái của bạn đã bị sẩy thai liên tiếp với tuổi thai < 8 tuần, nguyên nhân thường gặp do: 

  1.  Bất thường về yếu tố di truyền (nhiễm sắc thể, gen). Tuổi mẹ lớn
  2.  
  3. Bất thường tử cung (dính buồng tử cung một phần, u xơ tử cung dưới niêm,..)
  4.  
  5. Bất thường về nội tiết: thiểu năng hoàng thể thai kỳ,bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường.
  6.  
  7. Yếu tố miễn dịch: hội chứng kháng phospholipid, lupus..
  8.  
  9. Nhiễm trùng: Toxoplasma gondii, cytomegalovirus, herpes simplex virus,viêm âm đạo do vi khuẩn.
  10.  
  11. Yếu tố môi trường: rượu, thuốc lá, càphê..
  12.  
  13. Ngoài ra cũng có khoảng 20 – 25% trường hợp sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân.

Khi bỏ thai dù 1 hay nhiều lần thì khả năng mang thai lại cũng bị ảnh hưởng phần nào. Nếu sẩy thai liên tiếp càng nhiều lần thì khả năng sẩy thai cho lần mang thai sau càng cao.

Chị của bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân nếu có, từ đó sẽ điều trị thích hợp.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Trước hết xin chia buồn cùng bạn lần sẩy thai vừa qua. Nguyên nhân sẩy thai chưa rõ, tuy nhiên có thể do vận động quá nhiều, leo trèo, rướn người lên cao hoặc ăn đu đủ xanh…Muốn tìm nguyên nhân gây sẩy thai bạn cần làm khá nhiều xét nghiệm. Cũng có 25% đã làm đủ XN nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân

Bạn đã khám phụ khoa và kết quả bình thường là đáng mừng. Thỉnh thỏang đau vùng hông bên phải hoặc bên trái có thể do co thắt cơ. Hoặc đường tiết niệt, đường tiêu hóa. Bạn cần khám thêm tổng quát để xem có bệnh lý gì hay không.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Huyết đồ của bạn có 2 chỉ số MCV và MCH dưới mức bình thường. Các xét nghiệm khác: điện di Hb, Ferritin và hồng cầu lưới bình thường thì chưa đáng  lo. Xét nghiệm huyết đồ của chồng bạn bình thường.

Bệnh Thalassemia di truyền theo gen lặn nên khi cả mẹ và cha cùng mang yếu tố gây bệnh thì thai nhi mới có nguy cơ mắc bệnh. Vì xét nghiệm của chồng bạn bình thường nên con của bạn không nghĩ đến bệnh Thalassemia. Ferritin của bạn  trong giới hạn bình thường thì việc dùng thuốc có chứa sắt cũng không đáng lo lắm. Thông thường những trường hợp Thalassemia thể nặng sắt huyết thanh sẽ tăng và chống chỉ định dùng thuốc có chứa sắt, chỉ nên dùng acid folic đơn thuần mà thôi.

Hb trong 3 tháng giữa thai kỳ thường sẽ hơi thấp hơn những tháng còn lại.  Chỉ số Hb của bạn 11.6 là bình thường. Bạn không phải thiếu máu, do đó không cần phải truyền máu. Nói chung các xét nghiệm  của bạn và chồng chưa có gì đặc biệt phải lưu ý cả. Bạn không phải lo nhiều.

Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,
   
Thai ra huyết: nguy cơ dọa sẩy thai

Dùng Progesterone để bổ sung hoàng thể và giảm co thắt tử cung, góp phần dưỡng thai. Tuy nhiên, đối với các trường hợp thai có kèm các bất thường khác việc bổ sung nội tiết không có giá trị. Trường hợp này bạn nên nghỉ ngơi, tránh vận  động mạnh, không giao hợp và theo dõi thai định như hướng dẫn của bác sĩ.

Chúc hai vợ chồng em thành công.

ThS. BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết
Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Các hóa chất: nhuộm, tẩy có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi thai. Riêng ép tóc nếu có dùng hóa chất thì nên hạn chế. Đặc biệt tránh tiếp xúc với da đầu. Ép bằng nhiệt đơn thuần không gây ảnh hưởng trên thai nhi.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Em thân mến,

Orifixim là thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ thứ III, đã được nghiên cứu sử dụng an toàn bằng đường uống trong thời kì mang thai, không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi cũng như không gây ra dị tật gì đối với thai. Do đó, sử dụng Cephalosrine khi đang mang thai 3 tháng đầu không có chỉ định để bỏ thai. Em yên tâm khám thai định kì, siêu âm đo độ mờ da gáy để sàng lọc hội chứng DOWN ở tuổi thai 11-13 tuần và siêu âm tiền sản vào khoảng tuần 20 -24 của thai kỳ

Chúc em vui vẻ, giữ gìn sức khỏe để thai nhi được phát triển tốt.

BS. CKII. Dương Phương Mai
Khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ


Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ