tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
- Siêu âm không khẳng định chắc chắn 100% là cục Polype ấy lành hay ác được, đó là việc của bác sĩ giải phẫu bệnh.

- Nếu Polype nhỏ thì việc nạo Polype giống như nạo sinh thiết, hoặc như nạo thai nhỏ, không cần nằm viện và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, trừ khi em có  bệnh lý nội khoa nguy hiểm kèm theo (ví dụ bệnh tim, bệnh về máu, cao huyết  áp...) thì cần nhập viện nạo và theo dõi sức khỏe một vài ngày rồi mới ra viện.

- Em không nói rõ kích thước của cục Polype là bao nhiêu, có gây ảnh hưởng gì đến kinh nguyệt của em không, em có hay bị xảy thai không, có đang mong muốn có thai không? Nên bác sĩ không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của em được, chỉ nói với  em thế này nhé: nếu cục Polype đó to, hoặc nhỏ nhưng gây rong kinh, rong huyết, có kinh đau bụng nhiều, hoặc em đang mong có con nhưng hay bị xảy thai, thì sẽ cho lấy cục Polype ấy ra ngay, còn nếu kích thước nhỏ, không gây bất thường gì thì có thể tạm theo dõi qua vài chu kỳ kinh, xem sau mỗi lần hành kinh cục ấy  còn tồn tại hay không, nếu còn thì có lớn nhanh hay không, vì thực tế có những người bệnh có Polype nhỏ, sau khi hành kinh siêu âm kiểm tra thì lại không thấy cục ấy đâu nữa. Em hãy chờ lúc vừa sạch kinh đi tái khám để bác sĩ kiểm tra lại xem sao đã nhé.

BS. CKII. Bùi Thanh Vân
Khoa Khám bệnh- Bệnh viện Từ Dũ

Chào Kim Hằng!

Em không nói rõ là xét nghiệm máu gì? Nếu đó là xét nghiệm máu thường qui trong lúc mang thai thì em nên nhịn ăn vì có thử đường huyết (hiện giờ có  thể thử đường huyết lúc no cũng đọc kết quả được, tuy nhiên nếu thấy cao sẽ cho xét nghiệm kỹ lại để xác định có nguy cơ đái tháo đường trong thai kỳ không).

Nếu là lấy máu để làm xét nghiệm sinh hóa hỗ trợ cho việc tầm soát bệnh Down thì em ăn uống bình thường.

Giá tiền tùy thuộc loại xét nghiệm nào? Tuy nhiên là không tốn quá nhiều đâu, em mang khoảng 1-2 triệu phòng hờ là được.

BS. CKII. Bùi Thanh Vân
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Trước hết xin chia buồn cùng bạn với lần sẩy thai lưu vừa qua. Trường hợp của em là thai lưu 6 tuần. Với tuổi thai sớm như thế nguyên nhân thường gặp là rối loạn nhiễm sắc thể, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, thiểu năng hoàng thể thai kỳ, bệnh lý về nội tiết,… Và có đến 25% thai lưu sớm không rõ nguyên nhân.

Các xét nghiệm trên: 
  MCV        79.3          (83-92)             fl
  MCH        26.1        (27-32)               pg

đã có chứng tỏ em có hồng cầu nhỏ và nhược sắc. Nên xét nghiệm huyết đồ chồng để tầm soát bệnh Thalassemia cho thai nhi nếu kết quả MCV và MCH của chồng cũng thấp.

Tất cả các xét nghiệm trên chưa thấy yếu nào có thể gây sẩy thai lưu sớm.

Để chuẩn bị cho việc mang thai em cần phải có sức khỏe tốt. Do đó, em nên khám sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa và tiêm ngừa một số bệnh cần thiết như rubella, sởi quai bị, thủy đậu, viêm gan B. Nên dùng acid folic mỗi ngày từ hôm nay cho đến suốt thai kỳ. Thời gian em có thể mang thai lại là sau khi tiêm ngừa đầy đủ tối thiểu 1 tháng. Mong rằng thai kỳ lần sau của em được tốt đẹp. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh -  Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Obimin 1 viên mỗi ngày là đủ liều vitamin cho thai phụ. Tuy nhiên không có nghĩa là bù vào lượng thức ăn và  sữa. Bạn vẫn nên ăn uống để cung cấp năng lượng và các chất cần thiết. Nếu thai  hành nhiều bạn có thể ăn làm nhiều bữa, mỗi bữa ăn ít, nên ăn các thức ăn dễ tiêu, tránh dùng dầu mỡ nhiều. Nếu chưa uống được sữa dành cho phụ nữ có thai bạn có thể tạm ngưng cho đến khi thai bớt hành nghén. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy dùng acid folic 1mg mỗi ngày từ 2 – 3 tháng trước khi mang thai cho đến những tháng đầu thai kỳ có thể giảm nguy cơ sứt môi chẽ vòm lập lại. Với tiền căn sinh con dị tật bẩm sinh sứt môi chẽ vòm ngoài việc dùng các vi chất và ăn  uống đầy đủ bạn cần khám thai định kỳ. Đến thời khoảng thai 12 tuần bạn có thể đến BV Từ Dũ để khám và làm các xét nghiệm sàng lọc thai nhi giai đoạn sớm thai kỳ.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Bạn đã trên kinh 18 ngày và thử thai dương tính thì cần khám thai và siêu âm để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ cũng như thai. Các triệu chứng mệt mỏi, đau lưng, chóng mặt khá thường  gặp ở thai phụ. Bạn không nên tự ý dùng thuốc mà cần đến khám và làm các xét nghiệm cần thiết để được kê toa phù hợp. Chúc bạn khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Thoát vị rốn là tình trạng bất thường thành bụng thai nhi, hở vùng rốn nên các tạng trong bụng như dạ dày, ruột, đôi khi có cả gan bị đẩy ra bên ngoài ổ bụng 1 phần hay hoàn toàn và những tạng này nằm trong 1 túi phúc mạc vô trùng. Bình thường vào khoảng tuần lễ thứ 9 – 10 thai kỳ, ruột nằm bên ngoài thành bụng, đến tuần 12 thai kỳ, ruột xoay và di chuyển vào ổ bụng cùng với sự phát triển cơ thành bụng khép kín lại.

Hiện nay vẫn chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây thoát vị rốn cũng như cách phòng ngừa trong thai kỳ. Một trong những nguyên nhân gây thoát vị rốn thường gặp là có bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, từ đó làm cơ thành bụng yếu và không phát triển tương thích với quá trình xoay của ruột gây nên tình trạng này. Thoát vị rốn cũng thường kèm theo những bất thường khác như tim bẩm sinh, bất thường hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu và chi..

Sau sinh tùy vào khối thoát vị lớn hay nhỏ, số tạng thoát vị ra ngoài nhiều hay ít mà kết quả phẫu thuật khác nhau. Với khối thoát vị nhỏ, ngay sau sinh bé được phẫu thuật đưa khối thoát vị vào ổ bụng và đóng kín thành bụng lại, kết quả tương đối tốt.. Với khối thoát vị lớn và có nhiều tạng thì có thể tiến hành phẫu thuật nhiều thì và thời gian nằm viện kéo dài, kết quả phẫu thuật cũng kém hơn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Trước hết bạn đã xác định có thai thì bạn nên khám thai. Sàng lọc bất thường thai nhi giai đoạn sớm qua siêu âm độ mờ gáy và Double test thực hiện tuổi thai 11 – 13 tuần 6 ngày. Như vậy đến ngày 8/2/2011 bạn vẫn có thể đi khám được. Bạn có tiền căn sinh non nên khai vào hồ sơ khám để bác sĩ đánh giá có bị hở eo tử cung hay không. Nếu có hở eo bạn có thể được khâu vòng eo cổ tử cung ở tuổi thai 15 - 18 tuần. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Dư ối và nang đám rối mạch mạc thai nhi 5mm vào tháng thứ 4 thai kỳ là không đáng lo ngại. Thông thường các dấu hiệu này sẽ trở về bình thường ở tuổi thai 23- 24 tuần.
Vấn đề chính là bạn cần khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm sàng lọc thai nhi.

Chúc bạn và bé khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Khi mang thai, giấc ngủ khá cần thiết đối với sự phát triển thai nhi và hoạt động tạo máu của chính cơ thể bạn. Bên cạnh các cách bạn đã áp dụng, để có giấc ngủ ngon, ban ngày bạn nên làm việc bình thường. Có thể vận động tay chân nhiều hơn. Nên tắm nước ấm vào buổi chiều tối. Buổi tối nên đọc sách trước khi ngủ, nên chọn những loại sách mang tính giáo dục hoặc vui cười. Không nên ăn quá no trước khi ngủ.

Nếu bạn vẫn khó ngủ có thể khám thêm chuyên khoa nội thần kinh. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Siêu âm đo độ mờ gáy thực hiện ở tuổi thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Với thai 13 tuần tuổi có thể đo độ mờ gáy được. Vị trí nhau bám mặt trước là bình thường. Nhau bám nhóm 1 là  bám ở đáy tử cung, nhóm 2 là bờ dưới nhau qua nửa dưới của thân tử cung, nhóm 3 là nhau bám thấp hay nhau tiền đạo. Khi thai lớn > 20 tuần mới xác định được nhóm 3. Tử cung lớn lên theo tuổi thai cũng có thể kém bánh nhau lên và vị trí nhau bám sẽ thay đổi theo. Đau lưng là dấu hiện thường gặp ở thai phụ do nội tiết thai kỳ gây nên. Bạn nên có tư thế đúng, giữ lưng thẳng (dù đứng hay ngồi).  Tránh thay đổi tư thế đột ngột.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Tử cung hai sừng là một bất thường về hình dạng cấu trúc của tử cung. Vì hai sừng nên thể tích buồng tử cung nhỏ hơn bình thường. Thai phát triển tại 1 sừng (phải hoặc trái  tử cung) có khả năng sẩy thai và sinh non cao hơn những trường hợp tử cung bình thường. Thai nhi thường có cân nặng thấp và ngôi thai không bình chỉnh tốt (bình thường ngôi đầu, trong trường hợp tử cung hai sừng thường là ngôi mông hoặc ngôi ngang) nên tỉ lệ mổ lấy thai cũng cao hơn. Tuy nhiên  có khá nhiều trường hợp thai phụ với tử cung 2 sừng vẫn sinh con đủ tháng. Không có chỉ định  bỏ thai trong trường hợp tử cung hai sừng. Trường hợp của vợ bạn có thai 6 – 7  tuần, tử cung hai sừng, bóc tách túi thai 10%, kèm nhân xơ tử cung như vậy có nhiều nguy cơ sẩy thai. Trước mắt cần nằm nghỉ, kiêng giao hợp và dùng thuốc dưỡng thai. Khi thai lớn đến 12 – 13 tuần sẽ lấn dần vào khoảng trống giữa buồng tử cung. Chúc vợ chồng bạn có 1 cháu bé sinh năm Tân Mão nhé.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Kích quang chậu thường được chỉ định trong những trường hợp bác sĩ muốn đánh giá xem thai phụ có thể sinh bé ngã âm đạo được hay không.

Những chỉ định thông thường: 

  • Ước tính cân nặng thai nhi to (con so > 3500g),
  •  
  • Con so ngôi mông.
  •  
  • Thai thuận + Sẹo mổ lấy thai cũ không phải do khung chậu hẹp hay giới hạn.
  •  
  • Khám trên lâm sàng nghi ngờ khung chậu hẹp hay giới hạn.

Thời điểm cho chụp thường là thai 38 tuần.

Thông thường thai phụ có chiều cao < 150cm hoặc mông nhỏ thường khung chậu sẽ hẹp hoặc giới hạn và khó sinh ngã âm đạo. Người xưa thường chọn nàng dâu qua cách quan sát chiều cao và mông người phụ nữ.

Bạn cao 156 - 157cm là bình thường nhưng nhưng cân nặng khá thấp (thuộc loại gầy) có thể mông bạn nhỏ và bác sĩ nghi ngờ khung chậu bạn hẹp hoặc giới hạn.

Tia X là 1 dạng bức xạ không nhìn thấy được bằng mắt thường. Tia X được dùng trong chẩn đoán (chụp X quang) các bệnh lý về xương, phổi, và các cơ quan khác. Tia X có thể kèm với nguy cơ ung thư, bệnh bạch cầu cấp cho thai nhi, tuy nhiên nguy cơ này rất nhỏ. Thai nhi bị ảnh hưởng khi nhiễm liều bức xạ > 5 rad. Trong y khoa khi dùng tia X để  chẩn đoán, liều bức xạ được dùng rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với liều gây hại cho thai. Theo Viện nghiên cứu hạt nhân Canada cho thấy liều bức xạ dùng trong chẩn đoán y khoa hầu như không gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, việc chỉ định chụp X quang cũng hạn chế đối với thai phụ, chỉ sử dụng khi cần thiết mà thôi. Trường hợp của chị không nên quá lo lắng vì chụp X khung chậu trên thai 36 tuần hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Kha Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ