Chào bạn,
Trường hợp của bạn nên tiêm thêm 1 mũi VAT 3, vì lần mang thai trước tiêm 2 mũi (VAT 1 và VAT 2). Mũi VAT 3 này nên được tiêm vào khoảng tuần 16 – 20 thai kỳ. Tuy nhiên bạn có thể tiêm bất kỳ lúc nào cũng được, miễn là trước ngày bé chào đời tối thiểu 30 ngày thì tác dụng ngừa uốn ván sơ sinh mới hiệu quả.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Bạn đã có thai 3 lần thì không lo về vấn đề buồng trứng. Nếu trong những lần trước bạn có hút nạo thai lưu thì với thủ thuật này có thể gây viêm tắc ống dẫn trứng và có thể dẫn đến hiếm muộn. Nhưng sau 3 tháng chưa thể đánh giá được. Bạn có thể theo dõi thêm 8 – 9 tháng sau và canh ngày rụng trứng. Mong kết quả tốt đẹp đến với vợ chồng bạn.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Với các chỉ số trên, cân nặng ước tính của bé khoảng 1500g (+/-150g).
Trong thời gian này bạn cần ăn uống bồi dưỡng, nghỉ ngơi nhiều hơn và tránh những nỗi âu lo phiền muộn. Hãy vì con mà cố gắng bạn nhé. Thân ái.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Nhau bám thấp là một trong những nguyên nhân gây nên ngôi thai bất thường. Hai yếu tố trong trường hợp của bạn là nhau bám thấp và ngôi ngang nên sẽ sinh khó. Khả năng mổ lấy thai là cao. Xưa kia, các thầy thuốc dùng thủ thuật ngoại xoay thai để xoay bé từ ngôi mông hoặc ngôi ngang thành ngôi đầu. Tuy nhiên thủ thuật ngoại xoay thai khá nguy hiểm và có thể gây tai biến cho mẹ và thai như nhau bong non, vỡ tử cung, suy thai nên ngày nay không áp dụng nữa. Thai nhi nằm trong buồng tử cung và tự bình chỉnh theo kích thước thai nhi, tử cung, vị trí nhau, lượng ối. Khi tử cung gò cứng, áp lực bụng sẽ tăng và đè lên cơ hoành nên bạn có cảm giác khó thở. Bạn có thể nằm đầu cao và nghỉ ngơi nhiều hơn để dưỡng thai. Nếu vẫn còn cứng bụng thường xuyên bạn nên đến bệnh viện khám để được xử trí phù hợp.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Theo tính toán của Tổ chức về sức khỏe Canada, liều bức xạ trung bình trên thai nhi khi mẹ chụp X quang cột sống là 1.7milligray (mGy) # 0.17 rad. Theo nồng độ nhiễm xạ như thế thì hầu như rất thấp so với liều gây hại cho thai. Vì vậy bạn vẫn tiếp tục thai kỳ và cần khám thai đều đặn.
(1 Gray = 100 Rad= 1000 mGy)
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Thời điểm bạn tiêm ngừa 24/10/2010 trước ngày rụng trứng khoảng 6 tuần. Bạn có thể yên tâm với các mũi tiêm ngừa vừa qua. Theo khuyến cáo không nên mang thai ít nhất 1 tháng sau tiêm ngừa. Tuy nhiên cũng có những trường hợp tiêm ngừa ngay chu kỳ kinh cuối hoặc ngay thời điểm rụng trứng vẫn không có chỉ định chấm dứt thai kỳ vì nguy cơ trên thai nhi là rất thấp.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Cảm ho thường do nhiễm siêu vi. Các loại thuốc theo toa không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm siêu vi có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Bạn nên khám thai để được làm những xét nghiệm cần thiết đánh giá sức khỏe mẹ và con. Hiện tại, bạn cần giữ cơ thể ấm, uống nhiểu nước, nên dùng thức ăn dễ tiêu, súc miệng bằng nước muối pha thật loãng. Chúc bạn và bé khỏe.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Thông thường qua siêu âm đầu dò âm đạo, tim thai có thể phát hiện với tuổi thai 6 tuần 3 ngày. Vào ngày 6/12/ 2010 siêu âm thai bạn # 5-6 tuần. Đến 25/12/2010 thì thai của bạn # 7 – 8 tuần. Vào tuổi thai này phải thấy phôi thai và tim thai. Nếu qua siêu âm đầu dò âm đạo mà vẫn không thấy phôi thai và tim thai thì có thể kết luận là thai ngừng tiến triển.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Trường hợp của bạn đã được sàng lọc trong 3 tháng đầu với nguy cơ thấp thì không cần làm triple test nữa.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám thai - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Vacxin cúm mùa không có giá trị miễn dịch suốt đời như vacxin rubella. Tuy nhiên, tiêm ngừa cảm cúm thông thường hay cúm mùa có thể được khi mang thai. Bạn đã tiêm ngừa cảm cúm 2/ 2010 thì đến nay bạn vẫn có thể bị cảm cúm lại. Hiện tại với những triệu chứng viêm hô hấp trên như bạn đã mô tả, bạn có thể súc miệng bằng nước muối pha loãng, uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể. Nếu ho đàm nhiều, bạn có thể đến bác sĩ khám và điều trị thích hợp.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám thai - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Với nhau bám đoạn dưới tử cung (nhau bám thấp – một thể của nhau tiền đạo), vào những tuần lễ cuối thai kỳ, khi đoạn dưới dãn ra, nhau có thể ”dời” chỗ lên trên và không còn là nhau tiền đạo nữa.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám thai - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Thai bạn có phôi và tim thai chứng tỏ thai đang còn sống, túi thai không tròn đều và có ra huyết là có dấu hiệu dọa sẩy thai. Trong thời gian này bạn cần nghỉ ngơi, kiêng giao hợp, giữ tâm hồn thoải mái và dùng thuốc theo toa để dưỡng thai. Dọa sẩy thai có thể có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có khi không tìm được nguyên nhân. Đa phần những nguyên nhân sẩy thai có thể điều trị được bằng phương pháp trên thì không lo nhiều về vấn đề dị tật. Những thai có bất thường nặng thường sẽ khó dưỡng. Dù gì thì bạn vẫn nên tiếp tục dưỡng thai và khám thai định kỳ để sàng lọc và chẩn đoán thai nhi trước sinh. Chúc bạn và bé khỏe.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ