10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Khoa Hiếm muộn

    Khoa Hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ tự hào là đơn vị triển khai kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Từ khi em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ra đời năm 1998, đến nay đã có hơn 11.600 bé được sinh ra từ kỹ thuật này tại Bệnh viện Từ Dũ.

    Sau hơn 27 năm hoạt động, khoa hiếm muộn luôn duy trì vai trò là một trong những trung tâm điều trị hiếm muộn hàng đầu, cung cấp những dịch vụ hỗ trợ sinh sản tốt nhất. Đặc biệt trong năm 2017, với sự nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng điều trị, khoa Hiếm muộn đã đạt chứng nhận Quản lý chất lượng quốc tế về hỗ trợ sinh sản RTAC và sau đó tái thẩm định mỗi 2 năm 1 lần, khoa Hiếm muộn vẫn đều đạt tiêu chuẩn của RTAC.

    Với đội ngũ bác sĩ, chuyên viên phôi học, điều dưỡng, nữ hộ sinh giàu kinh nghiệm kết hợp với quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ luôn là nơi tin cậy của các cặp vợ chồng mong con.

     

    Chức năng:

    Khoa Hiếm muộn là nơi tư vấn, điều trị bệnh nhân hiếm muộn, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Giám Đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Ban Giám Đốc về tổ chức thực hiện các hoạt động tại khoa.

    Nhiệm vụ:

    - Tiếp nhận, tư vấn, khám, điều trị bệnh nhân hiếm muộn

    - Huấn luyện, đào tạo cho nhân viên, học viên thực tập tại khoa

    - Tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kỹ thật mới trong điều trị.

    Thành tựu:

    • 1995: Thực hiện thành công bơm tinh trùng đầu tiên với tinh trùng lọc rửa
    • 1997: Thực hiện ca thụ tinh ống nghiệm (TTON) đầu tiên 
    • 1998: Ba em bé đầu tiên từ kỹ thuật TTON ra đời tại Việt Nam
    • 1999: Em bé đầu tiên từ kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) tại Việt Nam
    • 2000: Em bé đầu tiên từ thụ tinh trong ống nghiệm - xin trứng
    • 2002: Em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật MESA-ICSI (MESA là kỹ thuật lấy tinh trùng từ phẫu thuật mào tinh).

    Sanh đôi đầu tiên sau kỹ thuật giảm thai

    • 2003:

    Em bé đầu tiên ra đời từ phôi trữ lạnh

    Em bé đầu tiên từ kỹ thuật PESA-ICSI (PESA là một kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh)

    Em bé thứ 1000 ra đời từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Từ Dũ

    • 2004

     Em bé đầu tiên từ kỹ thuật TESE-ICSI (TESE là một kỹ thuật phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn)

    • 2005: Em bé thứ 2000 ra đời từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Từ Dũ
    • 2007:  Em bé đầu tiên từ kỹ thuật trữ phôi nhanh (kỹ thuật thủy tinh hóa)
    • 2008: Thực hiện kỹ thuật phôi thoát màng bằng laser
    • 2009: Thực hiện nuôi phôi ngày 5
    • 2010: Thiết lập quy trình PGT (chẩn đoán di truyền tiền làm tổ)
    • 2015: Tổ chức quy trình xét duyệt và thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo nghị định chính phủ. Bệnh viện Từ Dũ là một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam được Bộ Y Tế cấp phép thực hiên kỹ thuật này. Đây là một kỹ thuật mang tính nhân văn cao, giúp cho những phụ nữ không thể mang thai bằng tử cung của mình vẫn có thể thực hiện được thiên chức làm mẹ.
    • 2016: Thiết lập quy trình nghiên cứu ban đầu về trữ lạnh mô buồng trứng
    • 2017: Đạt chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế RTAC về hỗ trợ sinh sản
    • 2018: PGT (chẩn đoán di truyền tiền làm tổ) được triển khai thực tế và ca chuyển phôi đầu tiên sau kỹ thuật PGT có thai.
    • Từ năm 2020 đến 2024: Thực hiện và hoàn thiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ về trữ lạnh mô buồng trứng người thông qua mô hình ghép chuột, làm tiền đề cho việc phát triển kỹ thuật này trong tương lai. Đề tài nghiên cứu này được phê duyệt và nghiệm thu bởi Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

    Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ luôn không ngừng cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến về Hỗ trợ sinh sản, nâng cao chất lượng dịch vụ để mang lại niềm vui và sự hài lòng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

     

     

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ