banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Xin tư vấn các thông tin về việc trẻ sơ sinh bị nhiễm virus CMV

Hỏi - 30/08/2016

Kính chào bác sĩ. Em sinh cháu vào tháng 4/2016 đủ tháng, nặng 3.3kg, mổ đẻ do vỡ ối non. Đến ngày 3/7/2016 cháu xuất hiện những chấm xuất huyết trên da, bé nhập viện nhi  và được xét nghiệm dương tính với virus CMV dẫn đến giảm tiểu cầu. Bé điều trị ở viện 10 ngày thì được xuất viện khi tiểu cầu lên mức 157, bác sĩ có kê thuốc medrol. Hôm 22/8 xét nghiệm lại thì tiểu cầu lên 234 và tạm thời không dùng thuốc nữa. 

1. Sau khi sinh gần 90 ngày bé mới xuất hiện triệu chứng lâm sàng, như vậy là bé bị nhiễm CMV bẩm sinh có phải không ạ? Vợ chồng em chưa đi làm xét nghiệm vì chúng em đoán 99% vợ chồng có virus này trong người. Không biết mình bị nhiễm trước hay trong khi mang thai ạ?

2. Kết quả xét nghiệm CMV của bé vào đầu tháng 7/2016: CMV (+), 9340/ml, IgM (+), IgG (+). Với tải lượng như thế này thì mức độ nguy hiểm như thế nào ạ? Hiện tại sức khỏe bé ổn định, phát triển bình thường (hơn 2 tháng cháu đã biết hóng chuyện, 3,5 tháng biết lẫy, 4.5 tháng nặng 7.5kg) nhưng em không biết khi nào sẽ lại xuất hiện triệu chứng. Em rất mong bác sĩ tư vấn cụ thể các nguy cơ và các biện pháp hạn chế xuất hiện triệu chứng. Chân thành cảm ơn.

Trả lời

Chào bạn,

Đa số người trưởng thành nhiễm CMV. Virút này không gây bệnh và triệu chứng rõ rệt khi người bị nhiễm có sức khỏe tốt nhưng virút sẽ “ẩn náu” trong cơ thể chứ không bị thải ra khỏi cơ thể. Khi người bị nhiễm có tình trạng miễn dịch suy yếu như bị HIV, lao, có thai….thì virút này sẽ bùng phát. Trẻ sơ sinh có thể nhiễm CMV bẩm sinh từ mẹ sang qua đường nhau thai. Có thể xảy ra một trong 3 khả năng: mẹ mới nhiễm lần đầu tiên khi mang thai, mẹ đã từng nhiễm CMV trước khi mang thai nhưng khi mang thai bị nhiễm CMV chủng khác hoặc mẹ đã từng bị nhiễm CMV và tình trạng nhiễm này tái hoạt động khi mang thai. Khi nhiễm CMV, trẻ có thể bị điếc, giảm thị lực, tật đầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển vận động. Hiện tại, bé phát triển tốt nên hy vọng là bé ít bị ảnh hưởng bởi bệnh. Bạn nên đưa bé đi khám tầm soát thính lực, siêu âm xuyên thóp để đánh giá các ảnh hưởng của bệnh và can thiệp kịp thời (mang dụng cụ trợ thính, tập vật lý trị liệu….). Ngoài ra, bạn nên tích cực tác động đến mọi giác quan của bé trong chăm sóc hàng ngày như: trò chuyện, cho bé nghe nhạc Mozart, massage mỗi ngày, tập nhìn theo đồ vật, kích thích thị giác bằng các đồ chơi nhiều màu sắc…

Thân mến,

BS. CK2. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - BV Từ Dũ