10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Có phải em vẫn bị viêm nhiễm không ạ?

Hỏi - 22/05/2010

Cách đây 6 tháng em có thai nhưng thai bị dị tật bẩm sinh nên em đã sinh non (bác sĩ đặt ống nước + ngậm 2 lần thuốc). Sau khi sinh non 2 tháng em có đi tái khám, kết quả bị viêm nặng, sau đó bác sĩ cho thuốc đặt (hình bầu bục - mềm - em không nhớ tên), thuốc uống và rửa. Sau đó đó 1 tháng em lên khám lại thì bác sĩ nói là vẫn còn bị viêm nhưng nhẹ hơn; bác sĩ lại cho thuốc đặt (viên dẹt - cứng), thuốc uống và rửa. Tuy nhiên, hiện nay cửa mình em vẫn còn bị ra dịch trắng trong (có lẫn những dây màu trắng như sữa) - ra nhiều (cảm giác bị ướt quần lót rất khó chịu nên em thường phải dùng BVS hàng ngày) + bị vón cục dưới đáy quần lót, thỉnh thoảng ngứa ngáy khó chịu. Vậy có phải là em vẫn bị viêm không ạ? Vợ chồng em dự tính >1 tháng nữa sẽ thả để mang bầu lại (tức là được gần 8 tháng sau khi sinh non)
Cho em hỏi thêm là trong hồ sơ khai trước khi khám bệnh em cũng trình bày rõ với bác sĩ về hoàn cảnh của em như trên, bác sĩ cho đi siêu âm đầu dò (trong lúc siêu âm em cũng nói với bác sĩ siêu âm là em từng bị đặt ống nước và ngậm thuốc), kết quả siêu âm bình thường ạ. Trong lúc khám âm đạo em cũng trình bày rõ và bác sĩ có thăm khám bằng tay bên trong và không thấy bác sĩ nói gì (em cũng không dám hỏi vì nghĩ nếu mình có bị hở eo tử cung thì bác sĩ đã nói cho em rồi)
Bị viêm thì có thể chữa khỏi dứt điểm không thưa bác sĩ? Nếu chữa khỏi thì sau bao lâu mới có thể có thai trở lại ạ?
Hiện tại em còn đi ngoài ra máu tươi (sau khi đi xong, chùi ra giấy thì có máu tươi) + đau rát hậu môn.
Em đã tiêm phòng sởi, quai bị, rubella, thủy đậu từ lần mang thai trước,  tháng 2/2010 em cũng vừa tiêm phòng cúm ở Pasteur.
Tới nay em đã uống obimin được 30 viên rồi ạ. (Vì lần trước con bị dị tật rồi nên em rất sợ, có lẽ là do em ốm yếu quá, nên được mách đã em tự mua obimin uống)
Bác sĩ cho em hỏi là trước khi có thai lần sau thì vợ chồng em cần phải làm những gì ạ? Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời

Trước tiên, xin trả lới em về vấn đề thai dị tật bẩm sinh (DTBS) lần đầu có thể do nhiều nguyên nhân và rất khó phân loại các nguyên nhân gây DTBS. Tuy nhiên một số các nhà nghiên cứu đã đưa ra các nhóm DTBS như sau: 

  1. Các DTBS có nguyên nhân từ các yếu tố liên quan đến môi trường chiếm khoảng 6% các trường hợp như: dùng thuốc khi mang thai, hút  thuốc, uống rượu, hay bị các bệnh nhiễm trùng như nhiễm bệnh Rubella, Cytomegalovirus, Toxoplasma...
  2.  
  3. Các DTBS do nhiều yếu tố kết hợp, vừa do di truyền vừa do môi trường,  nhóm này chiếm khoảng 20% các trường hợp.
  4.  
  5. Các DTBS do gene, rối loạn nhiễm sắc thể chiếm 14% các trường hợp.
  6.  
  7. Còn lại trên 50% các trường hợp là không rõ nguyên nhân.

Em đã có tiền sử thai dị tật, vì vậy trước khi có thai lần sau em và chồng phải đi khám tiền sản để được tư vấn. Nếu cần thiết bác sĩ sẽ tư vấn và xét nghiệm nhiễm sắc thể nếu gia đình em tiền sử có những người bị dị tật bẩm sinh, hoặc em có thai ở độ tuổi quá 35. Em nên bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bao gồm 400 mcg axit folic/ngày và nhóm vitamin B khác. Đồng thời hạn chế những hoạt động có thể dẫn tới những khuyết tật khi sinh như uống rượu, thuốc lá, sử dụng thuốc ảnh hưởng đến thai. Em mua Obimin uống cũng tốt nhưng chưa đủ hàm lượng axit folic. Về tiêm ngừa Rubella, Sởi,quai bị, thủy đậu em nên có thai sau 03 tháng để bảm bảo độ an toàn cho thai nhi.

Hơn nữa, tình trạng viêm nhiễm âm đạo cũng có thể gây ảnh hưởng đến thai như sẩy thai và sanh non. Em đã từng điều trị huyết trắng rồi nhưng có thể vẫn bị tái phát lại tùy theo nguyên nhân. Trường hợp huyết trắng của em nhiều, ngứa ngáy khó chịu, vón cục như sữa theo em mô tả có thể do nhiễm nấm do thay đổi môi trường âm đạo hay uống kháng sinh kéo dài hoặc cơ thể suy nhược… Tuy nhiên em cần đến cơ sở khám chuyên khoa để được khám và làm xét nghiệm lại như soi tươi, nhuộm Gram tìm vi trùng hoặc nấm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị  thích hợp, cần thiết có khi phải cấy dịch âm đạo để tim nguyên nhân chính xác. Thời gian điều trị tùy thuộc vào bệnh lí như thế nào.

Trường hợp em có bị hở eo tử cung hay không, bác sĩ phải khám cổ tử cung và siêu âm đo kích thước lỗ trong tử cung lúc không mang thai và khi mang thai mới biết được chính xác. Nếu chỉ em khám lúc không mang thai thì chưa đủ để kết luận được em ạ. Trường hợp nếu bị hở eo tử cung bệnh nhân sẽ được khâu lại từ tuần thứ 14-16  của thai kì.

 Em đi cầu ra máu tươi và đau rát hậu môn có thể do bị trĩ, em cần đi khám chuyên khoa để có chẩn đoán và điều trị thích hợp loại trừ các trường hợp bệnh lí ở đại tràng.

Thân ái.

BS. CKII. Dương Phương Mai
Khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ