tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
29tháng 10

Chào em!

Thai lưu dưới 20 tuần được lấy ra bằng cách dùng thuốc ngậm để cổ tử cung  mềm và nở ra, thuận lợi cho việc gắp thai sau đó. Việc gắp thai này thường thì  an tòan nếu được thực hiện tại những bệnh viện lớn có chuyên môn cao. Tuy nhiên  đôi khi cũng xảy ra những rủi ro như: thủng tử cung, băng huyết, sót nhau, sót  thai, nhiễm trùng , tổn thương cơ tử cung, vô kinh hoặc vô sinh sau này. Ngòai  ra thai lưu cũng có nguy cơ rối lọan đông máu và thai phụ có thể bị mất máu  nhiều phải truyền máu hoặc truyền những yếu tố đông máu. Khi truyền máu thì có  những nguy cơ do truyền máu như dị ứng, bệnh lây truyền qua đường máu…
 
Sau khi bỏ thai lưu, nên ăn uống bồi dưỡng, bình ổn sức khỏe về thể chất lẫn  tinh thần. Sau khoảng 4- 6 tháng có thể để có thai lại.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Vỡ ối là chảy nước từ âm đạo, nước  trong  hoặc trắng đục và loãng như nước  tiểu có mùi tanh nồng, không kiểm soát được, nước chảy liên tục hoặc sau đó rỉ  ít dần. Có thể lầm vỡ ối với: 

  1. Són  tiểu: nước chảy ra từ lỗ tiểu, lượng ít, có mùi khai của nước tiểu. 
  2. Huyết  trắng: thường có huyết trắng từ trước, thường kèm ngứa hoặc mùi hôi, cũng có  khi rất khó phân biệt.

Khi có thai kèm ra nước âm đạo cần phải vào viện ngay, nhân viên y tế có cách thử để phân biệt dịch ối  với các dịch khác. Thường là dùng giấy thử Nitrazine, dịch ối làm chuyển màu giấy  từ vàng cam sang màu xanh

Ts.  Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

23tháng 10

Thu Huong thân mến,

 Với những thông tin em cho biết  có nhiều khả năng là vô kinh của em do tình trạng tử cung nhi hóa. Nếu không có  cả âm đạo thì là một dị dạng đường sinh dục nữ. Nếu buồng trứng và nội tiết  bình thường thì em vẫn mang tính nữ về thể hình bên ngoài, như chiều cao, cân  nặng, ngực, mông, giọng nói… Tuy nhiên do bất thường về đường sinh dục: không  có âm đạo và tử cung nhi hóa thì em sẽ không có kinh và không có con sau này.  Do không có âm đạo nên vấn đề quan hệ tình dục sẽ khó khăn. Tạo hình âm đạo tốt  sẽ giải quyết khó khăn này. Thân ái.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
23tháng 10

Chào Ngọc Lan

Em lập gia đình 3 năm, vợ chồng sống chung, không dùng  biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có thai được gọi là hiếm muộn. Viêm cổ tử  cung đơn thuần không phải là nguyên nhân chính gây hiếm muộn.  Hiếm muộn  có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vợ, có thể do chồng. Cần phải khám và  xét nghiệm đánh giá về khả năng sinh sản của cả 2 vợ chồng và tùy vào nguyên nhân  mà điều trị. Chi phí điều trị cũng khác nhau theo nguyên nhân.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào em!

Sau khi điều trị cường giáp ổn định bạn có thể có thai. Nếu dùng chất phóng xạ để điều trị cường giáp thì cần ngưng 2 năm sau để cơ thể thải trừ chất phóng xạ rồ hãy để có thai.

Trước khi để có thai bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa nội tiết đang điều trị bệnh cho bạn. Trong khi mang thai vẫn phải theo dõi về tình trạng chức năng tuyến giáp. Nếu có tái phát vẫn có lọai thuốc để điều trị bệnh cường giáp cho người có thai.

Chúc em may mắn.
Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Thưa bác!

Con dâu bác lúc chưa mang thai nặng 42 kg, hiện nay mang tháng thứ 7 mà lên 7kg là không ít. Thông thường 1 thai phụ tăng cân trong suốt thai kỳ từ 12-15kg là vừa. Tuy nhiên tronng 3 tháng đầu do thai hành nên có khi không tăng cân hoặc thậm chí sụt cân. Từ tháng thứ 4 trở đi tăng cân trung bình từ 1-2kg mỗi tháng. Con dâu bác còn hơn 2 tháng nữa mới đến ngày dư sanh (thai 40 tuần), như vậy còn đủ thời gian để tăng cân thêm 5kg nữa.

Các thực phẩm cần bổ sung: đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa... đường có trong cơm, bánh mì, các thức ăn vị ngọt; chất béo: mỡ, đậu lạt, mè.... rau các lọai và trái cây. Nói chung ăn đầy đủ các chất và ăn theo khẩu vị mình ưa thích. Thiếu nước ối có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi, làm thai suy dinh dưỡng. Ngòai việc ăn uống đầy đủ, nên uống nhiều nước và sữa, khỏang 3l/ngày.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


17tháng 10

Nước ối ít hay còn gọi là thiểu ối có thể gây ảnh hưởng trên thai nhi.

Thiểu ối trên siêu  âm: khi chỉ số ối ≤ 5cm.
 Nếu thiểu ối xảy ra sớm từ tuần  17 – 26 ảnh hưởng khá nặng nề trên thai nhi như: biến dạng hình thái  như tay chân khoèo, hộp sọ méo, thiểu sản phổi,  suy dinh dưỡng nặng. Cần đánh giá chức năng thận và tình trạng rối loạn nhiễm sắc  thể của thai .

Với thai 37 tuần thiểu ối thì mức độ ảnh hưởng  trên thai nhi không nặng nề lắm, chủ yếu là lưu lượng máu từ mẹ  đến thai kém gây thai chậm tăng trưởng trong  tử cung. Giai đọan này phổi thai đã trưởng thành nên có thể cho sanh hoặc mổ lấy  thai.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
15tháng 10

Chào em!

Đau nhức xương chậu khi mang thai  là triệu chứng rất thường gặp do các nguyên nhân sau: mệt mỏi, thay đổi nội tiết  làm dãn khớp vùng chậu, tăng trọng tử cung làm cột sống chịu lực nhiều hơn. Để  giảm triệu chứng này cần nghỉ ngơi, dùng đai chịu lực để nâng bụng, chườm nóng,  xoa bóp, mang giầy đế thấp, ngủ trên mặt phẳng cứng.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chuột rút và nhức mỏi chân vào  ban đêm là hiện tượng thường gặp khi thiếu can xi. Ngoài ra, đối với người có  thai, tử cung to chèn vào tĩnh mạch vùng chậu gây cản trở máu lưu thông cũng dễ  gây chuột rút.

Cách xử trí: điều chỉnh chế độ ăn giàu can xi (trứng, sữa,  phomai, tôm, cua..), hoặc uống thêm canxi. Nằm giơ chân cao và mát xa để máu  lưu thông tốt.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


15tháng 10

Thai lưu là thai nhi bị chết  trong tử cung. 

Những dấu hiệu nhận  biết thai lưu:

Với  thai dưới 20 tuần:  vì giai đọan này thai chưa máy nên những dấu hiệu nghĩ nhiều đến thai lưu là :  ra huyết âm đạo, trằn bụng dưới, vú đang căng tự nhiên nhỏ lại, đang có triệu  chứng nghén nhiều tự nhiên trở lại bình thường.

Chẩn đoán xác định dựa  vào siêu âm: túi thai hình dạng méo mó, không có phôi thai hoặc có phôi thai  nhưng không thấy họat động tim thai.

Những thai < 7 tuần  nên theo dõi qua vài lần khám và siêu âm, cách nhau khoảng 1 tuần để xem thai  có phát triển hay không. 

Với  thai > 20 tuần: (Thai đã máy)
Thai phụ không thấy  thai máy, bụng nhỏ lại, có thể ra huyết nâu.
Siêu âm: không thấy họat  động tim thai là thai đã chết trong tử cung.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em!

Dây rốn quấn cổ thường gặp trong  những tháng cuối thai kỳ. Trước đây khi chưa có siêu âm vẫn có nhiều trường hợp  sanh thường, bé có 2 hoặc 3 vòng dây rốn quấn cổ mà vẫn khỏe, đó là do dây rốn  quấn lỏng nên chưa ảnh hưởng đến lượng máu từ mẹ qua thai.

Trường hợp dây rốn  quấn cổ chặt có thể ảnh hưởng đến lượng máu nuôi thai nhi, có khi gây tử vong  cho thai. Khi dây rốn quấn cổ nhiều vòng có thể làm đầu thai nhi cúi không tốt  cản trở việc sanh ngã âm đạo. Siêu âm Doppler màu có thể đánh giá lưu lượng máu  từ mẹ đến thai qua động mạch rốn, ngoài ra cũng có thể xem được số vòng dây rốn  quấn cổ thai nhi.

Nếu lượng máu từ mẹ qua thai bị giảm thì ảnh hưởng đến sự  phát triển của thai, nếu số vòng rốn quấn nhiều làm đầu thai nhi ngửa ra sẽ ảnh  hưởng đến việc sanh ngã âm đạo, khi đó cần mổ lấy thai. Đa số trường hợp dây rốn  quấn cổ thai nhi có thể sanh ngã âm đạo và bé vẫn khỏe. Tuy nhiên người mẹ cần  theo dõi kỹ cử động thai. Theo dõi biểu đồ tim thai bằng máy là một cách đánh  giá sức khỏe thai nhi tốt thường được bác sĩ sử dụng.

Bs. Lê Thị Thu Hà
Bệnh viện Từ Dũ

Chào Anthu!

Sau  khi uống thuốc ngừa thai một thời gian, muốn có con thì phải ngưng thuốc trong  3 tháng là khoảng thời gian lý tưởng nhất. Vấn đề dinh dưỡng trước khi mang  thai cũng rất quan trọng cần thiết như trong khi mang thai. Nên ăn uống đa dạng,  hợp lý, điều chỉnh cân nặng cơ thể vào khoảng từ 45-60 kg trước khi mang thai.

Ts.Bs. Huỳnh Thị Thu Thuỷ
PGĐ - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ