tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
Thân chào bạn

Thai của bạn đã gần ngày sinh. Thông thường đến những  ngày cuối của thai kỳ (vào tuần 39 - 40) sẽ có dấu hiệu chuyển dạ. Tuy  nhiên có những trường hợp quá ngày > 41 tuần vẫn chưa sinh, nếu sức  khỏe thai nhi vẫn bình thường (qua siêu âm và theo dõi tim thai), bác sĩ sẽ ước tính  trọng lượng thai nhi và khung chậu của bạn, nếu thai không quá to và  khung chậu bình thường, BS sẽ giúp bạn chuyển dạ bằng các cách như:  tách đầu ối, đặt túi nước hoặc dùng thuốc...Nếu vẫn không chuyển dạ thì  sẽ mổ lấy thai.

Trong những trường hợp khác như nước ối ít, thai to hoặc khung chậu bé thì sẽ mổ lấy thai chủ động.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Trước hết  xin thành thật chia buồn cùng em. Những thông tin em cho biết chưa thật đầy  đủ. Những chi tiết cần bổ sung như: tuổi mẹ, tuổi cha, trong gia đình 2 bên có  ai thường bị sẩy thai hoặc sinh con dị tật bẩm sinh không? 2 lần trước đây thai  được bao nhiêu tuần thì lưu? Thai kỳ này khám tại BV nào, có được làm đầy đủ  các XN và siêu âm để tầm sóat bất thường thai nhi? 

Bạn  đã 2 lần thai lưu, thai lần này của bạn đến 27 tuần mới phát hiện ra chân khòeo  là muộn. Thông thường khuyết tật này có thể được khảo sát ở tuổi thai sớm hơn.  Điều quan trọng là ngòai chân khòeo, bé còn có vấn đề gì khác nữa không. 

Nếu  bé chỉ bị chân khòeo đơn thuần, không kèm rối loạn nhiễm sắc thể và không kèm bất  thường nào khác thì việc điều trị tương đối khả quan. Bạn nên đến các bệnh viện  lớn để sinh như BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, sau sinh tùy vào mức độ khoèo mà sẽ điều  trị bằng cách vật lý trị liệu hoặc mổ, khi đó bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể hơn.  BV Nhi Đồng I và II,  BV Chấn Thương chỉnh hình tại TP HCM là những địa chỉ  đáng tin cậy. Chào bạn

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

21tháng 11
Chào anh chị!

Theo như các chỉ số mà anh chị cung cấp, chúng ta có thể tạm nhận xét như sau:

Vợ của anh có thể bị thiếu máu nhược sắc nhẹ, anh có chỉ số MCH hơi thấp. 

Tuy nhiên, nguyên nhân làm cho các chỉ số này thấp thì vẫn chưa thể kết luận được. Chúng ta cần tìm hiểu thêm về tình trạng lâm sàng, bệnh sử và các chỉ số xét nghiệm khác thì mới có được nhận định toàn diện.

Nếu lo lắng về bệnh Thalassaemia, anh chị có thể đến Bệnh viện Truyền Máu  và Huyết Học để khám và xét nghiệm. Nếu nghi ngờ mang gen bệnh Thalassaemia, anh chị có thể đến Phòng Di Truyền của Bệnh viện Từ Dũ để được hướng dẫn làm chẩn đoán đột biến gen trước sinh.

Chúc anh chị sức khỏe

Bs. Nguyễn Khắc Hân Hoan
Khoa Giải phẫu Tế bào_Di truyền - Bệnh viện Từ Dũ
20tháng 11
Thân gửi chị Thoa và em họ

Theo thông tin chị cung cấp tôi không rõ xét nghiệm máu mà em họ của chị đã làm là loại xét nghiệm gì. Tuy nhiên đối với thai 16 - 18 tuần thì xét nghiệm được chỉ định để tầm soát Trisomy 21 (tức là tình trạng bộ gen có 3 nhiễm sắc thể số 21 gây nên hội chứng Down) là xét nghiệm Triple Test.

Để kết luận chính xác thai có bị Trisomy 21 hay không thì phải thực hiện thủ thuật chọc hút dịch ối và khảo sát số lượng nhiễm sắc thể của tế bào thai có trong dịch ối. Đây là phương pháp chẩn đoán xác định, có nghĩa là kết quả có giá trị khẳng định chắc chắn tình trạng của thai.

Nếu kết quả chẩn đoán là bình thường thì thai phụ có thể tiếp tục theo dõi và thăm khám thai theo hẹn của bác sĩ.

Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy thai bị Trisomy 21 hoặc bị các rối loạn nhiễm sắc thể khác thì thai phụ và gia đình sẽ được tư vấn về tình trạng di truyền của thai và các phương pháp theo dõi, điều trị cho trẻ sau sinh hoặc ngừng thai kỳ.

Nếu như có chỉ định phải ngừng thai kỳ thì tùy thuộc vào tuổi thai, tình trạng sức khỏe của thai phụ và các yếu tố lâm sàng khác có liên quan mà các bác sĩ sản khoa sẽ có chỉ định phương pháp phù hợp cho từng đối tượng.

Khả năng có thai bình thường ở lần mang thai sau còn tùy thuộc vào loại Trisomy 21 mà thai mắc phải. Nếu đó là rối loạn di truyền mới phát sinh ở thai  thì tiên lượng thường tốt. Tuy nhiên đối với các trường hợp thai bị Trisomy 21 do thừa hưởng rối loạn cấu trúc nhiễm sắc thể từ cha hoặc mẹ, thì cần phải xét  nghiệm nhiễm sắc thể cả hai vợ chồng trước khi quyết định mang thai lại lần sau.

Hiện tại đối với tình trạng thai của em họ chị, chị nên xem xét tỉ lệ nguy cơ của thai là bao nhiêu phần trăm. Tuy vậy, trong hầu hết các trường hợp, khả năng thai bình thường vẫn luôn cao hơn khả năng thai bất thường. Điều này có thể  giúp cho gia đình yên tâm được được phần nào.

Chúc chị và gia đình mọi sự như ý.

Bs.  Nguyễn Khắc Hân Hoan
Khoa Giải phẫu Tế bào_Di truyền - Bệnh viện Từ Dũ
Chào em

Có 1 khối ở vú là nên sinh thiết, chẩn đóan chính xác xem lành tính hay ác  tính để có hướng điều trị tiếp. Sinh thiết là mổ nhỏ lấy trọn hoặc 1 phần khối u để  xét nghiệm giải phẫu bệnh lý. Sinh thiết không ảnh hưởng gì trên thai kỳ. Điều quan  trọng là kết quả lành hay ác tính mà thôi.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Nhu Hoa!

1.chồng tôi bị viêm gan siêu vi B mãn tính, vẫn đang uống thuốc
điều trị,
tôi đã chích ngừa rồi, vậy khi có thai có ảnh hưởng gì
không?
Đáp: 
Hai vợ chồng bạn có thể có thai bình thường. Trong quá trình khám 
thai, bạn sẽ được xét nghiệm và đánh giá sức khỏe của mẹ và thai.
Sau sinh bé sẽ được tiêm ngừa viêm gan, phác đồ tiêm ngừa tùy vào
người mẹ có nhiễm virus gây viêm gan B hay không. 
 
2. ngày 3/11/08 tôi đi khám bệnh dạ dày, BS chuẩn đoán bị viêm dạ 
dày trào ngược và kê thuốc uống trong 1 tháng: Mepantop(2v/ngày);
dotium(3v/ngày); trimafort (3 gói/ngày). vậy đến cuối tháng 12, tôi
có thai sẽ bị ảnh hưởng gì không?
Đáp:
Bạn có thể dùng các lọai thuốc điều trị dạ dày theo toa BS.
Đến cuối tháng 12 bạn có thai sẽ không ảnh hưởng gì. Nếu có thai,
bạn còn phải điều trị bệnh dạ dày thì báo BS biết là bạn đang mang thai.
3. Bác sĩ khoa phụ sản kê cho tôi thuốc Ferrovit, để bổ sung Folic 
Acid (trong đó chứa 0.75 mg Folic Acid) trước khi mang thai. như vậy
đã đủ chưa, có phải bổ sung thêm thuốc gì nữa không?
Đáp:
Theo nhiều nghiên cứu đã được chứng minh, bổ sung acid folic tối thiểu
trước khi mang thai 3 tháng và kéo dài trong những tháng đầu thai kỳ
có thể dự phòng được 1 số dị tật bẩm sinh ở thai nhi như dị tật ống
thần kinh hở, sứt môi chẽ vòm. Bổ sung mỗi ngày khoảng 400 mcg
(# 0.40mg) là đủ. Tuy nhiên, nếu bổ sung nhiều hơn, 0.75mg đến 1mg
vẫn tốt. Như vậy, mỗi ngày bổ sung 1 viên ferrovit, có cả sắt và
acid folic là tốt. Ngòai ra, bạn cần ăn uống đầy đủ các chất khác như
thịt cá, trứng sữa và các loại rau củ, quả.  
 
4.Tôi đang bị cảm nhẹ (chỉ ho một ít, buổi sáng ngủ dậy và tối bị 
hắc xì, còn cả ngày thì không) vậy có thai cũng có sao không?
Đáp: 
Theo như thông tin bạn đưa ra cho thấy bạn ho và hắc xì vào buổi
sáng ngủ dậy và buổi tối, (khi thời tiết lạnh hơn ban ngày), có thể
bạn bị dị ứng thời tiết.
Trong trường hợp này thì có thai không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên nếu bạn
có nóng sốt hoặc ho có đàm thì nên khám để điều trị bệnh khỏi trước
khi mang thai thì tốt hơn.
Thân chào

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Tiền ung thư cổ tử cung là 1 giai đoạn chuyển tiếp giữa tình trạng bình thường và ung thư cổ tử cung. Tuỳ theo bệnh nhân giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 đến 10 năm.

Tiền ung thư cổ TC(hay còn gọi là loạn sản CTC-CIN) được phân thành 3 giai đoạn từ nhẹ đến nặng: CIN1, CIN2 và CIN3

Nếu bệnh nhân đi khám phụ khoa định kỳ và tầm soát tốt có thể chẩn đoán sớm trong giai đoạn này. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao (98-100%)

Điều trị tiền ung thư CTC có thể bằng nhiều phương pháp:
+ Đốt điện, đốt lạnh CTC.
+ Khoét chớp CTC.
+ Mổ cắt tử cung.
Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của bệnh và nhu cầu còn muốn sanh con của bệnh nhân.

Cụ thể trường hợp của chị:

Năm 1999 chị được chẩn đoán tiền ung thư CTC (giai đoạn nào ?) và đã được điều trị khoét chớp CTC.

Sau đó chị tiếp tục theo dõi tình trạng ổn định của bệnh lý sau điều trị khoét chớp tại phòng kỹ thuật chẩn đoán theo lịch hẹn trong thời gian 3-5 năm.

Sau thời gian này nếu không có biểu hiện tái phát chị sẽ được đánh giá điều trị khỏi và tiếp tục chuyển qua phòng khám phụ khoa để theo dõi định kỳ giống như các phụ nữ khác.

Xin trân trọng.

Bs. Huỳnh Thị Mộng Loan
Khoa Phụ - Bệnh viện Từ Dũ

02tháng 11
Chào em!

Chị em phá thai 15 tuần là phá thai to. Phá thai to thường dễ bị mất  máu và tổn thương tử cung. Sau khi phá thai thường BS hẹn khám lại sau  1 - 2 tuần để đảm bảo không bị sót nhau, sót thai hay nhiễm trùng. Nếu  chị em vì bận việc chưa đến khám theo hẹn thì bây giờ cũng có thể đến  khám được. Tình trạng của chị em sau phá thai không bị ra huyết hoặc  nóng sốt gì nhìn chung là tốt. Tuy nhiên, nên khám và siêu âm lại là  tốt nhất.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
31tháng 10

Hở eo tử cung là nguyên nhân thường gặp nhất gây sẩy thai muộn tái phát. Tuổi thai  thường bị sẩy từ 16 – 24 tuần. Sẩy thai đột ngột, không có dấu hiệu báo trước  như đau bụng hoặc ra máu âm đạo. Vì thai non tháng nên không nuôi được.

 Khám  thai lần này, BS khám thấy cổ tử cung hở, siêu âm có thể chẩn đóan hở eo tử  cung.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em!

Em đi khám thai sẽ được BS cho làm xét nghiệm máu, không cần thủ tục gì.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị!

Thai 17 tuần vỡ ối thì tiên lượng không tốt. Đối với mẹ có thể gây nhiễm trùng. Đối  với thai có thể sẩy thai to, nhiễm trùng bào thai. Nếu màng ối tự liền, mẹ tha  thiết dưỡng thai, đồng thời không có dấu hiệu nhiễm trùng thì có thể dưỡng thai  tiếp tục bằng cách người mẹ nằm nghỉ tuyệt đối, dùng kháng sinh, giảm co, theo  dõi sát các dấu hiệu nhiễm trùng, siêu âm lập lại đánh giá lượng ối và sự phát  triển thai nhi.

Ts.  Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Viêm âm hộ âm đạo do nấm cần điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Em nên khám  đúng hẹn để được đánh giá lại, lúc đó bác sĩ sẽ quyết định xem em cần dùng thuốc  nữa hay không.

Việc khám sức khỏe trước khi mang thai là cần thiết. Thông thường, đánh giá sức khỏe chung xem có bị thiếu máu, bệnh tim, phổi, tiểu đường, gan, thận…và tình trạng phụ khoa. Có thể tiêm ngừa Rubella trước khi mang thai 3 tháng. Bác sĩ khám sẽ  cho làm những xét nghiệm cần thiết. Chi phí nói chung là không cao lắm,  tùy vào những xét nghiệm cần làm.

Ts. Bs Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ