tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
Chào em,

Đây là lần mang thai thứ 2 của em, em đã từng sinh thường, con cân nặng 3100g, như vậy khung chậu em được xem là bình thường. Thai hiện tại ngôi mông, 38 tuần, ước tính cân nặng 3050g. Nếu đầu thai nhi cúi tốt, em có thể sinh thường bé ngôi mông với cân nặng < 3200g.  Đối với em, cần phải mổ trong ngôi mông là: con to (cân nặng ước tính  > 3200g); đầu thai nhi ngửa (chụp X Quang thấy khá rõ, hoặc siêu âm cũng có thể đánh giá được); vỡ ối khi chưa vào chuyển dạ, thai suy do sa dây rốn.

Có thể bây giờ là ngôi mông nhưng vài hôm nữa thai lại xoay thành ngôi đầu. Vì có những trường hợp, thai tự xoay đầu vào những ngày cuối của thai kỳ, ở tuần thứ 39, tuy nhiên thai lớn thì khó tự xoay.

Vấn đề nhờ bác sĩ xoay thai ngoài (gọi là ngoại xoay thai) thì không nên vì có nguy cơ nhau bong non, suy thai cấp và việc xoay như thế cũng khó thành công.

Em đừng nên lo lắng nhiều về ngôi thai. Việc mổ lấy thai hiện nay là tương đối an toàn, nếu đến ngày sinh mà vẫn là ngôi mông thì Bs sẽ khám và đánh giá xem có thể cho sinh thường hay mổ. Điều quan trọng nhất là được mẹ tròn con vuông.

Ts. Bs Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em!

Với xét nghiệm của em như vậy là thiếu máu. Với triệu chứng thiếu máu thường là chóng mặt, mệt mỏi, đôi khi choáng váng nhức đầu. Nên dùng các loại thuốc có sắt và acid folic như Sangobion mà bạn đang dùng là được, tránh dùng chung với Calci vì giảm hấp thu. Bạn nên dùng thuốc Calci vào buổi sáng sau ăn, dùng Sangobion vào buổi tối trước khi ngủ.  Các loại thực phẩm có lợi cho việc tạo máu gồm:

- Protein: thịt, cá, trứng, sữa.

- Giàu chất sắt: các loại rau có màu xanh đậm, củ dền, thịt có màu đỏ như thịt bò.

- Dùng thêm vitamin C (cam, chanh, bưởi, ..) giúp hấp thu sắt tốt hơn.

- Tránh uống nước trà ngay sau mỗi bữa ăn vì hạn chế việc hấp thu sắt.

Ăn nhiều bữa và thay đổi các món ăn giúp ngon miệng thì tốt cho việc hấp thu các chất.

- Ngủ đủ giấc, nhất là về ban đêm cũng giúp tạo máu tốt hơn.

Chúc bạn và bé khỏe.

Ts.Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


Chào bạn, 

Các xét nghiệm của bạn là trong giới hạn bình thường.

Riêng chỉ có Glycémia là cao 6.4mmol/L. Tuy nhiên không biết bạn có nhịn ăn nhịn uống trước khi xét nghiệm hay không. Tốt nhất bạn nên xét nghiệm lại glycémia vào buổi sáng với điều kiện là nhịn ăn và nhịn uống. Nếu vẫn còn ở mức cao nên vào viện để tư vấn thêm về  tình trạng rối loạn dung nạp đường.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


Bạn có thể tham khảo thêm câu trả lời chi tiết của Bs. Hoài An các của khoa xét nghiệm.


Chúc mừng vợ chồng bạn có được tin vui.

Lúc vợ bạn trễ kinh 10 ngày (vì chu kỳ 32 ngày) siêu âm đầu dò âm đạo vẫn chưa thấy túi thai mà nội mạc tử cung mới dày lên thôi, như vậy có thể là thai giai đoạn sớm và cũng có thể là thai ngoài tử cung. Để xác định rõ vị trí túi thai là trong hay ngoài tử cung; xác định rõ tuổi thai để tính ngày dự sinh tương đối chính xác thì lúc này vợ bạn nên được siêu âm đầu dò âm đạo. Có thể đến khám tại BV Từ Dũ hoặc phòng khám BS chuyên khoa Sản đều được. Việc siêu âm như vậy không có hại gì cho thai nhi cả, các bạn hãy yên tâm. Mong rằng kết quả thai kỳ được tốt đẹp.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bác!

Về mặt bệnh lý thì khi một phụ nữ có thai thì không được điều trị bằng hóa chất hoặc xạ trị.

Trong trường hợp cháu ruột của bác có thai 9 tuần, đây là thời gian hình thành tế bào và cơ quan trong cơ thể thai nhi. Việc điều trị hóa chất rất nguy hiểm trong sự hình thành và phát triển của bé sau này.

Trong trường hợp mẹ vừa mang thai và truyền hóa chất thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con.

Tỷ lệ dị tật, dị dạng thai nhi có thể có, thai nhi có thể bị sẩy thai hoặc sanh non. Để có thể mang thai trở lại thì người mẹ phải được điều trị ổn định sau 1 năm thì có thể sanh con.

Ts. Bs. Huỳnh Thị Thu Thủy
Phó GĐ - Bệnh viện Từ Dũ
Em lo lắng về tình trạng sức khỏe của con mình là hợp lý. Bình thường trong não thất bao giờ cũng có 1 lượng dịch (đo não thất bên: từ 6mm trở xuống), dãn não thất khi lượng dịch này > 10mm. Dịch não tủy luân lưu, nếu có hiện tượng tắc nghẽn hoặc hẹp một vị trí nào đó trong tiến trình lưu thông, hoặc sự chế tiết dịch não tủy nhiều hơn bình thường (do viêm nhiễm) dịch não tủy sẽ ứ trệ lại gây dãn não thất. Với lượng dịch càng nhiều thì mức ảnh hưởng trên não bộ càng lớn; có những trường hợp lượng dịch chiếm 2/3 thể tích hộp sọ gây phá hủy nhu mô não, những trường hợp này nên chấm dứt thai kỳ.

Trở lại trường hợp của em, lượng dịch não thất bên đo được 9mm chưa gọi là dãn não thất, tuổi thai 31 - 32 tuần là lớn nên mức độ ảnh hưởng trên thai rất hiếm xảy ra. Nên theo dõi sau mỗi 2 tuần bằng siêu âm, thông thường sẽ trở lại giá trị bình thường sau 2 tuần, một số ít trường hợp giữ mức cũ, và rất hiếm trường hợp tiến triển nặng nề hơn. Với 2 trường hợp trước thì không có gì đáng lo; riêng với trường hợp nặng nề hơn thì nên chấm dứt thai kỳ ở khoảng tuổi thai vừa nuôi được (36 tuần) để điều trị cho bé sau sinh (phẫu thuật dẫn lưu dịch não tủy) tránh biến chứng chèn ép não bộ.

Hy vọng con của em có kết quả tốt đẹp sau thời gian theo dõi. Chào em.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào em,

Mang thai trong 3 tháng đầu ( < 13 tuần) kèm sốt phát ban, điều đáng sợ nhất là nhiễm Rubella. Em nên đến khám thai tại BV Từ  Dũ để được làm các xét nghiệm chẩn đoán. Các bệnh lý khác như cảm cúm,  sốt rét... cũng có thể ảnh hưởng trên thai nhưng mức độ nhẹ hơn. Bên cạnh đó ra huyết âm đạo lượng ít cũng là dấu hiệu không tốt lắm cho thai. Cho dù thế nào đi nữa em cần phải đến khám sớm để có hướng xử trí  tốt nhất.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào em,

Em mang nhóm máu O Rhesus âm là nhóm máu hiếm vì đa số người Việt Nam Rhesus dương. Nếu thai lần  trước (kể cả lần phá thai bằng thuốc) mang Rh dương thì lúc sinh hoặc  mổ lấy thai có một lượng hồng cầu thai nhi từ bé qua mẹ, như vậy hệ  miễn dịch của mẹ tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên hồng cầu thai  nhi lần sau. Thai kỳ lần đầu không bị nguy hiểm nhưng với thai lần sau  nếu Rh thai dương, kháng thể có từ máu mẹ qua nhau và kết hợp với kháng  nguyên trên bề mặt hồng cầu thai nhi gây thiếu máu tán huyết, vàng da,  tình trạng nặng có thể gây suy tim, suy gan. Tình trạng này gọi là bệnh  lý tán huyết ở trẻ sơ sinh. Nếu hai lần mang thai trước đều là Rhesus  âm thì không đáng ngại lắm.

Hiện nay việc đầu tiên cần xác định là em có  kháng thể chống lại yếu tố Rhesus hay chưa. Muốn xác định điều này em cần làm XN Coomb, nếu XN Coomb dương tính em cần làm thêm XN để định  danh kháng thể xem phải là Anti-D hay không (vì còn có Anti-E và anti-C  nữa), chỉ có anti-D mới ảnh hưởng đến sức khỏe người.

Nếu em đã Anti-D trong máu thì thai kỳ lần này cần được theo dõi thật sát để phát hiện những biến chứng trên thai nhi.

Nếu em chưa có Anti-D mà muốn sinh thêm con nữa thì XN người chồng xem  Rhsus âm hay dương. Nếu chồng rhesus âm thì không cần tiêm ngừa, nếu  chồng Rhesus dương thì em cần được tiêm ngừa Anti - D Immunoglobulin  theo phác đồ.

Khi sinh em có nguy cơ chảy máu, đôi khi cần phải  truyền máu, nếu truyền nhóm máu có rhesus âm thì an tòan cho em hơn, mà đây là máu hiếm nên cần có sự chuẩn bị trước. Do đó em cần được nhập viện trước ngày sinh từ 7 - 10 ngày và đăng ký máu (khỏang 2 đơn vị),  nếu không dùng em cũng phải trả chi phí này .

Em cần đến buồng khám thai BV Từ Dũ để được khám và tư vấn kỹ hơn.
Thân ái. 

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào chị,

Chị bị sỏi thận nhỏ không gây tắc nghẽn đường tiểu hay nhiễm trùng tiểu thì có thể mang thai được. Khi thai lớn lên có thể chèn ép niệu quản làm ứ nước thận và đau vùng hố thận bên ảnh hưởng.  Mức độ chèn ép nhiều hay ít tùy vào vị trí và độ lớn của sỏi. Nếu sỏi xuống niệu quản thì dễ gây tắc nghẽn hơn, nếu sỏi ở thận thì ít gây ảnh  hưởng đáng kể. Đã có nhiều thai phụ có sỏi thận nhưng không gây triệu chứng gì. Khi mang thai, nếu là sỏi calci thì không nên dùng thêm calci  nữa vì có nguy cơ làm sỏi lớn hơn.

Chúc chị có sức khỏe tốt khi mang thai

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
27tháng 04
Chào anh,

Trong qui trình khám thai có sử dụng các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm tầm  sóat những bất thường thai nhi. Triple test là xét nghiệm huyết thanh,  lấy máu mẹ để tầm sóat những bất thường thai nhi như hội chứng Down, Trisomy 18 và khuyết tật ống thần kinh.

Kết quả xét nghiệm của vợ anh có nguy cơ Trisomy 18 là 1/250 có nghĩa là trong 250 người có kết quả như vợ anh  thì có 1 trường hợp sanh con bị Trisomy 18.

Vậy Trisomy 18 là gì? Bình  thường bộ nhiễm sắc thể tế bào con người có 23 cặp nhiễm sắc thể, nếu  thừa hay thiếu 1 nhiễm sắc thể nào sẽ gây bất thường thai nhi. Với  trisomy 18 là có 3 nhiễm sắc thể 18 (bình thường có 2) gây ra nhiều dị  tật bẩm sinh nặng về tim, thận, đường tiêu hóa, não, mặt .... Tần suất  Trisomy 18 khỏang 1/6000 ca sinh sống. Nếu thai nhi bị trisomy 18 thì  95% chết trong bào thai, 5% sinh sống mà 50% trong số này chết trong  vòng 2 tháng đầu đời sau sinh, 5% sống đến 1 năm. Vì thai nhi có nhiều  dị tật bẩm sinh nặng nên 95% Trisomy 18 có thể được chẩn đóan trước sinh bằng siêu âm khảo sát hình thái thai nhi. Nếu siêu âm khảo sát  hình thái thai nhi mà không thấy bất thường nào thì hy vọng là cháu  không bị trisomy 18.

Chúc anh và gia đình được nhiều sức khỏe.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em!

Theo lịch khám tại BV Từ Dũ, thai từ 12 tuần trở đi sẽ khám mỗi tháng 1 lần, giấy hẹn như trên là đúng. Theo giấy hẹn của siêu âm là 22 tuần, mục đích để khảo sát hình thái thai nhi ở tuổi thai này. Thông thường hình thái thai nhi được khảo sát kỹ vào khỏang từ 21 đến 24 tuần, do vậy em có thể đến khám kết hợp với siêu âm vào tuổi thai 22 tuần, hoặc khám 20 tuần và sẽ được hẹn 24 tuần tái khám và siêu âm hình thái đều được cả.

Em có thể sắp xếp sao cho thuận tiện vừa công việc và khám thai, không phải cứng nhắc.

Chúc em và bé khỏe.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Em đã qua giai đoạn thai hành, như vậy em có thể tăng cường dinh dưỡng để phục hồi lại sức khỏe và cân nặng. Riêng những loại thuốc đã kể trên em có thể dùng như sau:

1- HbGLOW: uống mỗi ngày 1- 2 viên trong bữa ăn

2- Domigo (đa sinh tố): uống mỗi sáng 1 viên.

3- Sangobion: uống mỗi ngày 1 viên  (vào lúc đói), có thể uống vào buổi tối.

4- Liquical -400: uống mỗi ngày 1 -   2 viên ngay sau bữa ăn.

Em nên uống loại 1 và 2 trước, khi hết thuốc mới dùng đến loại 3 và 4.

Chào em

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ