tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào em,

Trước hết xin chúc mừng em với kết quả xét nghiệm dịch ối chưa thấy bất thường.

Tình trạng dãn bể thận theo các số đo trên là rất nhẹ. Nguyên nhân dãn bể thận cả 2 bên thường là do tắc hoặc teo hẹp đường tiểu dưới (như hẹp van niệu đạo sau, co thắt niệu đạo), cũng có thể do ảnh hưởng trương lực bàng quang. Với người lớn chúng ta, khi nhịn tiểu và bàng quang căng cũng sẽ dãn bể thận, sau khi đi tiểu sẽ hết.  

Phần lớn các trường hợp qua thời gian theo dõi tình trạng này sẽ giảm dần và trở lại bình thường. Một số ít trường hợp thì sẽ nặng dần, nếu dãn nhiều quá gây ứ nước thận độ 3 sẽ dễ  đưa đến suy thận sau này (rất hiếm xảy ra). Hiện nay, trong thai kỳ không điều trị gì cả, người mẹ không áp dụng chế độ ăn uống hoặc sinh hoạt gì đặc biệt để giảm thiểu tình trạng này. Em cần được theo dõi qua siêu âm để đánh giá kỹ hơn.

Ts. Bs Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

30tháng 07

Chào em!

 Trước hết nói về tuổi thai. Để tính tuổi thai ở mức chính xác nhất là dựa vào siêu âm  3 tháng đầu (sai số 3 – 5 ngày) và kinh chót (nếu kinh đều). Nếu sự tính toán dựa vào hai yếu tố này  phù hợp nhau thì tốt. Nếu không phù hợp (sai số > 10 ngày) thì nên dựa vào  siêu âm 3 tháng đầu. Em không cung cấp kết quả siêu âm trong 3 tháng đầu nên chị  không tính được cho em. Với những tháng cuối, nhất là sau 30 tuần thì sai số  lên đến 3 tuần, việc tính toán tuổi thai sẽ sai lệch rất nhiều. Em nên khám  thai và mang tất cả giấy tờ liên quan đến thai kỳ này để BS tính toán tuổi thai cho em.

 Với số đo siêu âm em cung cấp như trên cũng khó tính được cân nặng vì thiếu chu vi bụng  và ĐKNB. 

GIá phòng dịch  vụ 2 người từ 150.000 đ – 300.000đ/ ngày (tùy vào khu 8 tầng, khu B hay khu E).  Giá phòng dịch vụ BV Từ Dũ hiện nay có nhiều mức, di động từ 30.000d đến  500.000đ/ ngày. Em có thể nhập viện trước dự sinh 2 tuần vì nhà xa. Tuy nhiên, nếu nhập việc trước sinh sẽ không được đăng ký phòng dịch vụ tốt. Nếu nằm phòng đông người thì lại bất tiện trong sinh hoạt và nghỉ ngơi. Tốt hơn em nên thuê  nhà nghỉ gần BV, khi nào vào chuyển dạ thì vào viện.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Em trễ kinh 10 ngày, thử Quickstick lên 2 vạch là nghĩ nhiều đến khả năng có thai. Em đau âm ỉ bụng dưới thì cần phải khám thai ngay. Khi khám bác sĩ sẽ cho em siêu âm và thử beta hCG/máu để xác định thực sự em có thai hay không, nếu có thai thì thai nằm trong tử cung hay ngòai tử cung, thai bao nhiêu tuần, có bị động thai không.

Mong kết quả tốt đẹp đến với em.

Ts. Bs Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em!

Các số đo siêu âm của bạn tương đối bình thường. Riêng chiều dài kênh cổ tử cung 2.9cm là hơi ngắn. Thông thường với người có tiền căn sẩy thai liên tiếp thì rất đáng lo. Với em có triệu chứng đau bụng thì cần phải khám xem cổ tử cung có hở hay không, đau bụng do gò tử cung hay do lý do nào khác. Nếu do gò tử cung thì bạn cần được nghỉ ngơi và dùng thêm thuốc dưỡng thai. Chiều dài kênh cổ tử cung > 3.5cm được xem như là nguy cơ sẩy thai thấp. Chiều dài kênh cổ tử cung < 3.0cm thì có nguy cơ sẩy thai cao. Tuy nhiên để đo chiều dài kênh cổ tử cung chính xác cần được huấn luyện và đo thật đúng chuẩn.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị!

Nhau tiền đạo trung tâm thì hầu như không chuyển thành nhau bám thấp được. Với những trường hợp nhau bám thấp, bán trung tâm hay trung tâm, nếu có ra huyết nhiều đều cần chấm dứt thai kỳ ngay để cứu mẹ, thường bằng phương pháp mổ lấy thai. Tuổi thai nuôi sống được tùy vào  việc chăm sóc sơ sinh của bệnh viện có tốt hay không. Tại Bệnh viện Từ Dũ, tỉ  lệ nuôi sống thai 32 tuần tuổi khoảng 60%, thai càng lớn thì khả năng nuôi sống càng cao và ngược lại. Với thai non tháng có dùng chất hỗ trợ phổi thai (Betene hoặc Celestene) thì khả năng nuôi sống thai nhi cao hơn nữa.

Bạn đã từng ra huyết thì cần thiết phải nghỉ ngơi, nằm nghỉ tại giường là tốt, kiêng quan hệ tình dục, dùng thêm thuốc giảm co. Cố gắng dưỡng thai càng lâu càng tốt (tối thiểu cũng được 37  tuần). Đặc điểm của nhau tiền đạo là ra huyết nhiều đợt, những lần sau ra huyết  nhiều hơn lần đầu và thường không có dấu hiệu báo trước.

 Nhau tiền đạo là trường hợp khó, khi sinh hoặc mổ lấy thai có khả năng ra huyết nhiều cần phải truyền máu hoặc có  khi phải cắt tử cung. Do vậy, bạn cần đến bệnh việc tuyến tỉnh trở lên là tốt.

Ts. Bs Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Thai em 36 tuần tuổi, nhà ở Vũng Tàu, muốn sinh ở BV Từ Dũ, nhau tiền đạo loại 2 thì nên nhập viện để chờ sinh. Em vẫn có thể sinh thường được nếu khi chuyển dạ sinh không ra huyết nhiều. Tuy nhiên, nếu vào chuyển dạ mà ra huyết nhiều thì phải mổ lấy thai ngay.

Có những trường hợp thai 34 tuần là nhau tiền đạo loại 2, nhưng khi thai lớn hơn thì bánh nhau có di chuyển dần lên cao trở thành nhau tiền đạo loại 1. Nói chung, quan trọng là em có ra huyết âm đạo hay không?

Ts. Bs Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ


Chào em!

Với thai 34 tuần, các số đo siêu âm như trên là nhỏ (các số đo này tương ứng với thai 31 tuần). Em nên ăn uống bồi dưỡng thêm, nghỉ ngơi nhiều (khoảng 10 – 11 giờ mỗi ngày), tránh làm việc căng  thẳng.

Thuốc Ultramine là một dạng thuốc bổ chứa nhiều loại acid amin, dành cho những người ăn uống kém, thiếu chất đạm.  Nếu em ăn uống đầy đủ chất, nhiều loại trái cây thì không cần dùng thêm vitamin  cũng được. 

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em!

Emmang thai lần thứ 2, máu O, Rh (-), test Coombs âm tính, chồng Rh (+). Nếu em có ý định sinh thêm nữa thì cần tiêm ngừa Anti-D Immunoglobulin, có tác dụng dự phòng bệnh lý tán huyết cho thai nhi ở thai kỳ sau. Nếu em không có ý định sinh nữa thì không cần thiết phải tiêm ngừa. Nếu cần phải tiêm ngừa thì liên hệ tại Buồng Khám thai -  BV Từ Dũ, tiêm 3 lần vào thời điểm 28 tuần, 34 tuần và trong vòng 72 giờ sau sinh. Thân chào.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,


Thông thường với người mang thai lần đầu (con so), người mẹ cảm nhận thai máy vào tuần 20 thai kỳ trở đi, với người con rạ cảm nhân này có sớm hơn 1 đến 2 tuần. Nếu đến tuần lễ thứ 22 mà bạn vẫn chưa thấy thai máy là bất thường. Nếu hiện tại bạn lo lắng thì cũng nên đi khám và siêu âm để xem tình trạng thai nhi như thế nào.


Với những xét nghiệm bạn đã làm trên (gồm huyết đồ, glycemia, HBsAg, HIV, VDRL) đều tốt cả. Tuy nhiên những xét nghiệm kể trên chưa đánh giá về chức năng tuyến giáp do đó chưa thể kết luận là bạn còn bệnh Basedow hay không. Bạn nên khám và xét nghiệm thêm TSH, T3,T4  nữa mới có thể trả lời được.


Thuốc Megabion là thuốc bổ sung chất sắt dự phòng thiếu máu cho thai phụ. Với xét nghiệm của bạn, chỉ cần uống mỗi ngày 1 viên là đủ. Thai 18 tuần, bạn cần bổ sung thêm Calci. Có nhiều loại calci trên thị trường, có thể bạn dùng sữa và các chế phẩm từ sữa như phomai, bơ cũng có rất nhiều calci.


Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn Kim Dung,


Bạn mang thai 12 tuần, Siêm ĐMG 1.3mm là tốt. Với kết quả XN Triple test, nguy cơ trisomy 18 và nguy cơ khuyết tật ống thần kinh là thấp, nguy cơ hội chứng Down theo tuổi (nguy cơ nền) là thấp :1/ 1245 và khi hiệu chỉnh theo sinh hóa là 1/289, cao hơn 3 lần so với nguy cơ nền. Với nguy cơ hội chứng Down như trên bạn có chỉ định chọc ối để xác định về hội chứng Down của thai nhi. Nguy cơ sẩy thai ở các trung tâm tiền sản trên thế giới là 1/200 trường hợp. Tại BV Từ Dũ nguy cơ này có thấp hơn. Tuy có nguy cơ sẩy thai như vậy, vì tương lai cho con em chúng ta, bạn nên chọc ối để thực sự yên tâm. Thân ái.


Ts.Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn!

Bệnh chàm là bệnh dị ứng mạn tính. Bản thân bệnh chàm không gây ảnh hưởng trên thai kỳ như sẩy thai hoặc dọa sinh non hoặc dị tật thai nhi. Tuy nhiên vì đây là bệnh có thể di truyền, mẹ bệnh và con có thể mắc bệnh như mẹ, ở một lứa tuổi nào đó sẽ thể hiện.  Những thuốc điều trị bệnh chàm chủ yếu là thuốc chống dị ứng, kháng viêm, kháng sinh. Khi mang thai bạn nên thông báo BS chuyên khoa da liễu đang điều trị cho bạn về tình trạng thai kỳ để BS biết mà dùng thuốc hợp lý. BV Từ Dũ chúng tôi sẵn sàng chào đón bạn và cố gắng đáp ứng các nhu cầu của bạn ở mức tốt nhất có thể. Thân chào và hẹn gặp lại.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị!

1. Toi co bat buoc nen sinh mo hay khong? Hay toi van co the sinh thuong? 

Đáp: Trường hợp của bạn có chỉ định sinh mổ với lý do là con quí (hiếm muộn 6 năm). Bạn cũng có thể sinh thường được nếu chuyển dạ sinh sớm và chuyển dạ nhanh.
   

2. Kha nang lay nhiem cho be giua sinh thuong va sinh mo la bao nhieu phan tram, va co truong hop nao la be ko bi lay nhiem tu me trong khi chuyen da khong?

Đáp: Bạn có HBsAg (+) và HBeAg (-) thì khả năng lây nhiễm sang con là thấp (# 10 - 20%). Như vậy có # 80 - 90% trường hợp không lây nhiễm từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ. Có nhiều ý kiến  khác nhau về khả năng lây nhiễm giữa việc sinh thường ngã âm đạo và sinh mổ.  Theo BS

Lian-san Zhao from West China Hospital of Sichuan University in Chengdu, China, nghiên cứu trên 789 phụ nữ ở Trung Quốc đánh giá khả năng lây nhiễm giữa sinh thường và sinh mổ thì ông nhận thấy tỉ lệ lây nhiễm VGSV từ mẹ sang con trong trường hợp sinh mổ là 10% so với sinh ngã âm đạo là 28%. Ông khuyến cáo những trường hợp VGSV nên sinh mổ để giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con. 
     
3. Neu trong truong hop khong mong muon, nghia la be co the bi lay tu me khi duoc sinh ra, nhung sau khi sinh tu 1-12 tieng, em be cua toi van duoc chich ngua cac mui can thiet (1 MUI H-BIG va 1 mui chung ngua viem gan B?) thi van co tac dung bao ve em be cua toi khong bi  HbsAg (+) co dungk hong? Nghia la du CO hay KHONG bi lay khi chuyen da,  nhung sau khi sinh duoc chung ngua kip thoi thi em be cua toi van duoc an toan?

Đáp: Nếu bé yêu của bạn được tiêm ngừa đúng và đủ (1 mũi Hepatitis B immune globulin và  1 mũi Hepatitis B vaccine trong vòng 24 giờ sau sinh, nhắc lại 1 mũi Hepatitis B vaccine sau 2 tháng, 1 mũi sau 4 tháng) thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con rất thấp (0- 3%), bé xem như được an toàn.


4. Sau khi sinh toi co duoc cho em be bu binh thuong nhu bao nguoi khac khong?  Hay toi phai tranh lay nhiem cho be qua viec bu me? Vi co tai lieu ghi duoc cho  con bu, nhung cung co tai lieu ghi rang co the lay khi be bu me neu vu me bi  tray xuoc, chay mau.

 Đáp: Sau khi sinh bạn có thể cho bé bú mẹ được. Theo nhiều nghiên cứu và Tổ chức Y tế  thế giới khuyến cáo: ngay cả mẹ bị nhiễm HBsAg (+) và HBeAg (+) [khả năng lây nhiễm trong trường hợp này lên đến 90% ở giai đọan chuyển dạ, nếu bé được chủng ngừa đầy đủ, mẹ vẫn có thể cho con bú được vì bé đã được bảo vệ 90%, khả năng lây nhiễm chỉ tăng thêm # 2- 3% qua việc cho con bú, trong khi đó lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ là cao hơn nhiều. Bạn thì HBeAg (-) thì lại càng yên tâm.

5. Toi co can phai luu y voi cac bac si trong benh vien ve tinh trang can thiet chich ngua dac biet cua con toi khong, hay voi kinh nghiem va nguyen tac lam viec trong cac benh vien, con toi se duoc chich ngua day du cac mui can thiet dua tren ho so benh an cua toi?
Lam the nao de toi biet con toi da duoc chich ngua day du sau sinh? 

Đáp: Hiện nay, tại BV Từ Dũ thực hiện việc tiêm ngừa VGSV theo phác đồ chuẩn. Tất cả các thai phụ khám thai và sinh tại viện đều ghi nhận kết quả XN VGSV B vào hồ sơ và  bé sẽ được tiêm ngừa đầy đủ sau sinh. Kết quả tiêm ngừa của bé được thông báo cho mẹ và có ghi vào sổ sức khỏe bé.

 Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

 

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ