tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào bạn, 

Khi mang thai, do thay đổi nội tiết thai kỳ nên phần lớn các thai phụ cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém, thậm chí có người cảm giác lúc nào cũng lạnh và nghĩ rằng mình bị cảm. Mặc khác tiêm phòng không phải miễn dịch hoàn toàn với cúm. Cúm mùa có thể do nhiều type virus khác nhau gây ra, tiêm phòng type này và vẫn có thể mắc phải type khác. Do đó, sau tiêm phòng cúm vẫn có thể bị cúm. 

Cảm cúm thông thường không ảnh hưởng đáng kể trên thai kỳ. Bạn chỉ cần giữa ấm cơ thể, uống nhiều nước và vitamin C, dùng  thức ăn dễ tiêu. Nếu có sốt nên dùng thuốc hạ sốt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. 

Khí khám thai, bạn cần mang theo các giấy  hoặc hồ sơ tiêm ngừa để các bác sĩ xem bạn đã tiêm ngừa loại bệnh gì, từ đó mới  có thể xem nên làm những xét nghiệm nào nữa không.

TS.BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn, 

Khi vào chuyển dạ sinh, với những cơn gò tử cung ngày càng tăng dần về cường độ và tần số làm cho sản phụ có cảm giác đau. Cảm giác đau này có khác nhau tùy vào ngưỡng chịu đau từng người. Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau cao thì dễ dàng vượt qua được và cuộc chuyển dạ sinh có thuận lợi hơn mà không phải dùng phương pháp giảm đau nào.

Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau thấp thường gặp phải nhiều khó khăn: mệt mỏi, vật vã, lo lắng, thậm chí có khi ngất đi. Chính những yếu tố này gây cản trở không ít cho quá  trình sinh đẻ. Vì vậy, có khá nhiều phương pháp để giảm đau trong chuyển dạ: 

  • Không dùng thuốc

- Chuyển động (tư thế giúp giảm đau)
- Kích thích điện qua da. *
- Liệu pháp tâm lý
- Thôi miên (Hypnosis - giấc ngủ nhân tạo)*
- Châm cứu *
- Massage, vật lý trị liệu *
- Cho chồng vào bên cạnh vợ để động viên vợ khi sinh.
- Tập luyện trong thai kỳ với phương pháp thở sâu. Có các lớp học dành cho sản phụ gần sinh về các tập thở, tập rặn.
- Đẻ trong nước.*

Lưu  ý *: Chưa áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện sản trong nước. 

  • Dùng thuốc
  •  
  • Hiện tại hầu hết các cơ sở sản khoa dùng phương pháp gây tê ngoài màng cứng hoặc tê tủy sống để giảm đau.
  •  
  • Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phụ đều có thể áp dụng được. Những trường hợp sau đây không thể gây tê ngoài màng cứng hay tê tủy sống được:
  •  
  • Dị ứng với thuốc tê nhóm amide
  •  
  • Tụt huyết áp nặng chưa điều chỉnh được
  •  
  • Đang dùng thuốc chống đông máu
  •  
  • Viêm cấp tính, nhiễm trùng huyết
  •  
  • Bệnh lý thần kinh-tủy sống
  •  
  • Bệnh cột sống (lao, u bướu…)
Với bạn vì huyết áp thấp nên có thể chọn lựa 1 trong những biện pháp kể trên không ảnh hưởng đến huyết áp. Tuy nhiên, cũng có 1 số  thai phụ nghĩ là mình bị huyết áp thấp nhưng vì có thể điều chỉnh bằng truyền dịch nên vẫn có thể tê ngoài màng cứng được.

Với gây tê ngoài màng cứng, khi vào chuyển dạ thực sự, cổ tử cung mở từ 4 cm trở lên, cơn gò khá và sản phụ cảm giác đau nhiều mới có thể bắt đầu thực hiện. Khi sắp sinh, cổ tử cung mở từ 7cm trở lên nên gây tê tủy sống.

Trước khi gây tê ngoài màng cứng để giảm đau sản khoa, các bác sĩ chuyên khoa gây mê khám và đánh giá bạn có nằm trong những trường hợp chống chỉ định hay không. Nếu bạn không thuộc diện chống chỉ định, sẽ tư vấn cho bạn về cách làm, hiệu quả, việc thực hiện châm tê sẽ được tiến hành. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật và chỉ định, tê ngoài mang cứng hầu như không ảnh hưởng gì về sau.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Những loại kháng sinh bạn đã dùng vào thời điểm sau rụng trứng vài ngày thường rất ít khi nguy hại cho thai nhi. Tia X - quang dùng để chẩn đoán với liều bức xạ thấp hơn liều gây hại cho thai gần  cả trăm lần. Trong trường hợp của bạn vẫn tiếp tục theo dõi thai kỳ. Bạn nên khám thai định kỳ để đánh giá sức khỏe thai nhi. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Trước hết xin chia buồn cùng bạn qua 2 lần thai lưu. Nhiễm Rubella và CMV thường không gây thai lưu liên tiếp. Hai vợ chồng bạn có thể đến bệnh viện Từ Dũ khám hiếm muộn để đánh giá về khả năng có thai của chồng bạn (do giãn tĩnh mạch thần tinh) và sẩy thai liên tiếp. Để tìm nguyên nhân sẩy thai lưu liên tiếp hai vợ chồng bạn đến khoa khám bệnh, cần xét nghiệm cả hai vợ chồng về nội tiết, tinh trùng đồ, nhiễm sắc thể, bệnh phụ khoa, …Tùy vào kết quả khám và hỏi về tiền sử mà bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Bạn có thể dùng viên vitamin tổng hợp mỗi ngày 1 viên. Acid folic và sắt trong viên thuốc tổng hợp tuy liều có cao hơn nhu cầu nhưng thường là khi ta uống vào hấp thu không hoàn toàn mà chỉ khoảng 2/3 đến ¾ liều thuốc trên. Theo nhiều nghiên cứu thấy rằng dùng acid folic liều được khuyến cáo mỗi ngày từ 400 đến  600 mcg. Acid folic dư sẽ được thải ra nước tiểu và không có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.  Tuy nhiên nếu dùng liều cao hơn 1000 mcg acid folic mỗi ngày và suốt một thời gian dài có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu, có vị lạ trong miệng, phấn kích và nặng nề nữa là động kinh.

Sắt nguyên tố được khuyến cáo dùng mỗi ngày 15mg đối với phụ nữ trước mang thai và giai đoạn cho con bú, còn trong thai kỳ thì nhu cầu là 30mg sắt. Với những người thiếu máu thiếu sắt thì nhu cầu có tăng lên. Thông thường chỉ khoảng 10% lượng sắt ăn/uống vào là được hấp thu. Sắt được hấp thu ở tá tràng và đoạn trên của hỗng tràng. Sắt được dự trữ trong cơ thể dưới dạng hemosiderin hoặc ferritin trong tế bào lưới nội mô ở gan, lách và tủy xương. Khoảng 2/3 toàn bộ sắt trong cơ thể nằm dưới dạng hemoglobin có trong hồng cầu trong hệ tuần hoàn. Sắt mất đi 1 phần qua mồ hôi, nước tiểu, phân và kinh nguyệt. Thường gặp thiếu máu thiếu sắt, hiếm gặp thừa sắt. Thừa sắt có thể gặp ở những người có bệnh tán huyết, vỡ hồng cầu và giải phóng sắt .

Nhìn chung, nếu bạn không có bệnh lý tán huyết thì bạn có thể yên tâm dùng thuốc vitamin tổng hợp nói trên.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Bạn có thể dùng thuốc Prenatal and  Postpartum mỗi ngày 1 viên và không dùng thuốc bổ nào khác. Chế độ ăn đầy đủ các chất và uống thêm sữa mỗi ngày. Bạn nên dùng suốt trong thời gian mang thai và cho bé bú. Bạn cần khám thai định kỳ, nếu nhà bạn ở xa bệnh viện thì bạn có thể đến những cơ sở y tế địa phương.

Chúc bạn và bé khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Bạn có thể khám bất cứ nơi nào và có thể đến bệnh viện Từ Dũ bất cứ lúc nào bạn muốn. Khi vào sinh bạn nên mang tất cả giấy khám thai, xét nghiệm và siêu âm của thai kỳ này. Để hưởng chế độ bảo hiểm mà công ty bạn đã mua, bạn mang theo thẻ bảo hiểm, chứng minh nhân dân, giấy giới thiệu của bảo hiểm y tế hoặc của công ty bạn. Nên photo mỗi loại 2 bản. Bạn cũng nên mang theo hộ khẩu gốc (+ 1 bản photo) để tiện cho việc cấp giấy chứng sinh.

Thân ái.  

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Nang đám rối mạch mạc có thể nhìn thấy được qua siêu âm, thông thường diễn tiến tự khỏi. Bạn đã được sàng lọc vào tuần lễ  thứ 12 thai kỳ bằng siêu âm đo độ mờ gáy và double test với kết quả nguy cơ thấp như vậy là tốt. Hiện tại bạn nên khám thai theo hẹn và thực hiện các chỉ định của  bác sĩ đã cho. Bạn không nên lo lắng quá, cần ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ.

Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Bạn có sốt phát ban cách đây 6 tháng và thai bạn hiện tại 15 tuần như vậy sốt phát ban lúc đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến thai nhi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bạn đã từng bị nhiễm Rubella trước đây và hiện tại bạn đã có kháng thể bảo vệ. Với CMV thì số người bị nhiễm lên đến  90% trong dân số chung, bạn cũng đã từng bị nhiễm, như vậy hiện tại bạn cũng không nên quá lo lắng. Bạn nên khám thai định kỳ, tiêm ngừa VAT (uốn ván rốn sơ sinh) và thực hiện các xét nghiệm cũng như siêu âm theo chỉ định của bác sĩ để  kiểm tra sức khỏe của mẹ và bé nhé.

Chúc mẹ con cùng khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Trong quá trình vừa qua bạn dùng khá nhiều loại thuốc, chụp x quang do bệnh cảm sổ mũi kéo dài và cả  bệnh phụ khoa. Sức khỏe bản thân của bạn không thực sự ổn vào những ngày này.  Vì vậy việc có thai cũng chưa phải là tốt.

Tia X dùng trong chẩn đoán (chụp x quang tim phổi) liều bức xạ thấp hơn trăm lần so với liều gây hại cho thai nhi.

Các loại thuốc bạn đã dùng với liều lượng và thời gian như trên hầu như không có nguy hại đáng kể trên thai nhi.

Tuy nhiên hiện tại bạn chưa được xác định là có thai nên cũng không nên quá lo lắng. Khi nào bạn được xác định là có thai thì cần khám thai định kỳ và tầm soát những bất thường thai nhi tương tự như các thai phụ khác.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào bạn,

Việc dùng thuốc khi mang thai, nhất là trong những tuần đầu của thai kỳ phải hết sức thận trọng. Thuốc nhỏ mắt TobraDex gồm Tobamycine và Dexamethasone trong lọ 5ml. Thuốc với liều thấp như trên thực sự cũng không nguy hại cho thai nhi. Các loại thuốc bạn đã dùng trong thời gian qua do không rõ loại và liều dùng nên tốt nhất là vẫn nên tiếp tục thai kỳ. Bạn nên khám thai định kỳ theo hẹn của bác sĩ để đánh giá sức khỏe của mẹ và bé.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào bạn,

Với kết quả bạn xét nghiệm vào ngày 24/11/2010:

  • IgM: NEG S/CO=0.273 (trị số bình thường <0.8  index,S/CO<1)
  • IgG POS 110 (trị số bình thường<10ul/ml)

chứng tỏ bạn đã nhiễm bệnh trước khi mang thai và hiện tại đã có kháng thể bảo vệ.  Sau 2 tuần kết quả của bạn:

  • IgM : NEG S/CO=0.268 (trị số bình thường<0.8 index,S/CO<1)
  • IgG: 124.9 (trị số bình thường  <10ul/ml)


như vậy không nghĩ đến tình trạng tái nhiễm vì thông thường tái nhiễm thì IgG sẽ dương tính và nồng độ IgG tăng gấp 4 lần sau 2 tuần, trong khi đó sự sai lệch IgG giữa 2 lần xét nghiệm của bạn là không đáng kể và IgM vẫn âm. Trong trường hợp của bạn là do nhiễm bệnh rubella từ lâu và hiện tại bạn đã có kháng thể IgG bảo vệ, như vậy, bạn không nên quá lo lắng về bệnh rubella. Tuy nhiên với tất cả các thai kỳ, cho dù không thuộc nhóm nguy cơ cao vẫn cần thiết phải khám thai định kỳ, sàng lọc những bất thường  thai nhi nếu có.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ