tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
Bạn Phương Vũ thân mến,

Trước hết xin cám ơn bạn về những lời khen tặng.

Kế tiếp sẽ trả lời nhữg thắc mắc của bạn:Rubella là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi rút thuộc nhóm Rubivirus, đặc trưng bởi sốt phát ban. Còn gọi là bệnh Sởi Đức (German Measles)hay sởi 3 ngày vì đặc trưng là phát ban 3 ngày là hết. Có khoảng 25 - 50% trường hợp nhiễm rubella nhưng không có triệu chứng gì cả nên chẩn đoán thường dựa vào các xét nghiệm. Thông thường, người bị nhiễm rubella thường tự hết, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi đang mang thai, nhất là trong những tháng đầu thai kỳ, tình trạng nhiễm rubella nguyên phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, còn gọi là hội chứng rubella bẩm sinh.
     
  1. Trường hợp của bạn: Ngày 25/02/2011 (thai được 10w6d) xét nghiệm Rubella ở Medlatec thì được kết quả là IgM âm tính, IgG dương tính (186), chứng tỏ bạn đã từng bị nhiễm trước đó tối thiểu 8 tuần. Ít nghĩ các triệu chứng bạn tả : ngày 20, 21, 22/01/2011 bị ho nhiều, có đờm, sau đó có sốt, 2 ngày đầu sốt 37.5-37.8 độ, ngày thứ 3 sốt 38.5 độ, cảm giác ớn lạnh dọc sống lưng, không đau đầu, không đau khớp, không phát ban là do nhiễm rubella.
  1. Sau khi bị nhiễm rubella, virus lan nhanh khắp cơ thể trong vòng 5 – 7 ngày và có thể lây truyền sang thai nhi, cao nhất vào giai đoạn phát ban. Kháng thể IgM xuất hiện 3 -5 ngày sau phát ban và thường trở về âm tính sau 8 – 10 tuần. Kháng thể IgG xuất hiện sau IgM khoảng 5 ngày và IgG tồn tại gần như suốt đời.
  2.  
  3. Bạn đã làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh đầy đủ và thuộc nhóm nguy cơ thấp, vì thế không cần phải xét nghiệm dịch ối để chẩn đoán. Nang đám rối mạch mạc đơn thuần thường tự hết và không ảnh hưởng đến thai nhi.
Chúc bạn và bé khỏe. Thân ái chào bạn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Hai Duong thân mến,

Lúc vợ bạn mang thai 9 tuần xét nghiệm Rubella IgM âm tính và IgG  > 500 chứng tỏ vợ bạn đã nhiễm Rubella trước khi mang thai.

Sau 3 ngày bị sốt phát ban kéo dài 3 ngày (có thể do tái nhiễm) nên IgM dương tính. Cũng có thể do nguyên nhân khác gây sốt phát ban (vì IgG dươ g rất thấp và sau 2 tuần lại âm tính. Nếu do nguyên nhân khác rubella gây sốt phát ban thì không gây dị tật bẩm sinh cho thai. Nếu do tái nhiễm  Rubella thì nguy cơ hội chứng Rubella bẩm sinh  ở thai này < 1%. Trong trường hợp này vợ bạn nên tiếp tục thai kỳ. Thân ái  chào bạn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Mai thân mến,

Tất cả các kết quả xét nghiệm bạn đã nêu là trong giới hạn bình thường. Nhóm máu O, Rhesus âm, đường huyết bình thường. Chưa bị nhiễm Viêm gan B, HIV và Giang mai.

Vì bạn đã tiêm ngừa Rubella trước mang thai nên đã có kháng thể IgG.

Bạn có thể dinh dưỡng phù hợp với người mang thai.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Cẩm Tú thân mến,

Trước hết xin chia buồn cùng bạn vì cháu bé trước bị Rubella bẩm sinh. 

Bạn đã từng bị nhiễm Rubella rồi thì lần mang thai sau không lo sợ cháu bé bị ảnh hưởng do bệnh này. 

Những lọai thuốc bạn dùng có hai loại: Certirizin và Prednison không tốt cho thai nhi nếu dùng kéo dài trên 7 ngày.  Tuy nhiên với  liều dùng ngắn ngày (7liều) thì chưa ghi nhận bất thường rõ ràng và cũng không có chỉ định kết thúc thai kỳ sớm.

Bạn cần hết sức thận trọng về việc sử dụng mỹ phẩm khi mang thai, đặc biệt là loại mỹ phẩm mới.

Trước hết, vì thai bạn đang có tình trạng dọa sẩy thai nên bạn cần dưỡng thai tích cực. Ngòai  ra, việc khám thai định kỳ và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm để đánh giá sức khỏe mẹ và con là điều cần thiết. Thân ái chào bạn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Truyện thân mến,

Rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức hoặc sởi 3 ngày, triệu chứng là sốt phát ban kéo dài 3 ngày rồi tự hết. Có khoảng 50% trường hợp người bị nhiễm rubella nhưng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Do vậy, thường chẩn đoán bệnh dựa trên xét nghiệm Rubella IgM và IgG. Với thai 8 tuần và kết quả xét nghiệm Rubella như trên nghĩ rằng bạn đã từng bị nhiễm rubella trước khi mang thai. Vì thông thường sau nhiễm rubella, IgM dương tính sau 3 – 5 ngày nhiễm và trở về âm tính sau 8 – 10 tuần. Riêng IgG dương tính tồn tại kéo dài. Tuy nhiên có 1 số ít trường hợp IgM trở về âm tính khá sớm. Nếu nghi ngờ bạn có thể XN lại IgG sau 2 tuần, nếu mới nhiễm, nồng độ IgG sẽ tăng gấp 4 lần so với giá trị ban đầu.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Le Hong thân mến,

Trước hết xin chúc mừng cháu bé thứ 1 của bạn không bị di chứng nào sau khi bị viêm màng não. Với xét nghiệm trên chứng tỏ bạn đã từng bị nhiễm HSV, tuy nhiên không rõ bị từ lúc nào. Các xét nghiệm cho bé tại BV Nhi Đồng 1 lần trước có thể trả lời cho bạn là cháu bị viêm màng não do nguyên nhân gì.

HSV có 2 type: HSV- 1: gây bệnh mụn rộp ở vùng miệng, lưỡi, mặt. HSV- 2 gây bệnh vùng hậu môn sinh dục. Biết rằng nếu người mẹ bị nhiễm HSV lần đầu tiên trong khỏang thời gian gần ngày sinh thì nguy cơ truyền bệnh cho bé từ 30 – 60%. Nhưng nếu người mẹ bị tái nhiễm thì nguy cơ chỉ còn 3%, và nếu  không có sang thương bóng nước thì nguy cơ < 1%. Với những thai phụ có nhiễm HSV khi sinh tránh thực hiện những thủ thuật như sinh hút, sinh kềm và nếu đang có những bóng nước vùng sinh dục (nghĩ do HSV) trong khi chuyển dạ, bác sĩ có chỉ  định mổ lấy thai để tránh lây truyền cho bé.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Anh Thư thân mến,

Người mẹ đang mang thai nếu dùng Phenobarbital có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi do thuốc có thể qua nhau đến gan, não và các cơ quan của bé yêu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào cho thấy nếu người cha uống thuốc này thì ảnh hưởng đến thai. Bạn có thể mang thai và sinh con theo kế hoạch nhé. Chúc bạn và gia đình hạnh phúc.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Phương thân mến,

Với thai 5 tháng các cơ quan đã hình thành và hòan thiện, do vậy thai nhi không còn bị dị tật bẩm sinh do tác động bởi các yếu tố khác nhau. Từ tháng này trở đi, thai nhi phát triển theo chiều hướng tăng trọng. Bạn đang  bị viêm hô hấp trên, tình trạng hiện tại có vẻ nặng nề. Người mẹ bị hô hấp nặng có thể gây một số ảnh hưởng đến thai kỳ như: sinh non, nhiễm trùng bào thai, thai suy dinh dưỡng. Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp để khám và điều trị bệnh. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Hùng thân mến,

Trong trường hợp của vợ bạn có sự chuyển đảo huyết thanh của IgG từ âm sang dương (ngày 26/03 IgG âm và ngày 09/04 IgG dương), có sự gia tăng  của IgG từ 23.73 đến 121.6 IU/ml chứng tỏ là có nhiễm rubella nguyên phát từ ngày 25/03.

Đến ngày 23/04 thai vợ bạn được 9.5 tuần tuổi, như vậy vào  thời điểm nhiễm thai được 5 tuần tuổi. Nguy cơ hội chứng rubella bẩm sinh trong trường hợp này là 90%.

Rất tiếc là vợ chồng bạn chưa chuẩn bị tiêm ngừa trước khi mang thai. Để chuẩn bị tốt cho lần mang thai sau, hai vợ chồng bạn nên khám sức khỏe đầy đủ và tiêm ngừa 1 số bệnh cần thiết (tùy vào đã có kháng thể chưa mà bác sĩ sẽ khuyên nên tiêm ngừa loại bệnh nào). Mong kết quả tốt đẹp ở lần mang thai sau. Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Lan Anh thân mến!

- Trước tiên cần xác định chính xác là em có thai hay không đã: que thử (thử bằng nước tiểu) có thể không chính xác, tuy nhiên thử cả 2 lần đều lên 2  vạch thì có lẽ em đã có thai thật rồi. Nhưng muốn biết chắc chắn em hãy xin bác sĩ thử máu cho em.

- Khi mới có thai, thai không nằm ngay trong lòng tử cung mà phải mất một thời gian di chuyển từ vòi trứng vào lòng tử cung, trên đoạn đường di chuyển này, vì một lý do nào đó mà thai bị kẹt lại ở vòi trứng luôn, không vào tử cung được thì sẽ gây nên tình trạng được gọi là thai ngoài tử cung. Ở giai đoạn đầu, khi siêu âm chưa thấy thai trong tử cung thì chưa yên tâm được, vẫn phải cảnh   giác với thai ngoài tử cung, nhất là khi có dấu hiệu đau bụng, ra máu--> phải vào bệnh viện ngay để được theo dõi và chẩn đoán xem đó là thai ngoài tử cung hay sảy thai sớm.

- Trường hợp của em nên được theo dõi kỹ, vì nếu là sảy thai sớm thì không phải mổ, nhưng nếu là thai ngoài tử cung thì có thể sẽ phải mổ (nếu không đủ điều kiện điều trị nội) và nếu không được theo dõi kỹ, khi khối thai vỡ có thể gây choáng do mất máu và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Như vậy nhất thiết em phải đến bệnh viện khám và theo dõi kỹ lưỡng.

BS. CKII. Bùi Thanh Vân
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
23tháng 04
Bạn Nguyễn Trinh thân mến,

Với xét nghiệm Rubella IgG >500 và IgM 0,28 chứng tỏ bạn đã từng bị nhiễm rubella và hiện giờ đã có kháng thể bảo vệ.

Đau bụng khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: dọa sẩy thai, rối loạn tiêu hóa, cơn đau quặn thận…Rubella không ảnh hưởng đến đau bụng. Hở eo tử cug có thể gây sẩy thai nhanh chứ không gây đau bụng kéo dài.

Một người phụ nữ bình thường khi mang thai vẫn có nguy cơ thai nhi bất thường 1/800 – 1/1000 trường hợp. Vì vậy, bất cứ 1 bà mẹ nào khi mang thai đều cần phải khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm + siêu âm để sàng lọc và chẩn đoán sức khỏe của mẹ và thai.

Nếu bạn Trinh được chẩn đoán hở eo tử cung thì nên được khâu eo tử cung ở tuổi thai 15 – 18 tuần tuổi.

Chúc bạn và bé khỏe.

TS. BS Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A- Bệnh viện Từ Dũ

Chào em

Tốt nhất em nên đi khám thai để được khám và siêu âm lại xem tình trạng thai của em có phát triển tốt không. Nếu trong siêu âm: có phôi thai, tim thai (+), thì mới tiếp tục dưỡng thai tiếp được.

Có ra huyết ít đó là dấu hiệu báo động cần chú ý về chế độ sinh hoạt phải nhẹ nhàng. Em nên đi khám thai kiểm tra nhé.

BS. CKI. Trương Thị Ngọc Bích
Khoa Sanh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ