tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Em Huệ thân mến,

Với tuổi thai 13 tuần, kết quả Rubella: IgM âm tính và IgG dương tính 500 UI/ml cho biết là em đã từng nhiễm Rubella trước thời điểm xét nghiệm tối thiểu 8 tuần (vì IgM âm tính), nhưng vào thời điểm đã có thai hay không thì chưa xác định được. Nếu em có ghi nhận rõ thời điểm sốt phát ban hoặc tiếp xúc với người bệnh rubella thì có thể xác định khoảng thời gian em bị nhiễm rubella. Nếu em không ghi nhận gì cả và lo lắng nhiều thì có thể chọc ối xét nghiệm RT- PCR của Rubella trong dịch ối, IgM trong máu rốn bé. Tuy nhiên, các xét nghiệm này thực hiện ở tuổi thai từ 18 – 22 tuần.

TS.BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A- Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Em đã đi khám bác sĩ chuyên khoa thì việc chỉ định khâu eo tử cung và dùng thuốc là có cơ sở rồi. Em đừng lo nghĩ nữa.

Về lý thuyết, bất cứ thủ thuật nào ở phụ nữ mang thai cũng có những ảnh hưởng nhất định cho cả mẹ và con về mặt sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, nếu được tiến hành ở cơ sở sản khoa tin cậy thì tỉ lệ ảnh hưởng cho mẹ và con sẽ ở mức thấp nhất. Từng trường hợp sẽ được tư vấn kỹ lưỡng và cụ thể trước thủ thuật.

Các thuốc được bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho thai phụ thường đã được cân nhắc lợi – hại. Hai thuốc em nêu có tác dụng giảm cơn gò tử cung và tăng mức độ an toàn cho thai.

Chúc vui.

ThS.BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Các bạn em đã nói rất đúng là em phải đi khám thai lại mới chẩn đoán chính xác tình trạng hiện tại của em, nhất là em lại có bệnh tim thông liên thất bẩm sinh. Mong em sắp xếp thời gian để đi khám sớm nhất vì hiện tại thai đã 35 tuần.

ThS.BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào anh,

Theo mô tả của anh thì vợ anh đã có miễn dịch với Rubella sau nhiễm tự nhiên. Hiện tại, vợ anh có thể mang thai mà không sợ ảnh hưởng của rubella lên thai kỳ.

Thân mến.

ThS.BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Độ sáng tối của màn hình siêu âm có thể điều chỉnh trên máy. Hình ảnh sáng trắng trên siêu âm tương ứng với các dạng mô đặc như xương, dạng hơi như hơi trong ruột. Những trường hợp mắt thai nhi bị đục thủy tinh thể sẽ thấy sáng hơn bình thường, tuy nhiên, bác sĩ siêu âm phải nhiều kinh nghiệm mới có thể kết luận được.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Mộng Thu thân mến,

Các số đo siêu âm như trên là phù hợp với tuổi thai theo kinh cuối (22 tuần).

Vách ngăn không hoàn toàn trên tử cung có thể gây sinh non, sẩy thai, ngôi thai bất thường. Người phụ nữ có vách ngăn không hoàn toàn nếu thuận lợi cho cuộc chuyển dạ sinh vẫn có thể sinh ngã âm đạo được. Trong trường hợp ngôi bất thường như ngôi ngang thì phải mổ lấy thai. Ngôi mông là sinh khó nên tỉ lệ mổ lấy thai có cao hơn so với ngôi đầu. Để  tránh tình trạng sẩy thai hoặc sinh non, người mẹ cần nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống vẫn như các bà mẹ khác. Ngoài lịch khám thai định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường như tử cung gò nhiều, đau bụng, ra huyết, thai máy yếu là phải đi khám thai ngay. Chúc vợ chồng bạn được mẹ tròn con vuông.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em, 

Các số đo siêu âm trên phù hợp với tuổi thai 18 tuần 2 ngày. Thông thường với thai < 18 tuần nhau trưởng thành độ 0.  Trong trường hợp này nhau trưởng thành độ 2 là “già” hơn so với tuổi thai . Lúc thai của Tuyết Trinh 16 tuần nhau trưởng thành độ 0, đến 18 tuần lại trưởng thành độ 2 có lẽ donhầm lẫn trong đánh máy. Nếu nhau có độ trưởng thành vượt quá so với tuổi thai thì có  khả năng thai sẽ bị suy dinh dưỡng vì lưu lượng máu đến thau sẽ giảm. Em có thể siêu âm lại 1 lần nữa để kiểm tra độ chính xác của kết quả.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Em gái thân mến, 

Có nhiều nguyên nhân gây thai ngoài tử cung và sẩy thai như chị em đã trải qua. Để chuẩn bị cho lần mang thai sau, chị em nên đi khám tại cơ sở y tế để được thăm khám toàn diện (có viêm nhiễm phụ khoa, bệnh lý nội khoa, huyết học, thiếu máu,  nhiễm trùng…). Từ đó, mới có hướng xử trí kịp thời và tiên lượng cho lần mang thai sau, em nhe.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào em,

Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Em chưa sinh bé mà đã sợ không có sữa cho bé rồi. Không nên như vậy, em gái thân mến.

Trạng thái tâm lý của bà mẹ cũng ảnh hưởng đến sự tiết sữa, em ạ. Phải có niềm tin rằng mình sẽ đủ sữa cho con, bắt đầu từ việc chăm sóc trong thai kỳ và ngay sau sanh. Hầu hết những bà mẹ khỏe mạnh, quá trình sanh không có sự cố gì đặc biệt  đều có thể đủ sữa cho em bé bú trong 4- 6 tháng đầu sau sanh.

Khi đi khám thai và sau khi sanh, em sẽ được nhân viên y tế tư vấn về cách nuôi con bằng sữa mẹ để đạt hiệu quả tốt nhất.

Trong những trường hợp khác, thì tùy từng bà mẹ và em bé cụ thể, sẽ có tư vấn thích hợp riêng.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào em,

Vợ em đã từng bị thai lưu nên việc đi khám lại trước khi có thai lần sau là việc làm đáng hoan nghênh.

CMV IgG  là chỉ số về kháng thể G (Immunoglobulin G) đối với một loại virus có thể gây nhiễm trùng bào thai là cytomegalovirus (CMV). Kết hợp chỉ số CMV IgM âm tính, kết quả này nói lên rằng trước đây em đã từng bị nhiễm loại virus này (không xác định được thời điểm) và hiện tại cơ thể em đã có kháng thể.

Như vậy, kế hoạch có con sắp tới của vợ chồng em có thể an toàn đối với các nguy cơ từ loại virus này. Em có thể được tư vấn cụ thể thêm về hiện trạng của vợ em khi đến khám ở bác sĩ lần sau nhe.

Chúc hai vợ chồng vui, ăn uống đầy đủ và sớm có baby khỏe mạnh như mong muốn!

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào em,

Theo như cháu mô tả thì có thể em đã bị sẩy thai tự nhiên vào năm ngoái. Một sản phụ 36 tuổi, tiền căn sẩy thai thì lần mang thai này chắc chắn phải được khám tiền sản kỹ lưỡng.

Hiện nay, thai em mới 6 tuần tuổi, cháu nên đến khám tại các cơ sở y tế sản khoa có đơn vị tư vấn và chẩn đoán tiền sản như bệnh viện Từ  Dũ, Hùng Vương… để được khám toàn diện và tư vấn cụ thể về qui trình chẩn đoán tiền sản, các lợi ích, nguy cơ, tai biến có thể xảy ra… với từng kỹ thuật tầm soát trên từng cá nhân cụ thể, em ạ.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào em, 

Ngày dự sanh thai nhi là tính khi thai nhi vừa tròn 40 tuần tuổi thai.
Có thể được tính theo ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng (đối với người có kinh đều đặn, chu kỳ 28 ngày và nhớ chính xác ngày kinh). - Ngày dự sanh được tính theo ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng theo công thức:
  - Ngày + 7
  - Tháng – 3
  - Năm + 1

Hoặc dựa vào siêu âm 3 tháng đầu (độ chính xác cao, sai số chỉ 3 ngày).
Nếu có sự sai biệt > 7 ngày giữa 2 cách tính thì các bác sĩ sẽ dựa vào siêu âm 3 tháng đầu.
Đối với các thai phụ không nhớ ngày kinh cuối hoặc kinh không đều, không có siêu âm 3 tháng đầu thì lúc này các bác sĩ sẽ tính tuổi thai dựa vào siêu âm 3 tháng giữa (với sai số 7 – 10 ngày).

Ngày dự sanh đã được tính từ đầu là sẽ không thay đổi.
Không thể dựa vào siêu âm 3 tháng cuối để  tính tuổi thai vì sai số khá lớn (2 – 3 tuần).
Nhau vôi hóa độ III ở thai > 37 tuần là bình thường.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - BV Từ Dũ

 

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ