tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
Chào em,

Thai 13 tuần là nằm trong khoảng thời gian cần làm các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh như siêu âm độ mờ da gáy, xét nghiệm máu Double test; nếu em đến khám thai lần đầu thì cần được tư vấn làm các xét nghiệm tổng quát cần thiết cho thai kỳ như tổng phân tích tế bào máu, rubella, HbsAg, Bw, HIV…và một số xét nghiệm bổ sung khác tuỳ theo kết quả khám lâm sàng.

U xơ tử cung kết hợp thai cần được thăm khám kỹ và có đủ thông tin về mẹ (mang thai lần thứ mấy, tiền căn bệnh lý nội ngoại khoa, kích thước và vị trí của u xơ tử cung…) để tư vấn về các nguy cơ cho thai (như sẩy thai, sanh non, thai suy dinh dưỡng, ngôi bất thường…) và nguy cơ cho mẹ (u gây đau, u thay đổi kích thước và biến đổi thoái hoá trong thai kỳ, u thành tiền đạo khi chuyển dạ…).

Bổ sung thuốc sắt trong suốt thai kỳ là điều cần thiết. Việc bổ  sung canxi tuỳ theo kết quả thăm khám thai phụ về các triệu chứng thiếu hụt canxi trước mang thai hay lúc khám hiện tại mà có chỉ định thích hợp. Thông thường canxi được khuyến cáo bổ sung cho thai phụ khoẻ mạnh từ tuần thứ 16 trở  đi.

Lần khám sau em nên hỏi trực tiếp bác sĩ khám ngay khi được thăm khám từ đầu, em nhé.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Thai em 13 tuần 1 ngày là nằm trong khoảng thời gian làm các xét nghiệm để tìm các bất thường thai nhi như siêu âm độ mờ da gáy, xét nghiệm máu (double test). Tuỳ theo kết quả các xét nghiệm này mà sẽ có thời điểm hẹn khám lại phù hợp. Em kiểm tra lại xem em đã làm xét nghiệm máu chưa và ngày hẹn lấy kết quả là ngày nào.

Thông thường sau khi khám thai, tuỳ theo tình trạng sức khoẻ mẹ và thai, bác sĩ sẽ hẹn ngày khám cho lần sau.
Thân mến.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị, 

Chị có chẩn đoán là dư ối, chứng tỏ số đo lượng nước ối vượt quá mức bình thường, nhưng ở mức độ nhẹ (mức độ nặng hơn gọi là đa ối).

Dư ối ở tuổi thai 28 tuần do nhiều nhóm nguyên nhân, nhiều nhất là có sự bất thường trong quá trình trao đổi chất giữa thai nhi và phần phụ của thai (nước ối, bánh nhau...), có thể gặp do bất thường di truyền của thai, mẹ bị tiểu đường, đa thai, thiếu máu thai nhi..., một số trường hợp  không xác định được nguyên nhân chính xác và lượng nước ối sẽ được điều chỉnh về bình thường trong quá trình phát triển của thai nhi và sức khoẻ mẹ ổn định. Nếu chị có theo dõi thai kỳ và đã làm các kết quả tiền sản trước tuổi thai này và cho kết quả bình thường thì chị không cần lo lắng nhiều, bởi vì nguyên nhân do bất thường di truyền của thai nhi đã được loại trừ.

Hiện tại chị cần nghỉ ngơi nhiều vì dư ối làm bà mẹ mau mệt hơn so với người có cùng tuổi thai, tiếp tục khám thai theo hẹn để theo dõi sự phát triển của thai và diễn tiến của nước ối.

Chúc chị khỏe.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Nếu theo siêu âm thì ngày thụ tinh của thai kỳ này là ngày 26/9. Như vậy cách ngày cuối cùng em dùng thuốc khoảng 1 tuần nên gần như sẽ không ảnh hưởng đến thai. Để theo dõi tốt hơn cho thai, em nên khám thai định kỳ tại Bệnh viện chuyên khoa Sản. Thân mến.

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Minh Tâm thân mến,

Bạn trễ kinh 18 ngày (ngày đầu kinh cuối 12/08 và đến 30/09 bạn thử que).Kết quả thử quick stick dương tính yếu (gạch trên đậm và gạch dưới lợt) là có thai. Kinh bạn không đều nên khó tính được tuổi thai. Bạn có thể khám thai để được xác định tuổi thai sớm, từ đó tính được ngày dự sinh của bạn.

Thân ái chào bạn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Liên Phương thân mến,

Bạn có sốt phát ban lúc thai gần 16 tuần, khoảng thời gian này nếu có nhiễm rubella thì nguy cơ thai nhi bị hội chứng rubella bẩm sinh là không cao (#10- 15%).

Sau phát ban 10 ngày kết quả xét nghiệm của bạn cả IgM và IgG đều dương tính, nhưng IgM thấp = 3.70(<0.80 index;s/cos). Để so sánh giá trị của 2 kết quả, cần thiết phải xét nghiệm ở cùng 1 phòng xét nghiệm và cùng 1 đơn vị tính. Kết quả xét nghiệm lần 2 của bạnIgM= 218,521 (u/ml) không cùng đơn vị với xét nghiệm lần 1, như vậy khó đánh giá luôn cả IgG, và vì bạn  không cho biết hai lần này có cùng 1 phòng xét nghiệm hay không, do đó cũng chưa thể nhận định là lần phát ban vừa qua có phải là nhiễm rubella hay không.

Bạn đã từng xét nghiệm rubella ở tuổi thai sớm hay không ? (# 7-8  tuần). Nếu có thì dễ dàng lý giải kết quả lần sau. Hy vọng thai của bạn không bị ảnh hưởng gì. Thân ái chào bạn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Thùy Oanh thân mến,

Có 2 lý do khiến nghĩ nhiều đến bạn đã có kháng thể rubella trước mang thai :

- Bạn tiêm ngừa trước nhập cảnh định cư ở Mỹ. Hiện nay, các nước tiên tiến như Mỹ tiêm phòng MMR (sởi- quai bị- rubella) cho toàn bộ những người nhập cư..

- Có triệu chứng sốt phát ban trước khi mang thai.

Hiện tại em nên tiếp tục thai kỳ và theo dõi khám thai đều đặc theo hẹn của  bác sĩ

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Hồng Hạnh thân mến,

Kỳ kinh cuối của bạn 30/07/2011, siêu âm ngày 6/09/2011 thai 4 – 5 tuần thì  tính đến 27/09/2011 thai sẽ là 7 – 8 tuần. Như vậy phải thấy phôi thai và tim  thai qua siêu âm. Để xác định 1 lần nữa có phải là thai đã ngưng tiến triển hay không bạn cần siêu âm đầu dò âm đạo lại. Nếu kết quả vẫn như trên thì thai đã ngưng tiến triển.   

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Hồng Duyên thân mến,

Khi mang thai cho dù thai giai đoạn sớm, dọa sẩy hoặc ngay cả thai ngoài tử cung thì thử Quick Stick vẫn dương tính (2 gạch). Sau sẩy thai vài ngày nồng độ beta hCG  trong máu vẫn còn ở ngưỡng dương tính của que thử. Bạn trễ kinh 10 ngày, thử 2 lần đều âm tính thì ít nghĩ đến bạn mang thai (trừ trường hợp nước tiểu bạn pha loãng với nước hoặc que thử bị lỗi có thể làm cho âm tính giả). Một số trường hợp nội mạc tử cung dày do pha tăng trường của nội mạc tử cung kéo dài, khi đến ngày kinh, nội mạc bong ra và  mô này dai làm nhiều người nhầm với mô thai sẩy.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Ái Duyên thân mến,

Với thai 5 tuần 3 ngày tuổi, kết quả xét nghiệm Rubella và CMV như trên là không ngại ảnh hưởng của 2 bệnh này trên thai kỳ, vì bạn đã có kháng thể và bạn đã từng nhiễm trước khi mang thai. Cho dù 1 thai phụ không bị bệnh lý gì và tuổi trẻ (< 30) thì thai kỳ vẫn có nguy cơ dị tật bẩm sinh. Do vậy, việc sàng lọc bất thường thai nhi là áp dụng cho tất cả các thai phụ. Em vẫn có thể tiếp tục thai kỳ này và nên theo dõi  khám thai định kỳ. Với triệu chứng ngứa ở hai bàn tay và hai bàn chân sau dùng  thuốc nghĩ nhiều do dị ứng với thành phần nào của thuốc.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
  Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Kim Ngân thân mến,

Qua 2 lần xét nghiệm chỉ có thể trả lời là lần sốt lúc thai 15 tuần không nghĩ do nhiễm rubella. Bạn đã có kháng thể từ trước tuy nhiên không chắc chắn lắm là trước hay sau mang thai. Vì bạn không thuộc nhóm nguy cơ cao (không ghi nhận tiền căn tiếp xúc với người nhiễm rubella hoặc có sốt phát ban lúc thai  < 10 tuần) nên không cần thiết phải xét nghiệm thêm nữa. Hiện tại bạn cần theo dõi khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm khi được bác sĩ yêu cầu.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Mai thân mến,

Trước hết bạn không nên lo lắng căng thẳng quá nhiều. Thai của bạn đã đến tuần 36 là gần ngày dự sinh. Bạn cần tâm lý thoải mái để cho bé tốt hơn. Tuần lễ 34 thai kỳ sai lệch số đo siêu âm so với tuổi thai 2 tuần là chấp nhận được. Não thất bên thai nhi ở mức ≤ 11 mm không đáng lo lắm. Nói chung là bạn vẫn theo dõi thai kỳ đến ngày sinh. Chúc bạn được mẹ tròn con vuông.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ