banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Xin bác sĩ tư vấn cho!

Hỏi - 16/11/2009

Vì em lần đầu mang thai nên co nhiều thắc mắc rất muốn đc giải đáp. Nhưng mọi lần đi khám đều rất đông nên không tiện cho việc hỏi nhiều. Vì thế kính mong bác sĩ giải thích giúp em những thắc mắc của em.

1. tháng vừa rồi em đi siêu âm thai có kết quả như sau :

Ngôi thai : mông (Nghĩa là sao ạ?)

ĐKLĐ : 6.8 cm

CDXĐ : 5.0 cm

ĐKNB :6.4 cm

=> có thể biết đc em bé của em đc bao nhiêu kg không ạ? Với thai #27 tuần thì em bé như vậy có nhỏ không? Em trước khi lập gđ là 45kg, đc nửa năm còn 43kg thì có thai. Hiện nay thai đc #31 tuần rồi, vậy em tăng cân như thế có ít không ạ?

2.  Kết quả siêu âm có chỉ số nước ối #11, vậy em có bị thiếu ối không ạ? Vì nhiều khi em sờ vào bụng thấy bé gò lên mà em có cảm giác như sờ đc bộ phận tay chân của bé ấy. Thỉnh thoảng em thấy thốn ở phía dưới như bụng bị kéo căng ra, có khi đi đại tiện có cảm giác đau như vậy => đây là điều có bình thường không ạ?

3. Kết quả siêu âm nói trong bánh nhau có nhiều hồ huyết, việc này có ảnh hưởng gì thai nhi không bác sĩ?

4. Kết quả siêu âm nói vì thai nhi lớn nên hạn chế khảo sát hình thái học thai, có nghĩa là hạn chế làm gì ạ?

5. Trong kết quả xét nghiệm nước tiểu, Nitrite có kết quả là Dương tính, vậy có sao không bác sĩ?

6. Trong kết quả xét nghiệm máu, MCV : 78.6, MCH : 27.7 => bác sĩ có dặn kiểm tra lại bảng huyết đồ của chồng nhưng hiện em chưa đi khám lại đc để gửi kết quả cho bác sĩ, nhưng theo kết quả đi khám của chồng em thì MCV : 86, MCH  : 30.8 => vậy có nghĩa là em không phải lo lắng việc di truyền bệnh thiếu máu sang cho con đúng ko ạ? (theo như em đã đọc phần trả lời của bác sĩ cho 1 chị đã hỏi)

7. em thấy mỗi khi đi lại hay lên xuống cầu thang nhiều thì có vẻ căng, thốn ở bụng dưới, rất khó chịu. Hay đi lại nhiều thì rất đau lưng, đứng lên, ngồi xuống khó khăn. Vì vậy em không dám tập thề dục. Cũng có hôm em thử đi bộ qua lại khoảng 15 nhưng cũng đau lưng, không biết đó là điều bình thường hay không. Mà không tập thể dục thì em sợ không có sức để sinh con. Mẹ chồng em cứ nhắc nhở em tập thể dục hoài. Làm em cũng lo lắng. Mong bác sĩ cho em lời khuyên!

8. Có phải mỗi thai phụ chỉ tiêm 2 mũi VAT (có phải ngừa uốn ván?) không ạ? Tháng vừa rồi em đi khám đã tiêm đủ. Tháng này đến hôm nay là ngày khám nhưng em chưa thu xếp đc việc để đi khám, phải sang tuần em mới đi đc, không biết có sao không?

Em có nhiều thắc mắc quá, kính mong bác sĩ đừng cười và giải đáp cho  em . Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Trả lời

Chào em,

1. Các số đo siêu âm ở thai 27 tuần như em kể trên là tương xứng tuổi thai, riêng số đo ĐKNB có nhỏ hơn so với ĐKLĐ có nguy cơ thai nhi chậm phát triển. Em cần ăn uống bồi dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ.

Cân nặng em trước khi mang thai 43 Kg, không biết chiều cao em như thế nào, dựa vào chỉ số BMI để tính xem người mẹ thuộc nhóm nhẹ cân, vừa cân hoặc nặng cân mới có thể ước tính tăng cân của mẹ bao nhiêu là vừa.

Chỉ số BMI được tính như sau:

  BMI = cân nặng(Kg)/ chiều cao(m2)

  BMI  < 19.8 kg/m2: gầy, nhẹ cân, suy dinh dưỡng
  BMI  > 26 kg/m2: dư cân, mập mạp

Suốt thai kỳ, với người mẹ thuộc nhóm gầy thì cần tăng khoảng 13 – 16 Kg là vừa. Với người mẹ thuộc nhóm dư cân, mập mạp thì tăng khoảng 8 – 10 Kg là được. Trung bình tăng khoảng 12 – 14 Kg.

2. Chỉ số ối là ước tính gián tiếp về thể tích dịch ối qua siêu âm, kết quả siêu âm chỉ số ối 11cm là bình thường. Ôi giảm nếu chỉ số ối 6-7cm;  thiểu ối khi chỉ số ối <5cm; vô ối  khi chỉ số ối 1-2cm. Thai nhi từ tháng thứ 7  trở đi, khi thai máy, người mẹ có thể sờ thấy các phần thai như em đã mô tả. Những tháng cuối thai kỳ, các khớp vùng chậu dãn nở nên người mẹ có cảm giác đau khi thay đổi tư thế, thường đau tại vị trí khớp vệ hoặc khớp háng.

Riêng cảm giác đau bụng do cơn gò tử cung thì khác, cảm giác đau từng cơn, khi đau bụng gò cứng lên, 10  phút có từ 2 – 3 cơn, với dấu hiệu đau như trên là chuyển dạ sinh, cần phải vào viện ngay.

3. Hồ huyết bánh nhau thường không ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi.

4. Siêu âm là phương rất tốt để khảo sát hình thái học thai nhi. Tuổi  thai thích hợp để khảo sát hình thái thai nhi là 20 – 24 tuần, lúc này thai nhi vận động tay chân dễ dàng trong buồng ối tương đối nhiều nên việc khảo sát thai nhi thuận lợi (nước ối là cửa sổ để khảo sát thai nhi). Khi thai nhi lớn >28 tuần, thai nhi đã lớn chiếm gần hết buồng tử cung, cử động tay chân thai nhi có phần hạn chế, do đó việc khảo sát hình thái sẽ khó khăn hơn. Việc chẩn đoán thai nhi có bất thường gì hay không nên được khảo sát ở tuổi thai 22 – 24 tuần là tốt nhất. 

5. Nitrite (được sản xuất bởi một loại vi khuẩn) có trong nước tiểu đồng nghĩa với việc thai phụ có thể mắc nhiễm trùng đường tiểu. Nếu bạn có kèm một số triệu chứng như tiểu lắt nhắt, nhiều lần, tiểu buốt, tiểu gắt là rõ rang của nhiễm trùng đường tiểu dưới. Với xét nghiệm cấy nước tiểu có thể xác định them tình trạng nhiễm trùng này.

6.Chúc mừng em vì xét nghiệm của chồng em trong giới hạn bình thường. Với kết quả này thì không nghĩ đến tình trạng bệnh lý tán huyết thai nhi (Thalassemia). 

7. Các bài tập thể dục như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe tại chỗ là phù hợp với thai phụ. Tuy nhiên đối với một số trường hợp không nên tập luyện vì sợ sinh non: hở eo tử cung (có tiền căn sẩy thai hoặc sinh non liên tiếp), ra huyết âm đạo, ra nhớt hồng, nhau tiền đạo, vết mổ cũ 2 lần trở  lên.

8. Với người mang thai lần đầu chưa từng tiêm VAT mũi nào cần tiêm 2 mũi trong thai kỳ, với người con rạ thì chỉ cần tiêm 1  mũi mà thôi. Lịch tiêm VAT như sau:

  - VAT 1:  càng sớm càng tốt
  - VAT 2: cách VAT 1 tối thiểu 1 tháng (≥ 30 ngày) vào trước sinh 1 tháng.
  - VAT 3:  ở thai kỳ sau, cách VAT 2 tối thiểu 6 tháng  (≥ 180 ngày).
  - VAT 4: ở thai kỳ sau, cách VAT tối thiểu 1 năm
  - VAT 5: ở thai kỳ sau, cách VAT thối thiểu 1 năm.

Với những phụ nữ đã tiêm đủ 5 mũi VAT, nếu mũi tiêm cuối cùng >10 năm thì cần nhắc lại 1 mũi.

Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ