banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Tiêm ngừa cho bé sơ sinh

Hỏi - 03/06/2014
Chào bác sĩ,

Em sinh thường tại bệnh viện Từ Dũ ngày 02/05/2014 , bé đã được tiêm ngừa lao vào ngày 03/05/204 , nhưng chưa tiêm ngừa viêm gan B do hết thuốc, em tìm hiểu thì biết được tiêm ngừa viêm gan B khi trẻ được 2 tháng phải không ạ? Bây giờ con em được 1 tháng rồi, và mấy hôm nay chỗ chích ngừa lao bị sưng và có mũ, làm bé sốt nhẹ , và giờ em muốn cho bé chích viêm gan B luôn được không ạ ( vì gia đình ở xa , nên việc đi lại khi bé còn nhỏ rất khó) Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ . Chân thành cảm ơn !!!

Trả lời
Chào bạn Khuê Anh! 

Tiêm ngừa lao và viêm gan B được thực hiện ở trẻ >=2500gr trong 24 giờ đầu sau sinh khi sinh hiệu ổn. Con bạn tại thời điểm khi sinh bệnh viện hết thuốc ngừa viêm gan B nên trẻ không được tiêm. Theo qui định chương trình tiêm chủng quốc gia trẻ khi sinh chưa được tiêm ngừa viêm gan B thì sẽ được tiêm mũi thứ 1 lúc 2 tháng tuổi cùng với các mũi bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm não do Hib. Do đó bạn nên chờ khi trẻ 2 tháng sẽ chích chung mũi 5 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm não do Hib, viêm gan B trong chương trình miễn phí QUINVAXEM) hoặc 6 trong 1 (INFANRIX HEXA trong chương trình tiêm dịch vụ), bạn nên chờ không có gì phải vội vàng và lo lắng. Cũng như các loại thuốc và vắc-xin khác, vắc-xin tiêm phòng lao có thể gây phản ứng sau tiêm chủng. Phản ứng thường gặp như: Sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ, trẻ quấy khóc, chán ăn, mệt, nổi ban hoặc nổi nốt sần nhỏ có màu da cam ở chỗ tiêm. Thông thường nốt sần xuất hiện ngay sau khi tiêm và tự mất đi trong vòng 30 phút. Khoảng 2 tuần sau, tại chỗ tiêm xuất hiện một vết loét bằng đầu bút chì rồi tự lành để lại sẹo nhỏ khoảng 5mm, điều đó chứng tỏ việc tiêm vắc-xin cho trẻ đã có hiệu quả. Viêm hạch, sưng hạch cũng có thể xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin phòng lao từ 3 đến 5 tuần và sẽ tự biến mất khoảng 1 tháng sau mà không để lại bất kỳ di chứng nào.  Trường hợp hạch to, nung mủ nhiều cần rạch tháo mủ. Bạn cần giữ vệ sinh tại nơi tiêm ngừa, tránh bôi xát chanh hoặc đắp bất kỳ loại thuốc nào vào chỗ tiêm.

Thân mến!

BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ