banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Mong bác sĩ tư vấn thụ tinh ống nghiệm

Hỏi - 14/07/2015
Xin chào bác sĩ. Vợ chồng em lấy nhau đã 11 năm, chúng em đã có một cháu gái 10 tuổi (tự nhiên). Năm 2008 em bị mổ cấp cứu chữa ngoài tử cung, lần mổ này em bị cắt vòi trứng phải, bóc nang buồng trứng trái. Em để 3 năm tự nhiên em đi khám ở bệnh viện C, kết quả vòi trứng trái thông, trứng phải tắc (do bị cắt). Sau đó em về siêu âm ở Thanh Hóa thì buồng trứng trái rất kém, em đã thực hiện kích trứng để bơm thì bên trái được 1 trứng 23mm kết quả không được, em thực hiện chu kì 2 uống thuốc 5 ngày nhưng trứng bên trái không phát triển.

Tháng 6/2014 em làm thụ tinh ống nghiệm ở phòng khám Ngọc Lan qua quá trình điều trị thuốc lấy trứng tọ phôi thì em được 7 phôi nhưng chỉ có 1 phôi độ 1, 1 phôi độ 2, và 4 phôi độ 3. Bác sĩ đã chuyển cho em 4 phôi các phôi còn lại kém nên hủy. Sau 14 ngày chuyển phôi kiểm tra không có thai.

Tháng 5/2015 em làm thụ tinh ống nghiệm lần 2. Lần này bác sĩ tăng liều cho em, khi chọc trứng em được 10 trứng trưởng thành (bên trái 1 trứng, bên phải 9 trứng) nhưng cũng chỉ được 6 phôi: 3 phôi độ 2, 3 phôi độ 3. Bác sĩ chuyển cho em 3 phôi độ 2 còn lại 3 phôi độ 3 hủy, hôm chuyển phôi nội mạc của em 12 (trước ngày tiêm ngày thuốc cuối cùng nội mạc của em cũng 12), sau 14 ngày chuyển phôi xét nghiệm máu em không có thai.

Bác sĩ cho em hỏi nguyên nhân của em là bị thế nào mà thụ tinh ống nghiệm nhưng em vẫn không đậu thai không ạ? Quá trình ăn uống sinh hoạt có ảnh hưởng đến chất lượng trứng, phôi và quá trình đậu thai không ạ? Và nếu làm tiếp thì em nên làm ngay hay nghĩ mấy tháng sau đợt điều trị vừa rồi ạ? Và lần điều trị tiếp theo em có cần kiểm tra lại vòi trứng tử cung không ạ? (Năm nay em đã 36 chồng 41 tinh trùng chồng em chỉ hơi yếu), em nghe nói nếu mổ thắt vòi trứng có thể tăng tỉ lệ thành công trong việc thụ ting ống nghiệm có đúng không ạ? Em xin chân thành cảm ơn

Trả lời
Chào bạn,

1. Tỷ lệ thành công một chu kỳ làm thụ tinh trong ống nghiệm chỉ khoảng 30-40%, không phải 100%. Do đó TTTON có thể có thai, có thể không có thai mà không tìm thấy nguyên nhân.

2. Quá trình ăn uống không ảnh hưởng nhiều đến kết quả điều trị, chỉ cần ăn uống điều độ đầy đủ các nhóm thực phẩm.

3. Trước khi tiến hành kích thích buồng trứng lại, bạn nên nghĩ ngơi khoảng 3 tháng chờ buồng trứng phục hồi.

4. Khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm không cần phải kiểm tra độ thông thương của vòi trứng.

5. Chỉ định mổ nội soi cắt vòi trứng chỉ tiến hành khi có bằng chứng rõ ràng có tình trạng ứ dịch vòi trứng (bằng siêu âm và đã được điều trị kháng sinh kháng viêm không hiệu quả).

Chúc vợ chồng bạn sớm có thai.

Bs.CKI. Đặng Ngọc Khánh
K
hoa Hiếm muộn - BV Từ Dũ