banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Hỏi về khung xương chậu.

Hỏi - 24/08/2010

Kính chào BS.

Em cao 1,53 m, lúc chưa mang thai nặng 53kg, đến nay là thai được 36 tuần, em tăng tổng cộng 11,5kg. Lúc 31 tuần, em đi siêu âm ở phòng SA Nguyễn Trãi thì em bé nặng khoảng 1,9kg, 1 vòng dây rốn.

Em xin nhờ BS tư vấn giúp em một số thắc mắc sau :

1) Từ lúc mang thai đến giờ, BS chưa bao giờ khám trong cho em (khám CTC), BS nói em sẽ sanh thường. Nhưng em rất lo không biết khung xương chậu của em có thuận lợi để sanh em bé hay không. Vì em chịu đau rất dở, em sợ đau chuyển dạ đến kiệt sức mà sanh thường không được , rồi chuyển qua mổ cấp cứu thì nguy hiểm quá. Vậy BS có thể tư vấn giúp em về vấn đề này không ah ? Nếu trường hợp bị vỡ ối sớm thì có dùng dịch vụ đẻ không đau ở Từ Dũ được không ạ ?

2) Từ tuần 32 tuần đến nay, khi ngủ trưa hoặc tối, 10 đầu ngón tay của em bị tê cứng, không nắm lại được. Em có hỏi BS thì được BS cho bổ sung canxi và 3B, em uống được 4 ngày nay nhưng tình trạng không khá hơn, bây giờ đau đến cổ tay luôn rồi. Xin hỏi BS tình trạng này kéo dài có ảnh hưởng đến thai nhi không ạ ?

3) Em tự uống thuốc Prenatal từ lúc 4 tháng đến nay, mỗi ngày 1 viên. Vậy em có cần uống thêm OBiMin theo toa của BS cho em không ạ ?

4) Nếu từ đây đến ngày sanh mà em ra huyết hồng khi chưa đau bụng chuyển dạ thì em có cần nhập viện ngay không ạ? Vì nhà em cũng gần Từ Dũ. BS tư vấn giúp em khi gặp những dấu hiệu nào thì biết là dấu hiệu chuyển dạ và nhập viện.

Em rất mong nhận được hồi âm của BS.

Em cam on

Trả lời
     
  1. Khám âm đạo được thực hiện lần đầu tiên khám thai để đánh giá về tình trạng cổ tử cung xem có polype hoặc khối u gì không, xem cổ tử cung có bị hở không, xem âm đạo có vách ngăn hoặc có nang nước không. Những lần sau đó nếu thai phụ có đau bụng, có huyết trắng hoặc có tiết dịch bất thường thì được khám âm đạo lại. Những lần khám gần ngày sinh, được khám âm đạo để đánh giá tình trạng ngôi thai, cổ tử cung, khung chậu và xem ối còn hay vỡ. Đến ngày sinh, bác sĩ sẽ ước lượng cân nặng thai nhi, ngôi thai và khám kỹ khung chậu của bạn để tiên lượng cách sinh (sinh ngã âm đạo hay mổ lấy thai). Có những trường hợp ban đầu tiên lượng là sinh thường nhưng trong quá trình chuyển dạ có những yếu tố không thuận lợi như thai suy cấp, cổ tử cung không mở, ngôi thai không lọt,.. thì sẽ có chỉ định mổ lấy thai. Bác sĩ và nữ hộ sinh sẽ theo dõi tiến trình chuyển dạ của bạn để xử trí kịp thời. Nếu bạn chịu đau kém thì có thể chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng khi vào chuyển dạ để giảm đau. Dịch vụ này vẫn có thể áp dụng nếu có ối vỡ sớm.
  2.  
  3. Tê đầu ngón tay lan đến cổ tay không nắm tay lại được có thể do hiện tượng chèn ép vùng cổ tay gây cản trở lưu thông máu. Hiện tượng này gọi là hội chứng ống cổ tay, thường xảy ra với những người làm nghề văn phòng, thường xuyên đánh máy. Bạn cần nghỉ ngơi, xoa bóp vùng cổ tay thường xuyên. Nếu bạn phù nhiều thì cần phải khám lại đánh giá tình trạng huyết áp và đạm trong nước tiểu để xem có bị tiền sản giật hay không. Bạn cũng nên ăn đầy đủ dưỡng chất và cung cấp đầy đủ vitamin và canxi để tránh tình trạng vọp bẻ và tê đầu chi.  
  4.  
  5. Prenatal và Obimin đều là những viên đa sinh tố. Vì vậy chỉ cần uống 1 loại mà thôi, với liều mỗi ngày 1 viên.
  6.  
  7. Khi bạn có 1 trong các dấu hiệu sau đây thì nên đến bệnh viện:

- Đau bụng từng cơn.

- Ra nhớt hồng.

- Ra nước âm đạo.

- Ra huyết âm đạo.

Ngoài ra, khi bạn có nhức đầu hoa mắt cũng nên vào bệnh viện ngay vì đó có thể là dấu hiệu tiền sản giật nặng.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ