Chào bạn,
Triệu chứng tê tay hoặc tê chân ở người có thai là do giảm lượng máu đến đầu chi thiếu. Nguyên nhân có thể sự chèn ép mạch máu, do co mạch hay phù nề. Điều quan trọng là đánh giá tình trạng cao huyết áp. Nếu bạn có cao huyết áp kèm theo là triệu chứng của tiền sản giật, lúc này cần đánh giá xem là tiền sản giật nặng hay nhẹ có cần thiết nhập viện hay không. Vì thế bạn cần khám để kiểm tra huyết áp và làm thêm xét nhgiệm nước tiểu. Nhân viên văn phòng hoặc những nghề phải làm việc bên máy tính thường xuyên cũng dễ bị tê tay. Tư thế nằm ngủ không đúng, nghiêng về 1 phía hoặc chèn 1 bên tay cũng dễ bị tê tay do chèn ép mạch máu. Thiếu vitamin nhóm B đặc biệt là vitamin B1 cũng dễ bị tê tay tê chân. Để giảm tình trạng này cần giải quyết nguyên nhân nếu có.Vận động đều hoặc xoa bóp để máu lưu thông dễ dàng cũng có thể cải thiện được tình trạng trên.
Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
* Sinh con gái được thưởng:
Hiện tại Bệnh viện Từ Dũ chưa nhận được một chỉ thị hay một quyết định nào của Bộ Y tế về việc sinh con gái thì được thưởng hoặc miễn viện phí. Vì vậy, việc sinh con gái tại Bệnh viện Từ Dũ chưa thể giải quyết về vấn đề thưởng hoặc miễn viện phí.
Chúc chị may mắn và hạnh phúc.Chào em,
Khi mang thai, phần lớn các thai phụ có tình trạng hơi khó thở và tức ngực. Đó là do tim tăng số lần co bóp để đưa máu đến các cơ quan cũng như tử cung. Tuy nhiên, mức độ không nặng nề như em mô tả. Em phải nằm đầu cao và thường xuyên khó thở như vậy có khả năng em bị bệnh tim thực thể. Tốt nhất là em nên đến bệnh viện để được khám và hướng dẫn đầy đủ hơn. Các bác sĩ sẽ còn phải cho em làm một số xét nghiệm, đo điện tâm đồ, siêu âm tim và khám chuyên khoa tim mạch để có chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Nước tiểu sậm màu như nước trà mặc dù em uống nước nhiều cũng là bất thường. Suy tĩnh mạch chi dưới thường làm đau và nặng chân. Khi khám chuyên khoa tim mạch em nên cung cấp đầy đủ các thông tin cho bác sĩ để được khám và điều trị đúng mức. Thân ái.
Ts. Bs Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào bạn,
Tại Bệnh viện Từ Dũ có hai loại hình sinh, bạn có thể sinh thường hoặc yêu cầu dịch vụ. Khi bạn quen 1 BS nào đó tại BV và muốn yếu cầu BS đó sinh thì bạn phải đăng ký sinh dịch vụ.
Nếu bạn không quen biết BS nào cả mà muốn đăng ký sinh dịch vụ thì BS đang trực hoặc đang làm việc tại Khoa sinh sẽ đỡ sinh hoặc mổ cho bạn thật an toàn (theo đúng chỉ định và đúng khả năng mà BV qui định). Hiện tại có rất nhiều sản phụ vào đăng ký sinh dịch vụ nhưng không yêu cầu đích danh một BS nào cả. Bạn hãy yên tâm khi vào viện chúng tôi.
Chúc bạn khỏe.
Ts. Bs. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ
Chào em,
Khi thai
còn bé, vị trí nhau bám gần cổ tử cung là bình thường. Do vậy không thể kết
luận nhau tiền đạo ở tuổi thai < 20 tuần, trừ trường hợp bánh nhau che kín
hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung. Khi thai lớn lên > 20 tuần, tử cung to dần
lên, nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ do tử cung dãn lớn ra nên khoảng cách từ
bờ dưới bánh nhau đến lỗ trong cổ tử cung cũng dài theo, tạm gọi là bánh nhau di chuyển xa cổ tử cung. Có
những trường hợp thai 24 tuần là nhau tiền đạo loại 1 nhưng khi thai đến 32
tuần nhau không còn bám thấp nữa. Trường hợp của em đến gần ngày sinh thì việc
di chuyển của bánh nhau không còn xảy ra nữa, việc xác định vị trí nhau qua
siêu âm có thể được xem như là chính xác (với điều kiện người bác sĩ siêu âm
đọc đúng). Vị trí nhau bám đáy thân là
bình thường, không phải là nhau tiền đạo.
Việc xác
định khi nào chuyển dạ sinh không thể dựa vào siêu âm được, chủ yếu dựa vào
thăm khám lâm sàng xem cổ tử cung như thế nào, ngôi đã lọt chưa, …
Nếu >
40 tuần chưa sinh, em có thể vào viện chờ sinh vì nhà xa. Đối với những thai
phụ nhà gần có thể theo dõi đánh giá sức khỏe thai nhi qua siêu âm và đo tim
thai, nếu tốt cũng phải cho nhập viện ở tuổi thai 41 tuần chứ không thể để lâu
hơn nữa.
Trong
thuốc Saferon đã có chứa sắt do vậy em không cần bổ sung thêm chất sắt nữa.
Thân chào và chúc em được mẹ tròn con vuông.