Làm gì khi có xuất huyết âm đạo sau mãn kinh

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Phòng Công tác xã hội

    Xuất huyết âm đạo sau mãn kinh có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung. Đôi khi triệu chứng xuất huyết có vẻ không nghiêm trọng, tuy vậy bạn không nên bỏ qua nó mà phải đến ngay cơ cở y tế để được kiểm tra.

     Xuất huyết âm đạo sau mãn kinh không bao giờ là bình thường

       Tình trạng mãn kinh được xác định khi một phụ nữ không có kinh nguyệt trên 12 tháng liên tục. Tuổi mãn kinh khác nhau ở mỗi người, thường xảy ra sau 45 tuổi. Bất kỳ tình trạng xuất huyết âm đạo xảy ra sau mãn kinh đều là bất thường. Biểu hiện của triệu chứng xuất huyết âm đạo sau mãn kinh rất đa dạng. Mức độ xuất huyết nhiều hoặc ít, có thể lặp lại hoặc không. Người bệnh thường không có triệu chứng bất thường nào khác đi kèm. Đôi khi tình trạng ra huyết chỉ xuất hiện 1 lần, lượng rất ít hoặc chỉ phớt hồng do đó rất có khả năng bị người bệnh bỏ qua và bỏ sót bệnh lý.

       Bất kì trường hợp xuất huyết âm đạo xảy ra sau mãn kinh đều cần được kiểm tra bởi bác sĩ chuyên khoa, thậm chí khi chỉ bị xuất huyết nhẹ hoặc bạn không chắc đó có phải là máu hay không. Triệu chứng xuất huyết âm đạo sau mãn kinh thường không nặng nề nhưng nó có thể là một dấu hiệu của ung thư. Do đó, bạn cần được khám để đánh giá nguy cơ ung thư và có kế hoạch điều trị sớm. Khả năng điều trị khỏi càng cao nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn càng sớm.

    Nguyên nhân gây xuất huyết âm đạo sau mãn kinh

       Phần lớn trường hợp xuất huyết âm đạo sau mãn kinh gây ra bởi bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng triệu chứng này cũng là một dấu hiệu của ung thư, đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung – một loại bệnh lý ác tính của tử cung. Ung thư nội mạc tử cung gặp ở 9-10% phụ nữ có xuất huyết âm đạo sau mãn kinh. Ngoài ra còn có một tỉ lệ nhỏ ung thư cổ tử cung. Do đó, ở bất kì trường hợp nào, bạn cũng cần được kiểm tra để loại trừ nguy cơ ung thư trước khi nghĩ đến xuất huyết âm đạo sau mãn kinh do các nguyên nhân lành tính khác. Phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn và hai buồng trứng là phương pháp điều trị được khuyến cáo nếu bạn phát hiện ung thư nội mạc tử cung giai đoạn sớm.

    Những nguyên nhân lành tính có thể gây ra tình trạng này bao gồm:

    • Hình minh họa - nguồn internet
      Viêm teo âm đạo hoặc teo nội mạc tử cung – Nồng độ nội tiết estrogen thấp sau mãn kinh khiến lớp nội mạc tử cung và biểu mô âm đạo trở nên mỏng đi và gây dễ chảy máu. Đây là một tình trạng lành tính, có thể điều trị được bằng thuốc.
    • Polyp ở cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung – Là cấu trúc dạng u do tăng sinh mô ở nội mạc tử cung hoặc cổ tử cung. Chúng thường là u lành tính. Tình trạng ra huyết sẽ khỏi sau khi cắt bỏ các polyp này.
    • Tăng sinh nội mạc tử cung – Là tình trạng nội mạc tử cung tăng sinh quá mức do lượng hormone Estrogen tăng cao hơn so với Progesterone. Thường gặp ở giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, ở người bệnh thừa cân, béo phì hoặc do sử dụng hormone tổng hợp để điều trị các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh. Đôi khi không tìm được nguyên nhân. Tăng sinh nội mạc tử cung có thể diễn tiến thành ung thư nội mạc tử cung nếu không được điều trị. Tùy thuộc vào loại tăng sinh nội mạc tử cung, bạn có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt tử cung.
    • Bệnh lây truyền qua đường tình dục: nhiễm Herpes, Clamydia hoặc lậu có thể gây xuất huyết âm đạo lượng ít hoặc ra huyết sau giao hợp.
    • Do thuốc: xuất huyết âm đạo có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như hormone, tamoxifen…

    Chẩn đoán bằng cách nào?

    Để tìm nguyên nhân gây xuất huyết âm đạo, bác sĩ cần khám phụ khoa, ghi nhận tiền sử bệnh lý của bạn cũng như các loại thuốc đang sử dụng. Bạn có thể cần thực hiện các xét nghiệm sau:

    • Siêu âm phụ khoa: kiểm tra các bất thường của tử cung và hai phần phụ.
    • Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (Pap smear): để đánh giá nguy cơ ung thư cổ tử cung.
    • Nạo sinh thiết nội mạc tử cung: Với xét nghiệm này, bác sĩ cần thực hiện một thủ thuật nhỏ để thu thập mẫu tế bào lớp nội mạc tử cung. Các tế bào này sau đó sẽ được kiểm tra tại phòng xét nghiệm nhằm phát hiện các bất thường như: tế bào ung thư, tăng sinh nội mạc tử cung hoặc viêm teo, nhiễm trùng.
    • Nội soi buồng tử cung chẩn đoán hoặc sinh thiết nếu cần.

    Có nhiều phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây xuất huyết:

    - Liệu pháp Estrogen: Hormone này được dùng để điều trị chứng teo âm đạo và nội mạc tử cung. Bác sĩ có thể kê đơn dưới dạng thuốc viên, thuốc bôi hoặc đặt vòng âm đạo.

    - Progestin: thường được sử dụng để điều trị chứng tăng sinh nội mạc tử cung. Có một số lựa chọn như thuốc viên, thuốc tiêm hoặc dụng cụ tử cung (đặt vòng Mirena).

    - Phẫu thuật nội soi buồng tử cung: Bên cạnh tác dụng chẩn đoán, phẫu thuật này được áp dụng để điều trị cắt polyp lòng tử cung hoặc loại bỏ các vùng tăng sinh nội mạc tử cung.

    - Phẫu thuật cắt tử cung có thể phối hợp với hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp hormone để điều trị ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.

     

    Tham khảo:

    https://www.rcog.org.uk/en/patients/patient-leaflets/postmenopausal-bleeding-poster/

    https://www.webmd.com/menopause/guide/postmenopausal-bleeding

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ