Nuôi con bằng sữa mẹ khi trẻ không chịu bú mẹ

    Việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể sẽ không dễ dàng nhất là với các trường hợp trẻ không chịu bú mẹ. Và việc này kéo dài có thể làm cho bà mẹ chán nản dẫn đến việc mẹ ngừng cho con bú.

    Các dấu hiệu nhận biết trẻ không chịu bú mẹ:

    - Trẻ ngậm bắt vú nhưng không bú hoặc bú rất yếu

    - Trẻ khóc và không bú mặc dù mẹ đã cố gắng cho trẻ bú

    - Trẻ bú một lúc rồi nhả vú ra và khóc. Trẻ có thể làm như thế vài lần trong một cử bú.

    Các lý do làm trẻ không chịu bú mẹ:

    Có 4 nhóm lý do làm cho trẻ không chịu bú mẹ:

    1. Trẻ bị bệnh, bị đau
    2. Trẻ gặp khó khăn về kỹ thuật bú
    3. Những thay đổi làm trẻ khó chịu (hay gặp ở trẻ 3 đến 12 tháng tuổi)
    4. Một số lý do khác.

    Trẻ bị bệnh, bị đau:

     

     

    Trong trường hợp trẻ bị bệnh, bị đau thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho sức khỏe của trẻ, giúp trẻ có thể phục hồi nhanh hơn. Vì thế mẹ càng cần phải cố gắng để duy trì nguồn sữa mẹ. Những khi trẻ bệnh, mẹ đừng ngần ngại ôm ấp con, đừng vì lý do sợ con quen hơi mà mà hạn chế ôm con. Những lúc này trẻ càng cần hơn sự che chở và hơi ấm của mẹ. Song song với việc điều trị vấn đề bệnh của con mẹ hãy cố gắng cho con bú mẹ bất kỳ lúc nào có thể.

    Khi bị bệnh trẻ có thể sẽ bú lắt nhắt nhiều cử hơn, cử bú có thể kéo dài hơn. Mặc dù thế mẹ cứ hãy duy trì theo nhu cầu của trẻ.

    Trường hợp trẻ bệnh không thể hợp tác bú trực tiếp mẹ hãy vắt sữa ra cho con uống sữa bằng thìa, bằng cốc. Việc vắt sữa vừa giúp cho bé vẫn uống được nguồn dinh dưỡng tốt nhất vừa giúp mẹ duy trì được nguồn sữa trong giai đoạn này.

    Trường hợp thường thấy là trẻ bị ngạt mũi và không hợp tác bú mẹ vì trẻ gặp khó khăn trong việc phải làm 2 việc cùng lúc là thở và bú. Lúc này mẹ cần thông đường thở cho bé để việc bú mẹ được thoải mái hơn. Có thể thử các cách sau:

    • Nhỏ nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ, làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi, giúp dịch nhầy dễ dàng đào thải ra ngoài hơn, mũi thông thoáng hơn. Sử dụng dụng cụ hút dịch mũi cho bé trước khi bú để bé thở được thoải mái hơn. Không hút mũi cho trẻ quá nhiều lần trong 1 ngày, có thể làm kích ứng niêm mạc mũi của trẻ.
    • Sử dụng máy xông hơi chuyên dụng, hơi nước sẽ làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ. Đồng thời cung cấp độ ẩm và làm mũi trẻ ấm hơn. Trường hợp không có máy chuyên dụng có thể xả nước nóng vào chậu và bế bé bên cạnh sao cho bé ngửi được hơi nước bốc lên. Chú ý cẩn thận để trẻ không bị bỏng.
    • Cho trẻ bú ở các tư thế thẳng đứng thay vì cho trẻ nằm bú.

    Trẻ gặp khó khăn về kỹ thuật bú:

     

     

    Với những lý do này, không khó để mẹ có thể cùng con tập luyện lại để cho bé bú mẹ đạt hiệu quả. Sẽ mất thời gian để 2 mẹ con có thể tập các kỹ năng cho bú, đòi hỏi người mẹ phải có sự kiên trì.

    Kỹ thuật bú đúng sẽ bao gồm 2 yếu tố: tư thế bú đúngngậm bắt vú đúng (bấm vào link để xem hướng dẫn chi tiết)

     

    Những thay đổi làm trẻ khó chịu (hay gặp ở trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi):

     

     

    Những thay đổi trên có thể khiến bé đột nhiên không chịu hợp tác bú mẹ nữa. Để khắc phục thì mẹ nên ôm ấp và bế con nhiều hơn, có sự tiếp xúc da kề da mỗi khi mẹ có thể gần con để giúp trấn an bé. Sự gần gũi da kề da thường giúp trẻ chấm dứt quá trình bỏ bú này.

    Mẹ nên ngủ cùng với trẻ. Và nên chia sẻ khó khăn với gia đình để người thân có thể hỗ trợ mẹ công việc nhà để mẹ tập trung trực tiếp chăm sóc và ở bên trẻ thường xuyên hơn.

    Trường hợp mẹ bị bệnh hoặc có những vấn đề về vú mà không thể cho bé bú trực tiếp, hãy cố gắng vắt sữa bằng máy hoặc bằng tay để cho bé uống sữa bằng thìa hoặc bằng cốc để duy trì nguồn sữa mẹ cho đến khi mẹ khỏe lại và có thể cho con bú trực tiếp.

    Những lý do khác làm trẻ không chịu bú mẹ:

     

     

    Bú mẹ là bản năng khi sinh ra của trẻ nhưng để bú đúng thì cả bé và mẹ đều phải tập luyện. Khi trẻ tập làm quen với bầu vú mẹ mãi không được thỏa mãn dễ dẫn tới trẻ không chịu bú mẹ nữa. Trong trường hợp này mẹ cần kiên trì tập luyện và tuyệt đối không cho con bú bình và núm vú cao su, sẽ khiến cho việc tập ngậm bắt vú mẹ trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần, thậm chí có bé sẽ chê hẳn vú mẹ và không bú trực tiếp nữa. Thay vào đó mẹ có thể thử:

    • Vắt sữa vào miệng trẻ, để trẻ cảm nhận được vị sữa mẹ và kích thích lại khả năng tập trung tìm kiếm vú mẹ để bú.
    • Mẹ vắt sữa ra để cho con ăn bằng thìa, cốc.

    Trẻ sơ sinh hiếm khi tự “cai sữa” sớm, trẻ có thể đang trải qua giai đoạn không chịu bú mẹ. Giai đoạn này xảy ra đột ngột sau khi bé đã chịu bú một thời gian. Khoảng thời gian bé không chịu bú mẹ thường kéo dài không quá 4 ngày. Nếu bạn vẫn chưa muốn cai sữa cho bé thì nên chú ý để giúp bé vượt qua thời gian này bằng các phương cách sau:

    • Gần gũi da kề da với con.
    • Cho con bú bất cứ khi nào con muốn, kể cả khi con buồn ngủ hay khi còn nửa ngủ nửa thức.

    Như vậy, không tự nhiên mà trẻ không chịu bú mẹ. Khi trẻ không chịu bú hoặc trẻ đột ngột không chịu bú mẹ nữa, mẹ hãy tìm xem nguyên nhân con đang gặp phải là gì để khắc phục và hỗ trợ con. Bỏ bú có thể gây khó chịu cho mẹ và con. Người mẹ có thể cảm thấy bị từ chối và cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, đó không phải là lỗi của mẹ. Trên hết, là mẹ phải kiên nhẫn vì điều này sẽ nhanh chóng trôi qua. Để ngăn ngừa căng sữa và duy trì nguồn sữa, mẹ hãy hút sữa thường xuyên như khi con từng bú mẹ.

    Nếu tình trạng bỏ bú kéo dài hơn vài ngày, trẻ tiểu ít hơn bình thường hoặc mẹ lo lắng về việc bé khó bú sữa mẹ, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về vấn đề của bé.

    T.H

    Tài liệu tham khảo:

    Tài liệu “Nuôi dưỡng trẻ nhỏ” – Bộ Y tế ban hành theo QĐ số 5063/QĐ-BYT

    https://www.verywellfamily.com/breastfeeding

    https://www.nhs.uk/start4life/baby/feeding-your-baby/breastfeeding/how-to-breastfeed/latching-on/#anchor-tabs

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ