banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

08/08/2022

Ngậm bắt vú đúng

Ngậm bắt vú là hành động bé tự cảm nhận bầu vú mẹ và há miệng ra ngậm lấy đầu vú để bú. Nhiều người cho rằng đây là một điều tự nhiên, nhưng trên thực tế để ngậm bắt vú cho đúng là một kỹ năng mà mẹ và bé cần phải tập luyện cùng nhau.

Vì sao ngậm bắt vú đúng là điều quan trọng nhất quyết định việc NCBSM thành công? Vì khi bé ngậm bắt vú sai có thể dẫn đến những hậu quả sau:

  • Trẻ chỉ ngậm núm vú sẽ làm tổn thương núm vú của mẹ; Việc bú sai cách là nguyên nhân chính gây đau đầu vú. 
  • Trẻ cố gắng mút sữa, trẻ phải kéo đi kéo lại núm vú khiến da núm vú cọ sát vào miệng trẻ. Nếu trẻ tiếp tục bú theo cách này có thể làm tổn thương da núm vú và làm nứt núm vú. 
  • Trẻ bú không đủ hết sữa có thể gây cương tức vú.
  • Vú ứ đọng sữa do bú không hết có thể làm giảm và ức chế sự tạo sữa.
  • Trẻ bú không đủ sữa nên không cảm thấy thoải mái, quấy khóc, thường xuyên đòi sữa và bú lâu. 
  • Trẻ có thể không tăng cân khiến mẹ nghĩ mình không đủ sữa cho con bú, thiếu tự tin nên dễ thất bại trong quá trình cho con bú. Tâm lý này sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiết sữa và phun sữa.

Hướng dẫn kỹ thuật cho trẻ ngậm bắt vú đúng:

Video hướng dẫn chi tiết kỹ thuật ngậm bắt vú đúng:

Khi bé ngậm bắt vú đúng, một lúc sau đó mẹ sẽ cảm nhận được ngay phản xạ xuống sữa, vì lúc này tuyến yên, tuyến nội tiết sẽ tạo ra 2 loại hormone đó là prolacin và oxytocin giúp kích thích các nang sữa thắt liên tục, sữa sẽ được phóng ra một cách tự nhiên và liên tục. Nên bé sẽ bú một cách rất tập trung.

Đúng:

Không khó trong việc nhận biết con đang ngậm vú và bú đúng hay không. 

  • Khi trẻ bú đúng mẹ sẽ thấy trẻ nút vú và nuốt sữa 1 cách chậm rãi
  • Miệng trẻ mở rộng, trẻ ngậm vú sâu, 2 má căng tròn
  • Có khi nghe rõ được tiếng nuốt sữa “ực ực” của trẻ. 
  • Trẻ tự nhả vú ra sau khi bú xong, nhìn có vẻ hài lòng và trẻ buồn ngủ là trẻ đã bú đủ sữa. Nếu mẹ kéo trẻ ra khỏi vú trước khi trẻ ngừng bú thì trẻ không được bú sữa cuối (dòng sữa có nhiều chất béo cung cấp nhiều năng lượng).

Ngoài ra mẹ có thể tự cảm nhận trên cơ thể mình:

  • Mẹ không hề cảm thấy đau khi bé đang bú
  • Bầu ngực mềm hẳn sau khi bé bú xong
  • Núm vú trở về hình dạng bình thường (tròn, đều) hoặc hơi dài ngay sau khi bé nhả vú ra

Sai:

  • Trẻ chỉ ngậm núm vú, không ngậm cả quầng vú
  • Miệng trẻ không mở rộng, môi dưới của trẻ không hướng ra ngoài
  • Cằm không chạm vú mẹ
  • Trẻ bú nhanh và ngậm nông, có thể nghe thấy tiếng trẻ chép môi của trẻ

Người mẹ cảm thấy:

  • Đau đầu vú khi cho con bú, hay nứt núm vú
  • Vú mẹ vẫn còn nhiều sữa (vú không mềm) sau khi con bú xong. Điều này làm tăng nguy cơ tắc tia sữa.
  • Núm vú mẹ bị dẹp hoặc bị nhọn sau khi bé nhả vú ra.

T.H

Tài liệu tham khảo:

Tài liệu “Nuôi dưỡng trẻ nhỏ” – Bộ Y tế ban hành theo QĐ số 5063/QĐ-BYT

https://www.nhs.uk/start4life/baby/feeding-your-baby/breastfeeding/how-to-breastfeed/breastfeeding-positions/#anchor-tabs

https://www.fhs.gov.hk/english/health_info/child/20000.pdf

Media Global Health