banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

17/09/2009

Khai mạc Hội nghị khu vực châu Á về ứng phó với đại dịch cúm ở người

Ngày 14/9/2009, tại Hà Nội, Hội nghị khu vực châu Á về ứng phó với đại dịch cúm ở người đã khai mạc với sự tham dự của hơn 100 đại biểu từ các Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức quốc tế, đại biểu từ các nước: Băng-La-đét, Cam-pu-chia, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Lào, Nê-pan, Phi-líp-pin, Thái Lan,  Việt Nam. Hội nghị sẽ kéo dài từ ngày 14 đến 16/9.

Hội nghị do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức nhằm kêu gọi  cộng đồng quốc tế chung sức hành động trong bối cảnh dịch cúm A/H1N1 lây lan rộng trên toàn cầu. Mục tiêu chính của hội nghị là: Lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp với đại dịch cúm ở người có sự phối hợp giữa các hội chữ thập đỏ - trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội trong khu vực các nước châu Á. Đồng thời tăng cường, thúc đẩy việc lập kế hoạch hợp tác ứng  phó với thảm họa ở cấp độ quốc gia giữa các hội chữ thập đỏ - trăng  lưỡi liềm đỏ quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan thuộc chính phủ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội Chữ thập  đỏ Việt Nam khẳng định: Hiện nay, loài người đang phải liên tiếp đối  mặt với thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, đe dọa cuộc sống của người dân  ở tất cả các quốc gia, các dân tộc. Sự liên kết, hợp tác, phối hợp chặt  chẽ và nỗ lực không mệt mỏi của mọi quốc gia, các tổ chức quốc tế, xã  hội, các lãnh đạo cộng đồng và mọi người dân là tất yếu... Hội nghị lần  này hướng vào 4 mục tiêu, đó là: lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp với đại  dịch cúm ở người có sự phối hợp giữa các Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi  liềm đỏ quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chính phủ và  các tổ chức xã hội trong khu vực các nước châu Á; tăng cường thúc đẩy  việc lập kế hoạch hợp tác ứng phó với thảm họa ở cấp độ quốc gia giữa  các Hội Chữ Thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia, các tổ chức phi chính  phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ; chia sẻ các công cụ, hướng dẫn và chương trình giảng dạy có liên quan đã được chuẩn hóa toàn cầu để chuẩn  bị ứng phó với đại dịch; thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin giữa các  lực lượng đa dạng, đông đảo tham gia trong quá trình chuẩn bị và đáp  ứng với một đại dịch cúm ở cấp độ toàn cầu.

Tiến sĩ Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Việt Nam đặt nhiệm vụ  phòng chống dịch bệnh và xác định phòng bệnh tích cực là một trong các ưu tiên hàng đầu trong bảo vệ sức khỏe người dân, cụ thể: Chương trình phối hợp hành động động quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người giai đoạn 2006-2010 đã xác định rõ 5 mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu  bao gồm: Khống chế cúm gia cầm; chuẩn bị sẵn sàng về tổ chức, nhân lực,  hậu cần đáp ứng phòng chống đại dịch; giám sát, xử lý hiệu quả và kịp thời; tăng cường công tác phòng bệnh và nâng cao chất lượng điều trị;  đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế. Hiện nay, Kế hoạch hành động quốc gia  phòng chống đại dịch cúm gia cầm và cúm ở người giai đoạn 2010-2015  đang được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Đồng chí Trần Chí Liêm bày  tỏ, Hội nghị là cơ hội tốt trao đổi, thảo luận học tập lẫn nhau về kiến  thức, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh nhất là trong phương cách huy động lực lượng, tổ chức cũng như kinh nghiệm về khung pháp lý  trong triển khai hoạt động phòng chống đại dịch. Hội nghị cũng là cơ  hội để các quốc gia cùng phát động cho các quốc gia phối kết hợp hành  động và là dịp để kêu gọi các quốc gia có tiềm năng hỗ trợ các nước  nghèo hơn trong phòng chống đại dịch ở người.

Theo Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ VN