Tuổi trẻ Định Hóa với Nhật ký làm theo lời Bác
Mô hình nuôi cá lồng của đoàn viên Hà Văn Ngà, xã Bảo Linh, Định Hóa |
Lật giở từng trang nhật ký làm theo lời Bác, Nguyễn Anh Tấn, Bí thư Chi đoàn khối Chính quyền huyện Định Hóa nói: Việc học tập và làm theo lời Bác đối với các ĐVTN khối chính quyền được gắn với công việc chuyên môn của từng cá nhân. Với từng vị trí công tác cụ thể, các bạn ĐVTN đã ghi cảm nhận của mình vào cuốn nhật ký, mỗi bạn ĐVTN đều mong muốn khi các ĐVTN trong Chi đoàn đọc được sẽ hiểu thêm về công việc chuyên môn của mình từ đó luôn trau dồi kiến thức để hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Hàng tháng, trong buổi sinh hoạt Đoàn, chúng tôi đều mang nhật ký ra đọc để các bạn ĐVTN cùng nghe và đóng góp ý kiến. Những trang nhật ký chính là việc làm cụ thể của mỗi ĐVTN trong thực hiện công việc chuyên môn gắn với học tập và làm theo lời Bác.
Xin kể ra đây một số suy nghĩ của các ĐVTN trong khối Chính quyền với những suy tư và cảm nhận của mình. Đoàn viên Ma Quang Tùng, Chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý số 1 đã ghi cảm nhận của mình về công tác trợ giúp pháp lý với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, góp phần hạn chế tranh chấp, vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Đối với cán bộ trợ giúp pháp lý phải thường xuyên trau dồi kiến thức pháp luật vì đối với từng sự việc cụ thể đòi hỏi người cán bộ phải hiểu sâu, nắm chắc kiến thức mới có thể tư vấn, trợ giúp được cho người dân về lĩnh vực mà họ đang quan tâm.
Với đoàn viên Nông Thị Phương Sao, Trạm Khuyến nông huyện thì việc nâng cao kiến thức sản xuất cho người dân lại là nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ khuyến nông. Thấm nhuần lời dạy của Bác: Là người cán bộ phải lấy dân làm gốc, phải yêu dân như con, phải vì dân mà phục vụ. Từ suy nghĩ đó, Sao xác định nhiệm vụ của cán bộ khuyến nông là tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình, tham gia hội thảo đầu bờ cho nông dân, tạo điều kiện cho người dân đề xuất các ý tưởng, sáng kiến trong phát triển kinh tế và có điều kiện thực hiện thành công những ý tưởng của mình. Nhờ có cán bộ khuyến nông mà sâu bệnh trên cây lúa được phòng trừ kịp thời; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được ngăn chặn; các mô hình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế được triển khai; nhiều vùng đất trống đồi núi trọc đã xanh trở lại… góp phần xây dựng một xã hội giàu mạnh như Bác Hồ mong đợi… Hiện nay, ĐVTN Khối cơ quan huyện đã có 14 cuốn nhật ký làm theo Bác.
Đối với các ĐVTN nông thôn thì việc học tập và làm theo lời Bác lại được triển khai gắn với phát triển kinh tế gia đình, tham gia xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi đã có dịp tìm hiểu phong trào này ở xã Bảo Linh - xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện. Theo Phó Bí thư Đoàn xã Lưu Văn Cảnh thì ở nông thôn, các ĐVTN chủ yếu vẫn sống chung với cha mẹ nên việc phát triển kinh tế còn phụ thuộc nhiều, từ vay vốn đầu tư sản xuất đến lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp. Hiện nay, Đoàn xã có 65 đoàn viên và 70 thanh niên sinh hoạt ở 11 chi đoàn thôn xóm. Hầu hết, các ĐVTN đi làm ăn xa (chủ yếu là làm thuê), chỉ còn khoảng 1/3 ĐVTN ở địa phương cùng gia đình phát triển kinh tế và đã có nhiều ĐVTN mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình và bước đầu mang lại hiệu quả. Điển hình như đoàn viên Phan Đăng Tùng (sinh năm 1983), xóm Bảo Hoa 1 đã mạnh dạn vay 4 triệu đồng từ nguồn vốn của Hỗ trợ việc làm của Trung ương Đoàn để mua máy cưa. Vừa làm vừa đầu tư thêm máy móc để phục vụ sản xuất, sau gần 6 năm cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng của Tùng đã có đủ máy móc để sản xuất (máy cưa, máy xẻ, máy bào…), giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-8 lao động, với mức thu nhập từ 1-2 triệu đồng/tháng. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại chọn công việc này, Tùng chỉ tay lên khu rừng trước mặt và nói: Nguồn nguyên liệu từ đồi rừng của người dân địa phương rất lớn (cả xã có trên 700ha) trong khi xã chưa có cơ sở nào đóng đồ mộc gia đụng nên em làm, vừa đóng đồ để bán và ai có nhu cầu thì đóng thuê từ gỗ của họ… Đoàn viên Hà Văn Ngà, xóm Lải Tràn lại có lựa chọn khác. Thấy được diện tích mặt nước trên hồ Bảo Linh thuận lợi cho việc nuôi cá lồng, Ngà đã mạnh dạn mượn người thân 14 triệu đồng để đầu tư 3 lồng thả cá với các giống: trắm cỏ, rô phi đơn tính, chép lai… mỗi năm cho thu nhập 20-30 triệu đồng. Ngà dự định sẽ đầu tư thêm 5-6 lồng nữa và trồng cỏ, chế biến thức ăn viên cho cá từ thóc lép, bột sắn, bột gạo vì nếu cá ăn rong ở hồ dễ bị mắc bệnh đường ruột…
Có thể nói, việc triển khai Cuộc vận động Học tập và làm theo lời Bác của ĐVTN ở Định Hóa, mà tập trung vào việc làm theo đã được các ĐVTN nhiệt tình đón nhận. Đồng chí Nguyễn Xuân Chúc, Bí thư Huyện đoàn cho biết: Hầu hết các cơ sở Đoàn đã từng bước chuyển hóa nội dung học tập và làm theo lời Bác vào từng đối tượng thanh niên, đầu tư nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đối với thiếu nhi, thực hiện Cuộc vận động "Thiếu nhi thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy", trong năm học vừa qua đã có 12 nghìn em đăng ký các danh hiệu, 8.657 đội viên đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Đối với ĐVTN khu vực địa bàn dân cư, phát huy vai trò xung kích trong tham gia Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp đỡ thanh niên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Đối với ĐVTN khối lực lượng vũ trang thực hiện tốt phong trào rèn luyện, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, xung kích tham gia thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đối với lực lượng vũ trang… Qua thực hiện cuộc vận động ĐVTN trong toàn huyện đã nâng cao nhận thức của mình về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó có những việc làm, hành động theo tấm gương đạo đức và lời dạy của Người, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.