Tài năng và y đức

    Tận tâm với nghề, giàu tình thương yêu với người bệnh, những thày thuốc  trẻ hôm nay đang ngày đêm rèn luyện, phấn đấu xứng đáng với lời dạy của  Bác Hồ. Họ cũng là ba trong số 20 thày thuốc trẻ của cả nước được vinh  danh năm nay. 

    Người bệnh cần lắm bàn tay thày thuốc

    3 năm đã qua đi nhưng bác sỹ Từ Tấn Tài vẫn không quên trường hợp của một  bệnh nhân bị nấm tai. Bệnh này biết cách chữa trị thì rất đơn giản  nhưng người bệnh vì không tới đúng cơ sở chữa trị nên dù mất nhiều tiền, chạy chữa ở nhiều nơi, bệnh vẫn không khỏi. Sau khi gặp bác sỹ  Tài, anh đã hướng dẫn bệnh nhân cách chữa, sử dụng thuốc đặc trị và chỉ  một thời gian ngắn sau đó, bệnh đã khỏi hẳn. 

    Vui mừng vì khỏi bệnh, cảm động vì sự tận tình của đội ngũ các y, bác sỹ, từ ngày đó, người bệnh này đã coi khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện tỉnh  Khánh Hòa là nhà, coi bác sỹ Tài như người cháu của mình. 

    Không riêng gì trường hợp kể trên, tấm lòng vì người bệnh của bác sỹ Từ Tấn Tài đã nhận được nhiều thư cảm ơn, thư khen từ rất nhiều bệnh nhân. Tâm sự về nghề, bác sỹ Tài nghĩ rằng, nếu để làm giàu thì nghề y sẽ không phải là sự lựa chọn của anh. Những cơn đau đớn của người bệnh, những đợt khám chữa bệnh cho bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa, chứng kiến  những căn bệnh không phức tạp mà bà con loay hoay, không tài nào chữa  khỏi anh càng thấm thía rằng người bệnh rất cần tới bàn tay của người  thày thuốc. 

    Vượt đèo núi đến với bệnh nhân phong 

    Căn bệnh mà xưa kia quan niệm là “tứ chứng nan y”, đến nay vẫn còn trong  suy nghĩ của nhiều người. Người bị bệnh phong, họ không chỉ chịu nỗi đau về thể xác mà nhiều người còn không vượt qua được mặc cảm bản thân. Được trang bị tri thức, với trách nhiệm của người lương y và trên hết  là tình yêu thương đối với người bệnh, chị Phạm Thị Hoàng Bích Dịu đã quyết định gắn bó với Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa. 

    Vượt 2 km đường đèo núi để vào bệnh viện, gạt bỏ sang một bên cơ hội làm  việc ở những nơi có điều kiện thuận lợi hơn dù “đôi lúc cũng thấy chạnh lòng vì cơ quan ở nơi thiếu thốn, xa xôi quá”, chị Dịu đã cùng tập thể  bác sỹ, cán bộ nhân viên nơi đây chung tay xây dựng bệnh viện, tập trung chăm lo cho người bệnh. Theo gương chị, 30 bác sỹ trẻ cũng đã coi  viện phong Quy Hòa là nhà, để cùng đau nỗi đau của người bệnh, thấu  hiểu tâm tư, ghi nhớ từng vết loét trên cơ thể của mỗi người bệnh 

    Theo chị Dịu, cái khó khăn về điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng có thể sớm được khắc phục khi có sự quan tâm, đầu tư thích đáng nhưng thử thách lớn nhất chính là cách xã hội nhìn nhận về những người mắc bệnh phong cũng như đội ngũ cán bộ chuyên trách với bệnh phong. Chính điều này dẫn đến việc người mắc bệnh giấu bệnh, làm bệnh này không được thanh toán  hết. Hiện chị đang nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ về đột biến gen kháng thuốc DDS, Rifampicine, Ofloxacine của Mycobacterium leprae tại khu vực miền  Trung – Tây Nguyên. 

    Muốn tự tin trong nghề thì phải nghiên cứu khoa học 

    Gặt hái được rất nhiều giải thưởng cả trong và ngoài nước, TS Nguyễn Minh  Tâm, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Dược Huế cho rằng đó là cách để anh nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng có hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tự tin khi đứng trước đồng nghiệp, học trò. 

    Qua tham gia các chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè, chứng kiến nếp ăn, ở, sinh hoạt của người dân, từ thời  ngồi trên ghế của giảng đường đại học, người bác sỹ trẻ này bắt đầu tích lũy những kiến thức và mong muốn qua nghiên cứu khoa học có thể  giúp nâng cao sức khỏe của cộng đồng. 

    Năm 2001, anh Tâm nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo về thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, 4 năm sau, là Huy chương của Hiệp hội Y học Nhiệt đới Úc – Á dành cho sinh viên Y tế có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc. Năm 2007, nhận học bổng nghiên cứu sinh Y tế công cộng Úc - Việt, qua Úc chỉ một thời gian ngắn, anh lại nhận giải thưởng “Đề cương nghiên cứu Y tế Cộng cộng xuất  sắc”. Cũng trong năm 2008 này, ở trong nước, giải thưởng “Nhà nghiên  cứu trẻ” và giành Giải Nhất Hội nghị Khoa học tuổi trẻ Y Dược toàn quốc  đã thuộc về Nguyễn Minh Tâm. Anh cũng là người sớm có đề tài nghiên cứu về nguy cơ của tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu ở nước ta. 

    Không chỉ đam mê khoa học, người bác sỹ này còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Ở trường Đại học Y - Dược Huế, các buổi sinh hoạt, các câu lạc bộ của sinh viên đã được thày Tâm tổ chức, chỉ đạo theo hướng gắn liền với hoạt động chuyên môn nên thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2000 quả là những phần thưởng xứng đáng được trao cho thày thuốc trẻ đa tài này.

    Theo Trung ương Đoàn,  ĐCSVN
    Trung ương Đoàn, ĐCSVN

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ