Dốt thì dại, dại thì hèn
Không có kiến thức thì làm sao khôn được. Làm việc gì cũng không được, ai cũng có thể sai khiến, lừa gạt. Người “dại” bị đàn áp, bị “đè đầu bóp cổ”, bị khinh rẻ. Bản thân người dại thì sợ hãi, không dám nói, dám cãi, ai bảo gì cũng nghe, không dám làm một việc gì ra việc. Như vậy, tất nhiên phải “hèn” rồi. Vì vậy, Bác nói thêm “dại thì hèn”.
Dân trong xóm ngoài làng không muốn để ai lừa bịp, khoác lác, trù úm thì phải biết luật pháp, quán triệt chủ trương, đường lối của Chính phủ, nắm vững chỉ thị thông tư về đất đai, về điện nước, về thuế má để ngăn chặn các “quan tham”, để không ai “úm”, “bịp” được mình.
Dân trong một nước giàu mạnh, công nghiệp hoá, hện đại hoá, hiện đại hoá phải không thể dại, không thể hèn. Dân tộc ta chẳng kém ai – có khi lại còn hơn - về trí thông minh, thông minh trong lao động, giữ nước, dựng nước, ngoại giao… Đất nước Vua Hùng này cũng đã sản sinh ra bao nhiêu vĩ nhân, danh nhân, thánh văn, thánh võ. Nhưng tất cả các lâu đài đẹp đẽ ấy không phải tự dưng mà có. Đây là mô hôi, là công sức, là xương máu làm nên. Và điểm xuất phát là ở chỗ phải học. Học thầy, học bạn, học trong gia đình, học ngoài xã hội, học tấm gương xưa, mẫu mực ngày nay, học lý luận, học thực hành, học thực tiễn, học cả người chống đối ta, kẻ thù ta, học đông – tây – nam – bắc. Ngu dốt mới có bờ còn sự học thì không có bến, có chăng chỉ là bến tạm, bờ chờ… muốn vậy phải “cần” siêng năng, chịu khó, phải có ý chí… Trước hết, cái học phải đem lại “hạnh phúc” cho mỗi người. Hạnh phúc của sự hiểu biết, khám phá. Hạnh phúc là vì “một bụng chữ, một hũ vàng” – như lời Bác mách bảo.
Thiên niên kỷ mới là thiên niên kỷ của trí tuệ, công nghệ, hoà hợp. Con tàu đi đến giàu mạnh không dành vé cho những ai dốt nát, dại hèn… Lười biếng, ngu đần sẽ bị đoàn tảu bỏ rơi, bỏ lại trên nghèo đói. Đừng oán trách trời, phật và chúa. Những chủ nhân trong tương lai – các bạn thanh thiếu niên! Các bạn có cam chịu dốt, dại, hèn chăng?
Trích nhớ lời Bác dạy, NXB Lao động năm 2010