Bác Hồ - một tấm gương tự học

    Tự học là hoạt động có mục đích của con người, là điều cần thiết trong quá trình tiếp  nhận tri thức. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt  quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người 

    Tự học là hoạt động có  mục đích của con người, là điều cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri  thức. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng,  là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người 

    Tự học là hoạt động có mục đích của con người, là điều cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri  thức. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người 

    Trong lý lịch tự khai tại Đảng Cộng sản Pháp cũng như tại một số đại hội, hội nghị của Quốc  tế Cộng sản, Bác thường khiêm tốn ghi ở phần trình độ học vấn là: Tự  học. Hay trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế  họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Về  văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông : 17 tuổi tôi  mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần  đầu”. Nhưng chúng ta ai cũng biết, Người có một trình độ học vấn  rộng lớn, uyên bác mà cả thế giới phải khâm phục và thừa nhận. Nhà  nghiên cứu Vasiliep đã viết trong tác phẩm “Về cách mạng Việt Nam và  Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Uỷ ban KHXH, 1990): “Hiếm có chính khách nào của  thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm  hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”…Đây hoàn toàn không  phải là sự suy tôn thái quá mà qua các tài liệu lịch sử cho thấy, Người  đã miệt mài học tập cả cuộc đời, nói đúng hơn là không ngừng tự học.  Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (ngày 9 tháng 12 năm  1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau : “ Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.
         
    Hồ Chủ tịch rất coi trọng việc đọc sách báo. Nhưng với Người, đọc sách  không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao các hiểu biết thông thường. Người đọc chủ yêú là để phục  vụ cách mạng với niềm khao khát tột bậc là làm sao cho nước ta được  hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có  cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Niềm ham muốn khao khát ấy đã đi  theo Bác suốt cuộc đời, chi phối mọi hoạt động của Người.
       
    Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác cũng chính là cuộc đời tự học bền bỉ.  Làm cách mạng bằng tự học và tự học để làm cách mạng, hai việc này luôn tương hỗ cho nhau. Với những tác phẩm đồ sộ và phong phú mà Người để  lại cho chúng ta, ngoài giá trị lớn lao nhiều mặt của nó, còn là một  bằng chứng sống về tấm gương tự học suốt đời của một nhà yêu nước vĩ  đại, nhà văn hoá tài ba. Chúng ta ngạc nhiên và khâm phục trước khối  lượng và kiến thức vừa phong phú vừa uyên thâm của Bác, không chỉ trên  các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế… Nếu không có vốn kiến thức  phong phú và sâu sắc tích luỹ bằng con đường tự học thì làm sao Người  để lại cho dân tộc và nhân loại những tác phẩm bất hủ ấy.
       
    Khi tìm hiểu về phương pháp đọc của Bác Hồ, bài học đầu tiên mà chúng ta  cần phải chú ý đến là : Muốn trở thành người hiểu biết phải đọc cho  rộng và khi đọc phải có ghi chép và phân loại ngay các thông tin từ  sách báo. Bác có một phương pháp tự học rất đáng chú ý và là kinh  nghiệm quí cho chúng ta hiện nay. Chỉ nói riêng việc học ngoại ngữ và  học viết báo của Bác là đủ rõ. Ra đi tìm đường cứu nước, vừa bước chân  xuống tàu, anh Ba đã tranh thủ học tiếng Pháp ở mọi lúc, mọi nơi có  thể, mỗi ngày học mấy từ thật chắc, ngày nào cũng như ngày nào, để đến  khi sang Pháp, và sau đó , viết báo và viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp.
       
    Trong bài cách viết, Người đã kể lại việc học viết của mình: Nhờ sự giúp đỡ của một đồng chí làm trong tờ báo “Sinh hoạt công  dân”, Bác đã tự học cách viết báo. Ban đầu chỉ viết 3 dòng, 5 dòng, sau  đấy viết 10 dòng rồi một cột rưỡi. Đến đây, đồng chí lại bảo viết rút  ngắn lại. Bác lại tập rút ngắn lại cho đền khi chỉ còn 10 dòng. Tập đi  tập lại nhiều lần như vậy, Bác viết được báo. Lúc viết được báo rồi,  Bác lại có ý định thử viết truyện ngắn và Bác viết được truyện ngắn  bằng tiếng Pháp. Bác đã tự rút kinh nghiệm trong việc học viết của  mình: “Viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ dấu dốt, nhờ tự  phê bình và phê bình mà tiến bộ, quyết tâm thì việc gì, khó mấy cũng  làm được”. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa  Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân  loại, đặc biệt là văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây. Người biết  và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một  trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn  bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước  thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới. Phát biểu với sinh  viên trường đại học Băng Đung trong chuyến thăm Indonesia năm 1959,  Người nói: Khi còn trẻ tôi không có dịp đến trường học. Cuộc sống, du  lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường đại học ấy đã dạy  cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy  cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hoà bình; căm ghét áp  bức, ích kỷ… Đó chính là bài học sâu sắc về tấm gương tự học của Bác,  vừa tự học ngoại ngữ, vừa tự học viết văn, viết báo để đấu tranh cho sự  nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân loại.
       
    Từ kinh nghiệp cuộc  đời tự học của mình nên Bác rất quan tâm đến giáo dục, Người thường  nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau  là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người chỉ rõ cho chúng ta thấy mối quan hệ biện chứng giữa giáo dục với cách mạng; giữa giáo dục  với sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước. Người khẳng  định: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi  người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình,  phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước  nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.
       
    Muốn cho dân giàu nước mạnh thì dân trí phải cao, phải đa dạng hoá các loại  hình đào tạo, mở trường vừa học vừa làm để tạo điều kiện cho người lao  động, cán bộ chiến sỹ được đi học. Bác đã chỉ cho chúng ta con đường  đưa đất nước thoát khỏi cảnh yếu hèn, đó là con đường phát triển giáo  dục. Bác nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bác kêu gọi mọi  người thi đua học tập để đưa dân tộc ta thành một dân tộc “thông thái”.
       
    Ngày nay, khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, do đó  xã hội cũng liên tục biến đổi. Cách đây không lâu nhiều người vẫn nói:  cứ khoảng 7 năm, vốn kiến thức của nhân loại lại tăng gấp đôi, nhưng  bây giờ, “7 năm” đã trở nên lạc hậu và phải thay bằng “18 tháng”. Trong  khi đó thì thời gian học không tăng, điều đó đòi hỏi mọi người cần phải  liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những  biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu. Mặt khác, con người luôn  ý thức về tương lai, chú trọng năng lực suy nghĩ, năng lực lý giải cho  tương lai mình. Để có được những năng lực ấy, con người phải học tập  không ngừng, học tập liên tục, học tập suốt đời thông qua nhiều hình  thức, nhưng tự học là điều rất quan trọng.
       
    Những năm gầy đây,  giáo dục nước ta đang trở thành đề tài nóng bỏng của báo chí và dư luận  về những tồn tại và yếu kém. Năm học 2008-2009 là năm thứ 3 ngành giáo  dục đào tạo thực hiện cuộc vấn động “nói không với tiêu cực trong thi  cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Cuộc vận động này được xem là  một bước đổi mới quan trọng của ngành giáo dục. Phụ huynh học sinh và  xã hội rất kỳ vọng vào thành công của việc đổi mới trong giáo dục,  trong đó có việc đổi mới chương trình học và phương pháp dạy học để  mang lại chất lượng dạy và học ngày càng tốt hơn. Đặc biệt là coi trọng  đến giảm tải chương trình, tránh tình trạng học thêm để học sinh có  nhiều thời gian tự học, vui chơi và tham gia sinh hoạt tập thể….

    Lại một năm học mới bắt đầu. Một thế hệ măng non đang được gieo trồng và  còn biết bao thế hệ trẻ nối tiếp. Chúng ta nhớ về Bác, về tấm gương tự  học của Bác để cầu chúc cho những thành công của giáo dục nước nhà, để  những thế hệ học sinh sau này thật sự được hưởng thụ một nền giáo dục tiên tiến, để đất nước có thể tin tưởng, hi vọng vào những công dân tương lai và cũng là thực hiện ý nguyện của Bác lúc sinh thời./.
       
     

    Theo Trung ương Đoàn, ÐCSVN
    Trung ương Đoàn, ÐCSVN

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ