Chào bạn,
Có một số chị em nhầm lẫn giữa thai máy (cử động thai) và gò tử cung.
Cơn gò tử cung có tính chất tự động, không tùy thuộc vào sự mong muốn của sản phụ hay sự kềm chế bên ngoài. Cơn gò tử cung thường xuất phát từ 1 điểm ở góc tử cung (thường là góc phải), sau đó lan tỏa đều khắp thân tử cung. Trong những tháng cuối thai kỳ, thai phụ cảm thấy tử cung có những cơn gò nhẹ, một vài lần trong ngày, đó là những cơn gò sinh lý Braxton-Hicks. Những cơn gò Braxton – Hicks này không đều và không gây đau. Khi vào chuyển dạ, cơn gò tử cung nhịp nhàng, đều đặn, tăng dần về cường độ và thời gian gò, sản phụ cảm thấy đau mỗi cơn gò.
Thai máy hay cử động thai là cảm nhận của thai phụ về những cử động của thai nhi. Thai bắt đầu có những cử động nhẹ nhàng như ưỡn người từ tuần lễ thứ 8 – 9 của thai kỳ. Tuy nhiên, những cử động thai nhi lúc này chưa đủ mạnh nên người mẹ chưa nhận biết được. Đến khoảng 17 – 20 tuần tuổi thai, khi hệ cơ, xương khớp thai nhi phát triển, những cử động trở nên mạnh hơn và truyền qua thành tử cung đến thành bụng mẹ, từ đó dẫn truyền theo dây thần kinh cảm giác đến vỏ não và người mẹ nhân thấy tín hiệu này. Với người mang thai lần đầu (con so), người mẹ nhận biết thai máy vào khoảng tuần thứ 20, người mang thai con rạ thì cảm nhận có sớm hơn từ 1 – 3 tuần. Thai phụ có thành bụng dày (mập) thì cảm nhận thai máy có trễ hơn người gầy. Những cử động thai có thể là xoay người, húc, đạp, huơ tay, ưỡn thân người….làm thai phụ đôi lúc thấy bụng méo hẳn 1 bên. Thai nhi cử động chạm vào thành tử cung và truyền qua thành bụng mẹ ở vị trí nào thì người mẹ cảm nhận ở vị trí đó. Cử động thai không mang tính lan tỏa như cơn gò. Các bác sĩ thường khuyên thai phụ thường xuyên đếm cử động thai để theo dõi sức khỏe của bé yêu.
Với cử động thai hoặc cơ gò tử cung sinh lý hòan tòan không nguy hiểm gì cả. Do vậy, bạn không phải lo lắng nhiều. Thân ái.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ