tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
Chào em,

Thuốc em đang uống là kháng sinh nhóm cephalosporins. Phụ nữ mang thai uống trong 5 ngày  thường không gây ảnh hưởng gì cho thai nhi.

Trường hợp của em có thể sanh thường ngã âm đạo nếu khi chuyển dạ sanh, các diễn tiến thuận lợi. Em nên theo hướng dẫn tái khám thai để theo dõi em bé đến khi sanh. 

ThS.BS. Ngô Thị Yên
  Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

 

Chào em,

Em đã đi khám thai và có kết quả xét nghiệm máu, em nên quay lại bác sĩ khám để được tư vấn cụ thể vì cần thêm một số thông tin về bệnh sử và triệu chứng thực tế nữa, em thân  mến.

ThS.BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Em bị khí hư nhiều và xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu +++, khả năng nước tiểu có lẫn khí hư. Nếu có thêm triệu chứng đường tiểu như tiểu đau, buồn tiểu liên tục...cần khám thêm chuyên khoa tiết niệu. Phụ nữ khi mang thai rất dễ bị viêm âm đạo, một phần do sự thay đổi sinh lý nội tiết lúc mang thai. Để xác định có nhiễm vi khuẩn, cần khám trực tiếp và lấy khí hư làm xét nghiệm, em ạ. Phụ nữ có thai bị viêm âm đạo nếu không điều trị đúng và đủ sẽ có một số nguy cơ cho thai kỳ và lúc sinh như rỉ ối non, vỡ ối non hay vỡ ối sớm, chuyển dạ kéo dài, nhiễm trùng bào thai...

Mong em  khám thai đầy đủ và theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

ThS.BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

- Hai lần siêu âm 3D và 4D cách nhau 2 tuần không ảnh hưởng đáng kể đến thai nhi.

- Tuổi thai được tính đúng dựa vào siêu âm 3 tháng đầu. Bạn nên cho biết kết quả siêu âm lúc thai 8 – 9 tuần, bác sĩ sẽ tính tuổi thai cho vợ bạn với sai số chỉ là 3 ngày mà thôi. Kinh cuối có thể không chính xác do chu kỳ không đều.

- Xét nghiệm nước tiểu được thực hiện mỗi lần khám thai, đặc biệt vào 3 tháng cuối thai kỳ. Tiêm ngừa VAT 2 mũi ở người mang thai lần đầu: mũi thứ nhất ở tháng thứ 4 hoặc thứ 5, mũi thứ 2 các mũi thứ 1 tối thiểu 30 ngày và cách ngày dự sinh tối thiểu 30 ngày. Đôi khi tiêm ngừa mũi thứ nhất ở tháng thứ 6 cũng được.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn thân mến,

Hình như bạn quá lo lắng nên mô tả sự việc lộn xộn quá.  Không biết là “em (người chồng) đi chụp Xquang” hay vợ em (người “đã bỏ cơm cả ngày” đấy) đi chụp Xquang?!

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên chụp Xquang, nhất là trực tiếp ở vùng bụng chậu. Vì tia Xquang có khả năng gây hại cho thai nhi đang giai đoạn hình thành các cơ quan của cơ thể. Bác sĩ khám thai sẽ cho bạn lời khuyên cụ thể. Thân mến.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Em gái thân mến,

Phụ nữ mang thai không phải chỉ cần đi siêu âm là đủ, bởi vì việc xác định một thai kỳ phát triển bình thường cần nhiều yếu tố khác từ phía bà mẹ như tiền căn bệnh lý trước mang thai, tình trạng nghén, sự tăng cân, thay đổi huyết áp, đường huyết, các chỉ số về huyết học....  Em nên đi khám thai tại cơ sở y tế hoặc ít nhất là phòng khám tư nhân, để được nhân vên y tế xác định  các chỉ số một cách đầy đủ và từ đó mới tư vấn cụ thể và hoàn chỉnh cho em được. Riêng về siêu âm thì em nên quan tâm đến câu kết luận cuối cùng trong phiếu trả lời kết quả, bởi vì bác sĩ siêu âm đã tổng hợp tất cả các chỉ số siêu âm và kết luận cho em rồi.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Tình trạng của em hiện tại là:
- Có thai (beta hCG dương  tính sau 2 lần XN)
- Túi thai chưa đi vào buồng tử cung.

Với tốc độ tăng của beta hCG và hình ảnh siêu âm hiện tại, nghi ngờ thai ngoài tử cung là hợp lý. Tuy nhiên, hiện tại trường hợp của em cần theo dõi thêm ít nhất là 1 tuần nữa.

Thai ngoài tử cung hiện tại có một vài phương pháp xử trí, trong đó có mổ nội soi. Khi có chẩn đoán rõ ràng hơn, em sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể để chọn lựa phương pháp tốt nhất cho mình

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Tình trạng của em hiện tại  được xem là đã có miễn dịch Rubella. Mặc dù em chưa chích ngừa Rubella nhưng với kết quả xét nghiệm hiện tại thì khả năng em đã bị nhiễm rubella tự nhiên một thời điểm nào đó trước đây. Tuy nhiên, để xác định chính xác thời điểm đó thì rất khó và không cần thiết trong trường hợp của em. Hiện tại thai em 6 tuần và trong vòng 2 tháng trở lại đây em không có sốt phát ban gì thì em không nên lo lắng thêm nữa. Em không cần làm lại xét nghiệm rubella. Chúc em vui và ăn uống tốt để hai mẹ con cùng khỏe nhe.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

    Chào chị,
       
    • VAT là mũi tiêm ngừa uốn ván rốn trong thai kỳ. Tùy theo lần mang thai này là thứ mấy và tiền sử đã tiêm ngừa uốn ván rốn trước đó mà bác sĩ sẽ chỉ định tiêm 1 hoặc 2 mũi trong thời gian mang thai, vào thời điểm sức khỏe thai phụ bình thường. Hai mũi VAT tiêm cách nhau 1 tháng trở lên và mũi tiêm thứ hai cách ngày sanh ít nhất 2 tuần. Như vậy, em tiêm mũi đầu (VAT 1) lúc thai 30-31 tuần vẫn có tác dụng chị ạ
    •  
    • Cám ơn sự tin tưởng của chị khi chọn BV Từ Dũ là nơi sinh em bé. Do tình hình cơ sở vật chất chưa cho phép nên hiện tại BV không tổ chức nội trú cho sản phụ ở xa, thưa chị.
    •  
    • Thai phụ bình thường có thể được nhập viện từ khoa Cấp cứu khi có các dấu hiệu chuyển dạ (gò tử cung 3 cơn/ 10 phút, ra nước ối hay huyết hồng âm đạo, cổ tử cung có hiện tượng xóa mở…). Bác sĩ khám bệnh sẽ xác định tình trạng này. Các trường hợp khác thì tùy tình trạng bệnh lý.

    ThS. BS. Ngô Thị Yên
    Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Em hãy yên tâm dưỡng thai vì vacxin VGSVB không gây ảnh hưởng cho thai. Đối với vacxin Sởi  – Quai bị - Rubella nên ngừa thai ít nhất 1 tháng kể từ ngày tiêm thuốc. Nhưng chưa ghi nhận vacxin gây dị tật bẩm sinh cho thai nếu lỡ tiêm vacxin trong khi có thai. Em nên khám và theo dõi thai kỳ tại BV chuyên khoa Sản Phụ.

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

 Em nên đến BV chuyên khoa Sản Phụ để được khám và kiểm tra cụ thể cho em và thai nhi .

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Tử cung hai sừng là một bất thường về hình dạng cấu trúc của tử cung. Vì hai sừng nên thể tích buồng tử cung nhỏ hơn bình thường. Thai phát triển tại 1 sừng (phải hoặc trái tử cung) có khả năng sẩy thai và sinh non cao hơn những trường hợp tử cung bình thường. Thai nhi thường có cân nặng thấp và ngôi thai không bình chỉnh tốt (bình thường ngôi đầu, trong trường hợp tử cung hai sừng thường là ngôi mông hoặc ngôi ngang) nên tỉ lệ mổ lấy thai cũng cao hơn. Tuy nhiên có khá nhiều trường hợp thai phụ với tử cung 2 sừng vẫn sinh con đủ tháng. Trước mắt nghỉ ngơi, không làm việc nặng, kiêng giao hợp. Khi thai lớn đến 12 – 13 tuần sẽ lấn dần vào khoảng trống giữa buồng tử cung.

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ