tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào em!

Cơn gò tử cung là do cơ tử cung co thắt. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, có thể có những cơn gò tử cung sinh lý và cơn gò tử cung chuyển dạ. Cơn gò sinh lý hầu như không ảnh hưởng đến thai kỳ. Cơn gò chuyển dạ được xác định khi, tử cung có cơn gò đều đặn, gây đau bụng và xoá mở cổ tử cung.

Theo như mô tả của em, hiện tại thai 35 tuần 3 ngày, cơn gò tử cung của em có thể không mạnh, tần số 2 lần/10 phút cũng không nhiều, do đó chưa có khả năng làm mở cổ tử cung. Cơn gò như vậy ít có khả năng gây suy thai hay nhau bong non. Tuy nhiên, vẫn có những tình huống ngoại lệ. Do đó, hàng ngày em cần theo dõi cử động thai và các dấu hiệu bất thường khác. Nếu phát hiện ra nước âm đạo, ra huyết, đau bụng hoặc thai cử động ít, em nên đến bệnh viện ngay vì đó có thể là dấu hiệu của vỡ ối, chuyển dạ sinh, nhau bong non hoặc thai suy. Em cũng cần phải khám thai định kỳ theo lịch hẹn để bác sĩ phát hiện sớm nếu có bất thường xảy ra.

Thân mến!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

Chào em!

Với một thai nhi phát triển bình thường, thai 35 tuần tuổi có thể có cân nặng dao động từ 2154g đến 3036g (tương ứng với bách phân vị 10 đến 90 theo Hadlock).

Thai nhi của em hiện 35 tuần, cân nặng 2580g là cân nặng hoàn toàn bình thường, nằm ở mức trung bình (56%).

Thai nhi có một vòng dây rốn quấn cổ không ảnh hưởng đến khả năng sinh thường. Em hoàn toàn có thể sinh ngả âm đạo nếu không có các chống chỉ định khác.

Hiện tại sau khi áp dụng chế độ ăn tiết chế, đường huyết của em ổn, tuy nhiên em vẫn cần khám thai theo lịch hẹn để tiếp tục theo dõi đường huyết cũng như sức khoẻ mẹ và thai. Khi có dấu hiệu chuyển dạ hoặc đến ngày dự sinh, em đến bệnh viện Từ Dũ để được hướng dẫn nhập viện và theo dõi sinh nhé.

Thân mến!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

 

Chào em!

Tình trạng của em được gọi là sảy thai liên tiếp.

Theo thống kê, 1-2% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có sảy thai liên tiếp. Sảy thai liên tiếp có thể do bất thường về các yếu tố gen, nội tiết, miễn dịch, nhiễm trùng hoặc bất thường về cấu trúc giải phẫu cơ quan sinh sản. Tuy nhiên có 40-50% trường hợp không tìm thấy nguyên nhân.

Em nên đến khoa Chăm sóc trước sinh của bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra nguyên nhân sớm nhất có thể. Bác sĩ sẽ khám phụ khoa, siêu âm kiểm tra phụ khoa cũng như lấy máu của cả hai vợ chồng để thực hiện một số xét nghiệm tìm nguyên nhân. Sau khi biết nguyên nhân, sẽ có những biện pháp điều trị nhằm làm giảm nguy cơ sảy thai do nguyên nhân đó.

Chúc em vui khoẻ!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

 

Chào em!

Nếu hiện tại chức năng hô hấp của em tốt, tiền căn lao phổi đã điều trị không phải là chống chỉ định sinh ngả âm đạo. Những vết xơ sẹo sau lao phổi cũng sẽ không bị chảy máu khi rặn sanh. Trường hợp này, em nên khám thêm về hô hấp để được xác định mức độ ảnh hưởng của bệnh trước đây với sức khỏe hiện tại. Nếu không có lưu ý đặc biệt của chuyên khoa hô hấp, em sẽ được theo dõi sinh thường nếu không có các chống chỉ định sản khoa khác.

Thân mến!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

 

Chào em!

Hen suyễn là một bệnh mãn tính. Khi có thai, tình trạng bệnh có thể nặng lên do những thay đổi nội tiết và sinh lý trong thai kỳ. Em nên khám bác sĩ chuyên khoa Nội hô hấp để đảm bảo các chức năng hô hấp trong quá trình mang thai đồng thời sử dụng thuốc dự phòng và cắt cơn đúng chỉ định.

Ventolin (Albuterol sulfate) là thuốc thuộc nhóm C theo FDA, tức là không có đủ bằng chứng và nghiên cứu đáng tin cậy trên phụ nữ mang thai. Nghiên cứu trên chuột và thỏ cho thấy Albuterol có liên quan đến dị tật bẩm sinh của bào thai. Do đó, chỉ nên sử dụng khi thật cần thiết, với điều kiện lợi ích khi sử dụng thuốc nhiều hơn so với nguy cơ.

Em nên khám thai định kỳ ở những cột mốc quan trọng để có thể tầm soát dị tật bẩm sinh một cách tốt nhất và phát hiện dị tật sớm nếu có.

Do có vết mổ cũ 2 lần mổ lấy thai trước đó, thai kỳ lần này em cũng sẽ được chấm dứt thai kỳ bằng phương pháp mổ lấy thai, có thể mổ khi có chuyển dạ trước 39 tuần hoặc mổ chủ động thời điểm 39 tuần nếu thai nhi phát triển bình thường. Do đó em sẽ không trải qua quá trình chuyển dạ.

Nếu có thắc mắc khác, em có thể đến bệnh viện Từ Dũ để được khám và tư vấn thêm.

Chúc em thai kỳ khoẻ mạnh!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

06tháng 11

Chào bạn!

Loại thuốc bạn đề cập đến là một trong những loại thuốc bổ sung sắt và acid folic. Đây là hai chất cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu (máu) của cơ thể. Mỗi viên chứa 100mg sắt nguyên tố và 0,35mg Folic acid. Khi mang thai, nhu cầu tạo máu tăng lên, chế độ ăn thông thường có thể không đáp ứng đủ các vi chất này. Vì vậy, bạn nên bổ sung bằng các thuốc viên đường uống.

Thức ăn trong ruột có thể gây hạn chế sự hấp thu sắt. Do đó bạn nên uống thuốc này trước hoặc sau ăn, cách bữa ăn 30 phút. Không nên uống cùng lúc với viên bổ sung canxi. Bạn có thể uống kèm với nước cam, chanh để tăng khả năng hấp thu vi chất này.

Chúc bạn thai kỳ khoẻ mạnh!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

 

Chào em!

Có thể thấy hiện tại chu kỳ kinh của em không đều, ngày rụng trứng khó xác định. Hôm nay đã hơn 1 tháng kể từ ngày kinh cuối. Nếu em có các triệu chứng nghi ngờ có thai như trên, em nên đến ngay phòng khám bệnh viện Từ Dũ để bác sĩ thăm khám và có chỉ định cận lâm sàng phù hợp. Việc quan trọng là xác định em có thai hay không, hay có bệnh lí nào khác. Nếu có thai, vị trí là thai trong tử cung hay thai ngoài tử cung. Bên cạnh đó, em cần được bổ sung các chất cần thiết như sắt, acid folic càng sớm càng tốt nếu có thai bình thường.

Khi đi khám, em có thể tạm thời nhịn tiểu để lấy nước tiểu xét nghiệm.

Chúc em vui khoẻ.

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

 

Chào bạn!

Khi chuyển dạ, đầu tiên cơn gò tử cung sẽ xuất hiện đều đặn, gây đau bụng từng cơn. Sau đó dưới tác động của cơn gò, cổ tử cung ngắn dần và mở ra. Nút nhầy cổ tử cung sẽ thoát ra khi cổ tử cung bắt đầu mở (bạn sẽ thấy chất nhày màu hồng chảy ra ở âm đạo). Do đó, đau bụng từng cơn hay gò tử cung đều đặn hoặc ra nhớt hồng ở âm đạo đều có thể là dấu hiệu chuyển dạ. Trường hợp này bạn nên đến phòng khám bệnh viện để bác sĩ khám và đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng chuyển dạ của mình.

Ngoài ra, bạn phải đến bệnh viện khám ngay khi thấy các dấu hiệu như: ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, đau bụng liên tục, thai ít cử động. Bác sĩ sẽ đánh giá xem liệu bạn có bị tình trạng như vỡ ối, nhau tiền đạo, nhau bong non, suy thai hay không, từ đó có can thiệp kịp thời.

Chúc bạn thai kỳ khoẻ mạnh.

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

Chào em!

Hội chứng Edward (Trisomy 18) và hội chứng Patau (Trisomy 13) là những hội chứng do bất thường số lượng nhiễm sắc thể (NST), tương tự như hội chứng Down (Trisomy 21).

Bộ nhiễm sắc thể người bình thường có 23 cặp NST. Trisomy 13,18 hoặc 21 xuất hiện khi thai nhi có thừa 1 NST số 13,18 hoặc 21.

Em đã sinh 2 bé đầu bình thường. Nguyên nhân của tình trạng này không phải do di truyền từ bố mẹ mà có thể là do xảy ra sai sót trong quá phôi thai phân chia. Do đó, em hoàn toàn có khả năng sinh bé sau bình thường.

Sau một biến cố thai kỳ, em cần nghỉ ngơi hồi phục sức khoẻ. Trước khi có kế hoạch mang thai lại, em nên uống bổ sung 0,4-0,6mg acid folic mỗi ngày từ 3-6 tháng. Ngoài ra, em nên có kế hoạch mang thai sớm trước 35 tuổi, vì sau đó nguy cơ bất thường NST càng tăng khi tuổi mẹ lúc mang thai càng lớn.

Hiện nay, Xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT) là phương pháp tầm soát bất thường số lượng NST 13,18,21 và NST giới tính sớm nhất, thực hiện từ 10 tuần tuổi thai. Phương pháp tầm soát bằng Double test và siêu âm đo khoảng sáng sau gáy (độ mờ da gáy) được thực hiện từ 11 tuần. Nếu xét nghiệm tầm soát ban đầu cho ra nguy cơ cao thai nhi bị bất thường NST, sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối vẫn và can thiệp cần thiết để khẳng định chẩn đoán.

Chúc bạn vui khoẻ.

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

Chào em!

Đa số các thuốc trị giun không an toàn trong thai kỳ, đặt biệt là trong 3 tháng đầu. Em không nên tự ý uống bất kỳ loại thuốc tẩy giun nào. Em nên đến bệnh viện để bác sĩ xác định xem triệu chứng của em là gì, em nhiễm giun như thế nào để có biện pháp xử trí phù hợp, an toàn cho mẹ và thai nhé. Ngoài ra em nên khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, bởi vì có một số mốc thời gian quan trọng để xác định tốt nhất tình trạng sức khoẻ của mẹ và thai nhi.

Chúc em vui khoẻ!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

 

Chào em!

Marvelon là thuốc ngừa thai nội tiết phối hợp, mỗi viên chứa 0,03mg Ethinylestradiol và 0,15mg Desogestrel. Hiệu quả ngừa thai chủ yếu nhờ tác dụng ức chế phóng noãn. Trường hợp bạn quên thuốc hoặc sử dụng thuốc không đúng cách, có thể xảy ra phóng noãn dẫn đến thụ thai. Tuy nhiên, với thành phần là các nội tiết tố nữ tổng hợp, thuốc không có ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Trường hợp này, em nên khám thai định kỳ như một thai kỳ bình thường.

Chúc em vui khoẻ!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

 

Chào em!

Hiện tại thai của em khoảng 19 tuần 6 ngày, siêu âm hình thái ghi nhận có nang đám rối mạch mạc 2 bên.

Theo thống kê nang đám rối mạch mạc xuất hiện ở 1-2% thai nhi khoẻ mạnh. Thường biến mất sau 28 tuần tuổi thai. Nếu nang đám rối mạch mạc tồn tại đơn độc, không kèm theo bất thường khác, đa phần là thai nhi bình thường. Bên cạnh đó, sức khoẻ thể chất và tinh thần của em bé sau này cũng không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên khi có kèm theo các bất thường hình thái khác, nang đám rối mạch mạc có thể liên quan với bất thường nhiễm sắt thể, ví dụ Hội chứng Edward (Trisomy 18). Khi đó bạn cần thực hiện thêm xét nghiệm để tầm soát như NIPT hoặc để chẩn đoán như chọc ối.

Em nên đến khám tại Khoa Chăm sóc trước sinh bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ sẽ thực hiện lại khảo sát siêu âm hình thái chuyên sâu để tìm thêm có bất thường khác của thai nhi hay không. Từ đó sẽ có hướng xử trí phù hợp.

Chúc em thai kỳ khoẻ mạnh!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

...
16171819202122
...

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ