tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào bạn, 

Với thai phụ mang HBsAg (+) và HBeAg (+) thì khả năng lây truyền từ mẹ sang con là 90%. Trong đó 90% là lây ở giai đọan chuyển dạ. Vì vậy, theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế thế giới là cần tiêm 2 mũi kháng thể (huyết thanh) ngay trong vòng 2 giờ đầu sau sinh để trung hòa kháng nguyên lây truyền từ mẹ qua. Đó là ta mặc định xem như đã lây từ mẹ sang con nên trung hòa  ngay kháng nguyên gây viêm gan siêu vi B. Có như vậy mới có thể giảm được khả năng gây  bệnh cho bé. Còn mũi vaccin ngừa viêm gan B với mục đích cho bé tạo kháng thểchủ động chống lại bệnh viêm gan B. Lịch tiêm ngừa tương tự như những trẻ khác.Như vậy, thông tin thứ 2, bạn nêu trên là không chính xác.

Mẹ cho con bú vẫn có khả năng lây truyền bệnh khi đầu vú bị xướt chảy dịch hoặc máu. Khả năng lây truyền này thấp (# 2 – 3%) và thường thì bé lớn, mầm răng phát triển mới nghiến vú mẹ. Lúc này bé đã được tiêm ngừa vaccin viêm gan B và đã có kháng thể nên cũng có thể bảo vệ. Bên cạnh đó, lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ lớn hơn so với nguy cơ bệnh nếu bé được tiêm ngừa đầy đủ. Hiện nay, những bà mẹ mang mầm bệnh như bạn đều được khuyên cho con bú. 

Thân ái.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ

25tháng 10

Bạn Thảo thân mến,                 

                                                                                        

Bé của bạn tăng trưởng như vậy là bình thường. Nếu thiếu vitamin D, bé của bạn sẽ kèm theo các triệu chứng như chậm hay không lên cân, ọc sữa, biếngbú, rụng tóc, khóc đêm, chậm biết lật, trườn… Khi bú bé phải gắng sức nên đổ mồhôi là bình thường. Nếu đổ mồ hôi khi ngủ nhưng bé không có các triệu chứng kể trên, vẫn bú tốt, lên cân khoảng 600g mỗi tháng từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 và 450g từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9 thì bạn không nên lo lắng quá. Mỗi ngàybạn cho bé phơi nắng, uống bổ sung vitamin D3 và bảo đảm cung cấp đủ lượng sữa  theo nhu cầu thì không lo bé thiếu vitamin D. Trước tháng thứ 6 bé uống sữa hoàn toàn, lượng sữa theo nhu cầu là 150 mL/Kg cân nặng/24 giờ. Khi ăn dặm ngày 2 cữ thì uống 800 mL sữa mỗi ngày và ăn dặm ngày 3 cữ (từ tháng thứ 9) thì uống 600 mL sữa mỗi ngày. Nếu bé bú sữa mẹ thì khó định lượng chính xác số sữa bé bú trong ngày nên bạn nên cho bé bú  thường xuyên, theo nhu cầu, không để đói quá 2 giờ và không cho uống nước (nếu bé dưới 6 tháng tuổi) mà cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn. Bạn nên uống mỗi ngày ít nhất 2 ly sữa dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú (sữa bà bầu) hay 1 lít sữa tươi mỗi ngày để đảm bảo đủ lượng canxi trong sữa mẹ. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý tăng các thức ăn chứa nhiều canxi trong khẩu phần của bạn như tôm (ăn  luôn cả vỏ và đầu), cá (ăn luôn được cả xương như cá cơm), bông cải xanh, đậu hủ….để tăng lượng canxi trong sữa mẹ.

  Thân mến,

BS. CKI Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Nttp thân mến,

Khi cho bé bú, dù bú sữa mẹ hay bình, bạn cũng nên bế bé bú ở tư thế ngồi. Mặc dù làm như vậy thì mẹ sẽ mệt hơn là nằm cho bú mẹ nhưng sẽ an toàn hơn cho bé vì tránh được nguy cơ sặc sữa và nguy cơ mẹ ngủ quên đè con ngạt. Nằm sấp ngủ không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng có nguy cơ bị ngạt, nhất là khi  bạn cho bé nằm gối. Vì vậy, khi bé đã ngủ say, bạn nên sửa tư thế lại cho bé nằm ngửa hay nằm nghiêng ôm gối ôm.

Thân mến,

BS. CKI Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

07tháng 10
Chị Hoàng Anh thân mến,

Khoảng cách giữa 2 lần tiêm ngừa thường là từ 28 ngày trở lên. Thuốc ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus được cho uống từ 2 tháng tuổi, tổng cộng 2 lần uống, cách nhau tối thiểu là 1 tháng và lần uống cuối cùng không quá 6 tháng tuổi.

Thân ái chào chị.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Hồng Thắm thân mến,

Bé nhợn ói khi ngậm vú mẹ và nhả vú khi mới nút được vài cái có thể do sữa mẹ xuống nhiều quá làm bé không nuốt kịp. Chị nên kẹp đầu vú bằng 2 ngón tay để chặn bớt sữa, tránh sữa xuống nhanh quá. Khi cho bé bú mẹ, chị nên cho bé ngậm sâu vào quầng vú, không nên chỉ ngậm đầu vú. Chị cũng nên xem  lại cách bế bé cho bú có đúng chưa. Khi bú, bé phải được nằm úp bụng vào bụng mẹ, để cổ bé thẳng mới dễ nuốt sữa. Các bà mẹ hay sai lầm khi bế bé nằm ngữa rồi vặn cổ bé vào vú mẹ làm bé khó nuốt. Chị cũng không nên ăn nhiều chất gia vị, không uống cà phê vì có thể làm sữa có mùi khó chịu. Mẹ đi làm thì khi bé ở nhà không có mẹ đành phải uống bằng muỗng nếu không chịu bú bình. Chị cố gắng cho bé bú vào buổi trưa và bú nhiều lần vào ban đêm để bù lại.

Chúc chị và bé khỏe.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Anh Hùng thân mến,

Bé bị vàng da thì thường sẽ vàng mắt. Nếu 7 tuần tuổi mà còn vàng da thì có thể vàng da do sữa mẹ (không nguy hiểm, vẫn bú mẹ được) nhưng cũng có thể là vàng da do có bệnh lý. Nếu bé có những lúc đi phân bạc màu thì anh nên đưa bé đi khám gấp vì có thể bé bị bệnh lý tắc mật bẩm sinh, cần mổ càng sớm càng tốt. Nếu bé vẫn bú tốt, lên cân, phân vàng thì anh có thể thử tạm  ngưng bú sữa mẹ 2 ngày (vắt sữa mẹ bỏ, bú bằng sữa bột hay bắt sữa mẹ đun sôi lên rồi để nguội và cho bé bú). Nếu bé giảm vàng da thì có thể là vàng da do sữa mẹ, vẫn tiếp tục bú mẹ được, từ từ bé sẽ hết vàng da. Tuy nhiên, tôi khuyên anh nên đưa bé đến cơ sở y tế để bé được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. 

Chúc anh và bé khỏe.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Nttp thân mến, 

  1. Chị không nói rõ là bé bú mẹ hay bú bình nên tôi cũng khó tư vấn về tình trạng chậm đi cầu của bé. Nhưng nếu bé ít đi tiểu và bú ít thì có thể bé chậm đi cầu do lượng sữa chưa đủ nhu cầu. Nếu bé bú bình, chị có thể tính lượng sữa trung bình bé bú trong 24 giờ bằng cân nặng của bé (tính bằng Kg) nhân với 150. Bé phải bú đủ lượng sữa và bú sữa mẹ thì sẽ dễ đi cầu hơn. Chị nên cho bé phơi nắng sáng mỗi ngày ít nhất 20 phút, xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ, quanh rốn khoảng 20 cái trước khi bú. Uống Rotarix là để ngừa tiêu chảy do virus Rota (chiếm khoảng 50% nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ) nên không phải là thuốc giúp cho bé không bao giờ tiêu chảy (bé vẫn có thể tiêu chảy do những nguyên nhân khác, nhưng nhẹ hơn so với không uống thuốc ngừa) và không làm cho bé táo bón.  
  2.  
  3. Tình trạng mũi của bé theo chị mô tả giống như nghẹt mũi hơn là khò khè. Triệu chứng khò khè thường xảy ra trong bệnh suyễn, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản. Nếu bé vẫn bú được, không khó chịu khi bú, không ho, không sốt thì chỉ việc vệ sinh mũi như chị đã làm (có thể làm 6 lần mỗi ngày) và loại bỏ những thứ có thể làm bé dị ứng (như phấn rơm, nhang, khói, lông thú,  thú nhồi bông, sách báo cũ…).

Chúc chị và bé khỏe.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Hạnh thân mến, 

Em bé cần được rơ miệng mỗi ngày, nếu không sẽ dễ bị nấm miệng (đẹn miệng), nhất là những bé bú mẹ. Chị nên dùng gạc vô trùng (có bán ở các nhà thuốc tây), quấn quanh ngón tay, thấm với nước muối sinh lý (Natri Clorid  0,9%) rồi lau nhẹ nhàng lên lưỡi bé, vùng bên trong má, vùng vòm khẩu (nắp vọng), nướu, môi. Mỗi ngày làm ít nhất 1 lần hay khi thấy lưỡi bé dơ (nên làm trước khi bú để tránh ọc ói).

Da đầu bé bị trầy xước, chị có thể xử trí tại nhà như sau: lau sạch bằng nước muối sinh lý hay cồn 70 độ, sau đó bôi thuốc Milian, mỗi ngày 4 lần. Nếu không đỡ hay có mủ, sưng đỏ, sốt thì nên đi khám bệnh để được bác sĩ kê thêm thuốc.

Chúc chị và bé khỏe 

BS. CKI Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Thân chào bạn Nhi , 

Mặc dù trên lý thuyết, khi sinh thường thì bé có thể hít hay nuốt phải siêu vi viêm gan B trong đường sinh dục mẹ dẫn đến lây bệnh, nhưng sinh mổ thì bé cũng có thể bị lây nhiễm do tiếp xúc với máu mẹ. Trên thế giới hiện nay chưa có đủ những nghiên cứu khoa học có giá trị để khẳng định sinh thường hay sinh mổ  thì hạn chế được lây viêm gan siêu vi B. Vì vậy, nếu không có những chỉ định khác về sản khoa thì bạn vẫn nên sinh thường vì khả năng lây nhiễm như nhau.

Sau khi sinh, con bạn sẽ được tiêm ngừa ngay tại phòng sinh hay ngay sau khi tình trạng chung của bé ổn định. Thuốc tiêm gồm 2 loại là vắc xin ngừa viêm gan B và một loại globulin miễn dịch ngừa viêm gan B. Khả năng bảo vệ là 90%, có nghĩa là con bạn vẫn có thể bị lây nhiễm khoảng 10% (so với hơn 90% nếu không tiêm ngừa).

Bạn vẫn có thể cho con bú vì nghiên cứu cho thấy rằng cho bú mẹ hay bú bình thì khả năng lây bệnh vẫn như nhau.

Thân mến!

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

20tháng 08

Bạn Thảo thân mến,

Theo như mô tả của bạn, con của bạn có thể bị viêm loét miệng. Bạn nên đưa đến bác sĩ để được khám và điều trị.

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn Vân thân mến,

Bé của bạn có những biểu hiện của dị ứng protein sữa bò như đi tiêu phân máu, rối loạn đi cầu, biếng ăn…Bạn nên đưa bé đến khám khoa tiêu hóa của bệnh viện Nhi đồng hay Trung tâm Dinh dưỡng để được chẩn đoán chính  xác. Khi cấy phân thì mẫu phân phải được xử lý ngay nên nếu bạn để 2 tiếng thì không còn chính xác. Khi lấy mẫu thì phải lấy đúng phần phân bất thường nhất vì nếu bạn lấy không đúng thì cũng có thể cho kết quả không chính xác. Trong khi chờ đợi được khám và điều trị, bạn nên tăng lượng sữa mẹ, bú mẹ hoàn toàn càng tốt nếu mẹ đủ sữa. Bạn có thể cho bé ăn ngày 3 cữ, mỗi cữ ít thôi cũng được nhưng phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và đổi món mỗi bữa để bé không ngán. Bạn nên cho bé ăn thêm phô-mai, sữa chua (yaourt), uống nước trái cây, ăn đu đủ, xoài chín. Bạn cũng nên cho bé uống một loại si rô multivitamines để bổ sung các vitamine cần thiết cho bé (Vitarals, Appeton infant drops…).

Chúc bé mau lành bệnh.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Thảo thân mến,

Bé vừa tiêm ngừa có thể uống các thuốc trên.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ