tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào bạn,

Bé tám tháng tuổi chưa mọc răng có thể do thiếu vitamin D hay canxi nhưng cũng có thể do tuổi mọc răng của bé chậm. Nếu chiều cao cân nặng của bé vẫn bình thường và lượng sữa của bé uống trên 500 mL/ngày nhưng dưới 1000 mL/ngày thì bạn có thể bổ sung cho bé mỗi ngày 400 UI vitamin D, phơi nắng sáng mỗi ngày. Bé có thể mọc răng chậm di truyền (giống ba mẹ), nhưng khi mọc sẽ  mọc một lúc nhiều răng. 

Chúc bạn và bé khỏe

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị,

Khi mang thai, lượng nội tiết tố nữ (hormon estrogen) trong máu của mẹ qua nhau thai vào máu con. Sau khi sinh, lượng nội tiết tố này bị sụt giảm ở trẻ sơ sinh do không còn gắn với nhau thai nữa dẫn đến hiện tượng âm đạo ra chất dịch trắng giống như huyết trắng. Đây là hiện tượng bình thường, bạn chỉ cần vệ sinh vùng kín của bé bằng bông gòn sạch và nước ấm, chùi từ trên  xuống dưới, không chùi ngược từ hậu môn lên vì có thể làm những chất dơ ở hậu môn nhiễm vào vùng kín của bé. Hiện tượng này sẽ tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu chất dịch trắng này có mùi hôi hay kéo dài thì chị nên đưa bé đến bác sĩ xem liệu có phải bé bị viêm nhiễm không.

Bé hay bị vặn mình có thể do thiếu vitamin D. Chị nên cho bé phơi nắng sáng 20 phút mỗi ngày. Nếu không giảm thì chị nên đưa bé đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác hơn.

Chúc bạn và bé khỏe

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Bé của bạn bị vàng da tăng bilirubine gián tiếp khá nặng nhưng theo bạn kể thì chưa thấy các dấu hiệu nặng nhất của vàng da nhân như gồng người, co giật, trợn mắt, khóc thét. Như vậy bạn có thể hy vọng bé không bị di chứng thần kinh. Tuy nhiên, bé cần được theo dõi phát triển tâm thần vận động cho đến 2 tuổi để có thể phát hiện kịp thời các di chứng thần kinh nếu có. Ngoài  ra, bé cần được đo thính lực để phát hiện di chứng nghe kém để điều trị sớm. Bạn nên đưa bé đến khoa vật lý trị liệu của bệnh viện Nhi đồng hay Từ Dũ để bé được khám về vận động khi bé được 1 tháng tuổi

Chúc bạn và bé khỏe.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

13tháng 07
Chị Thảo thân mến,

Daktarin có tên hoạt chất chính là Miconazol, có đặc tính kháng nấm, được dùng để điều trị các trường  hợp nhiễm nấm Candida ở miệng, hầu và đường tiêu hóa. Thuốc có thể dùng để rơ miệng để điều trị đẹn cho trẻ dưới 6 tháng tuổi nhưng phải thận trọng vì ở lứa tuổi này phản xạ nuốt chưa hoàn chỉnh nên có thể bị nghẹn (nghẹt thở) do dạng gel của thuốc. Vì vậy, khi sử dụng để rơ miệng cho bé, chị nên lấy một ít thuốc, thoa đều trên một miếng gạc y tế vô trùng và rơ nhẹ nhàng trên lưỡi (đừng rơ quá sâu), môi và bên trong má, mỗi ngày 2 lần. Chị nên tiếp tục dùng thuốc thêm 1 tuần sau khi thấy hết đẹn để đảm bảo bệnh không tái phát. Nếu bé bú sữa bình thì sau khi bú chị nên cho bé uống vài muỗng nước nhỏ để làm sạch miệng.

Thân mến chào chị!

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị  Hữu Hạnh thân mến,

Bé của chị có thể bị ói do chán ăn. Chị nên tham khảo các sách dạy nấu ăn dặm cho trẻ (có bán nhiều ở các nhà sách) để chế biến được nhiều món cháo hay bột ăn dặm giúp bé đỡ "ngán".

Ngoài ra, mỗi bé có khả năng tiêu hóa khác nhau nên chị không nên ép bé ăn một bữa nhiều quá, nếu thấy bé có vẻ từ chối ăn thì nên ngưng lại, tránh ép thêm một vài muỗng rồi "mất cả chì lẫn chài". Sau đó, chị có thể cho bé ăn bù bằng sữa, phô-mai, sữa chua...

Chúc chị thành công.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,

Dị ứng protein sữa bò còn gọi là dị ứng với đạm sữa bò. Biểu hiện bệnh đa dạng, có thể bằng các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng (có thể làm trẻ khóc đêm), chướng bụng, nôn, tiêu  chảy, phân có máu.... Bệnh cũng có thể biểu hiện bằng các triệu chứng ngoài da như chàm, mẩn đỏ da, ngứa da hay triệu chứng hô hấp như tăng xuất tiết gây chảy nước mũi, khò khè, ho tái diễn. Về lâu dài, bệnh có thể dẫn đến thiếu máu, chậm  lớn...

Bất dung nạp lactose là dạng không dung nạp được đường lactose trong sữa. Loại đường này có chủ yếu trong sữa và được chuyển hóa nhờ men lactase trong ruột. Nếu không có hay thiếu  men lactase thì lactose không được hấp thu dẫn đến các triệu chứng như chướng bụng, sôi bụng, đau bụng, tiêu chảy, phân chua, hăm đỏ da quanh hậu môn. Ảnh hưởng lâu dài cũng làm chậm lớn, suy dinh dưỡng. Nguyên nhân thường gặp là do thiếu men lactase tương đối xảy ra trong một giai đoạn nào đó của trẻ, do tiêu chảy cấp do nhiễm siêu vi (thường là rotavirus). Hiếm gặp do bất thường bẩm sinh không có men lactase.

Ở nước ngoài có các xét nghiệm máu,hơi thở, phân để chẩn đoán xác định bất dung nạp lactose và dị ứng protein sữa bò nhưng ở Việt Nam chưa phổ biến. Tuy nhiên, dựa trên thăm  khám, hỏi bệnh sử và dùng một vài biện pháp lâm sàng cũng có thể chẩn đoán và phân biệt được 2 bệnh lý này. Bạn có thể đưa bé đến khoa Tiêu hóa bệnh viện Nhi Đồng để bác sĩ chuyên khoa khám và chẩn đoán.

Bạch cầu tăng thường gặp trong các tình trạng nhiễm trùng. Bạch cầu còn có thể tăng cao bất thường trong bệnh ung thư máu.

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

09tháng 06
Chào chị,

Nhà nước chỉ khuyến cáo đưa các trẻ từ 6 đến 36 tuổi đến uống vitamin A liều cao ở các cơ sở Y tế Nhà nước theo đợt. Tuy nhiên,  tất cả mọi lứa tuổi đều cần vitamin A nên dù không đưa bé đi uống tại cơ sở y  tế thì chị vẫn nên lưu ý bổ sung vitamin A cho bé hàng ngày qua chế độ ăn.  Vitamin A có nhiều trong sữa, gan, trứng, các loại rau củ có màu đỏ cam (gấc, cà rốt, bí đỏ...) hay xanh đậm (rau bồ ngót, bông cải xanh...). Ngoài ra,  vitamin A chỉ tan trong dầu nên trong chế độ ăn cần có dầu mỡ thì mới hấp thu được vitamin A. Vì vậy, khi nấu canh cho bé ăn chị nên cho thêm dầu thực vật để có thể hấp thu vitamin A tốt hơn.

Chúc chị và bé vui khỏ.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ
09tháng 06
Chào chị,

Em bé dưới 6 tháng tuổi có thể có hiện tượng lé  sinh lý. Nếu trên 6 tháng mà còn hiện tượng này chị nên đưa bé đến bệnh viện  mắt TP HCM để khám xác định tình trạng của bé có cần điều trị sớm hay không.

Chúc chị và bé vui khỏe

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Anh Tuấn thân mến,

Nếu muốn cấp lại sổ sức khỏe cho bé thì anh đến phòng khám sức khỏe trẻ em của bệnh viện và cung cấp cho nhân viên ở đây họ tên của mẹ và bé, ngày tháng năm sinh của bé và địa chỉ để tra cứu hồ sơ gốc lưu tại phòng khám. Nhân viên chúng tôi sẽ ghi lại vào sổ mới theo dõi cân nặng và chiều cao của sổ cũ (nếu bé theo dõi tại phòng khám sức khỏe trẻ em miễn phí), ngày tháng và các thuốc đã tiêm chủng. Nếu anh còn giữ giấy tờ nào liên quan đến bé như giấy chi tiết lúc sinh (Giấy chứng sinh), giấy chứng nhận chích ngừa BCG và VGSV B, giấy xuất viện của mẹ thì nên  đem theo để nhân viên chúng tôi dễ đối chiếu hơn. Ngoài ra, vì việc tra cứu hơi mất thời gian nên anh nên đến phòng khám vào các ngày thứ tư hay tốt nhất là ngày 31 của tháng nào có 31 ngày (là những ngày ít bệnh nhân) và trước 9 giờ sáng để nhân viên chúng tôi có điều kiện tra cứu thuận tiện hơn. Xin cám ơn sự hợp tác của anh.

BS CK1 Nguyễn  Thị Từ Anh,
khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Tú Trinh thân mến,

Trong thư chị không nói rõ là bé bú mẹ hay bú bình và lượng sữa bé bú trong ngày có ít đi hay không. Thời tiết thời gian gần đây rất nóng nên bé dễ bị mất nước qua mồ hôi và có thể làm lượng nước tiểu ít đi khiến bé ít đi tiểu. Nếu ban ngày bé vẫn đi tiểu bình thường, nước tiểu không bất thường thì tôi nghĩ chị có thể yên tâm.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ
Anh Hiếu thân mến,

Mắt bé sơ sinh bị ghèn có thể do nghẹt tuyến lệ hay do viêm kết mạc. Nghẹt tuyến lệ thường làm chảy nước mắt sống một bên hay ghèn trắng.Viêm kết mạc thường làm ghèn vàng hay xanh hai bên mắt. Nghẹt lệ điều trị bằng Natri Clorid 0,9% kết hợp massage túi lệ. Viêm kết mạc cần điều trị bằng thuốc nhỏ mắt có kháng sinh. Anh nên đưa bé đến khám chuyên khoa Sơ sinh hay chuyên khoa mắt để bé được điều trị đúng cách.

BS. CKII. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Từ Dũ


Chào chị,

Bé của chị được gần 5 tháng và cân nặng 6,2 Kg là vẫn còn trong giới hạn bình thường, chưa là suy dinh dưỡng, mặc dù hơi thấp hơn cân nặng trung bình một chút. Lượng sữa tối thiểu bé cần bú trong 24 giờ là 930 ml, nên lượng sữa bé hiện bú quá ít. Chị không nên cho bé uống nước vì trong sáu tháng đầu bé chỉ cần uống sữa và trong sữa đã có nước. Uống nước  nhiều làm cho bé mất cảm giác khát sữa nên không còn muốn uống sữa nữa. Ngoài ra, chị nên tìm cách dỗ dành bé khi bú chứ không nên ép quá làm bé sợ bú. Nếu bé vẫn chưa bú đủ lượng sữa theo yêu cầu thì chị cứ cho bé “nghỉ xã hơi”, sau đó khoảng 30 phút dỗ bé bú lại hay đút sữa bằng muỗng. Chị có thể cho bé uống thêm thuốc bổ đa sinh tố (multivitamines) có thành phần vitamin D, lysine, bổ sung thêm calcium để cung cấp đủ các chất cần thiết và kích thích bé ngon miệng. Ban đêm chị nên để đèn ngủ không sáng quá, hát ru để bé dễ ngủ, sáng nên cho bé phơi nắng sáng (bé ngủ vẫn có thể phơi nắng được). Chị nên đưa bé đi khám chuyên khoa dinh dưỡng (của Trung tâm Dinh dưỡng hay Bệnh viện Nhi đồng) để bác sĩ kê toa cho chính xác vì bé của chị có những dấu hiệu của còi xương thiếu vitamin D (khóc đêm, bú ít).

Chúc chị và bé mạnh khỏe.
 
BS. CK1 Nguyễn Thị Từ Anh
Phó trưởng khoa Sơ sinh -  Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ