tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào chị Tiên,

Nếu bé chị có đàm kèm ho nhiều lần thì chị nên đưa bé đi khám bệnh vì bé có thể bị viêm hô hấp trên. Nếu bé chỉ “thở khọt khẹt” khi nằm  xuống mà không kèm ho nhiều, sổ mũi, sốt  thì có thể bé bị trào ngược dạ dày thực quản, tức là bị trào sữa lên ngã ba đường ăn và đường thở. Chị nên bế bé lâu hơn sau khi bú (khoảng 30 phút) để sữa trong dạ dày xuống được ruột dễ dàng hơn. Chị nên đặt bé nằm nghiêng để chỉnh cho đầu đỡ bị bẹp (nghiêng thay phiên cả 2 bên).

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Thủy,

Em bé từ 3 ngày tuổi trở đi, nếu không vấn đề gì bất thường, đủ tháng, thì có thể cho phơi nắng sáng khoảng 15  phút. Tuy nhiên, nếu bé dưới 1 tháng tuổi thì nên lưu ý không để bé bị lạnh khi  phơi nắng. Do đó, nên phơi phần bụng và 2 chân, tay bé là chủ yếu, giữ ấm phần ngực và lưng bé. Chị cũng nên lưu ý  không để nắng chiếu vào mắt bé. Chị có thể cho bé uống bổ sung thêm vitamin D 400 UI mỗi ngày.

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị,

Thuốc Appeton Infant drops có thể uống chung với Ferlin. Appeton cũng có thể uống chung với Magne B6. Liều uống Magne B6 10 mL là ½ ống mỗi ngày (có thể chia ra làm 2 lần).

Nếu bé của chị bú được trên 500 mL sữa mỗi ngày và mẹ có uống ít nhất 2 ly sữa “bà bầu” mỗi ngày thì không cần uống thêm canxi.

Bé đổ mồ hôi khi bú là bình thường vì khi bú bé phải gắng sức và được ôm ấp nên dễ nóng nực, nhất là những bé bụ bẫm. Nếu khi ngủ bé đổ mồ hôi toàn thân thì chị nên xem lại nhiệt độ phòng có nóng không. Nhiệt độ phòng thích hợp cho bé là 280C. Nếu chỉ đổ mồ hôi khi ngủ mà bé vẫn phát triển bình thường, bú tốt, không hay ọc sữa, không khóc đêm thì chị không cần cho bé uống thêm canxi.

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Thảo,

Bé có thể tiêm ngừa cúm khi được 6 tháng tuổi. Năm đầu tiên tiêm cúm bé sẽ được tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng. Sau đó, chị nên cho bé tiêm ngừa cúm mỗi năm 1 lần vào mùa cúm (thu đông), cho đến khi bé được ít nhất là 6 tuổi. Sau đó, nếu có điều kiện thì chị vẫn có thể cho bé tiêm ngừa cúm mỗi năm vì mỗi năm thì virut cúm sẽ biến thể nên thuốc của năm cũ sẽ không còn tác dụng.

Nếu dị ứng với trứng gà thì có thể sẽ dị ứng với thuốc ngừa cúm nên chị cần cho bé ăn thử lòng đỏ trứng gà trước khi đi tiêm cúm. Ngoài ra, bé trên 6 tháng tuổi cũng có thể ăn được lòng đỏ trứng gà (khuấy đều trong cháo/bột). Trứng có nhiều chất dinh dưỡng, DHA, lại dễ chế biến, rất thích hợp cho trẻ nhỏ.
Bé dưới 12 tháng tuổi không nên cho uống các loại sữa tươi. Các em bé bú sữa mẹ thường không thích mùi vani thơm của sữa bột. Chị có thể cho bé uống các loại sữa ít mùi thơm như NAN, Mejji để bổ sung thêm sữa mẹ nếu sữa mẹ không đủ.

Thân mến.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Uyên,

Bé nằm sấp trên người của bà thì không ảnh hưởng đến cột sống của bé. Khi nói với bé nên nói với âm lượng vừa phải, nhẹ nhàng thì tốt hơn là nói to hay hét to vào tai bé. Tuy nhiên, chị cũng nên lựa lời đề khuyên bà vì người già thường nhạy cảm và hay giận dỗi. Bé mới 2 tháng tuổi thì có thể chưa nhìn tập trung được lâu. Hiện tại thị lực của bé cũng giống như người bị cận thị, đó là hiện tượng bình thường. Chị có thể tập cho khả năng tập trung và kích thích thị giác của bé bằng cách cho bé nhìn những đồ chơi có màu sắc nổi bật (nhất là màu đỏ), treo những đồ chơi nhiều màu sắc trên nôi hay giường của bé. Trong phòng chị cũng có thể dán những hình ảnh ngộ nghĩnh nhiều màu sắc để bé nhìn.

Tuy nhiên, nếu chị thấy mắt bé có gì bất thường, ví dụ có hiện tượng đục trong tròng đen thì nên đưa bé đến khám chuyên khoa mắt.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Thảo thân mến,

Bé của chị nên tiêm thêm vắc xin ngừa bệnh cúm (cảm cúm theo mùa) để giúp bé tránh được những đợt cúm thường xảy ra ở thành phố, nhất là vào mùa lạnh. Thuốc ngừa cúm sẽ được tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng trong năm đầu tiên. Sau đó, mỗi năm chích nhắc lại một lần, ít nhất là đến khi bé được 6 tuổi (nếu có điều kiện thì mỗi năm mỗi tiêm). Khi đi tiêm ngừa cúm, chị phải chắc chắn là bé không bị dị ứng trứng gà vì thuốc ngừa cúm có thành phần từ trứng, nếu bé dị ứng với trứng sẽ có thể dị ứng với thuốc.

Nếu bé bị nấm miệng nhẹ thì chị có thể dùng nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%, thuốc dùng để nhỏ mắt mũi) hay dung dịch Denicol để rơ miệng cho bé ngày 3 lần. Nếu bị nấm miệng nhiều thì chị nên đưa bé đi khám để bác sĩ kê toa thuốc thích hợp.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Tuyền thân mến,

Khi đưa bé đến chích ngừa tại bệnh viện, chị cần mang theo giấy xuất viện của chị (và của bé nếu bé có gửi khoa Sơ sinh sau sinh) và sổ chích ngừa được bệnh viện cấp. Nếu bé sinh mổ và hộ khẩu ở thành phố thì bé sẽ có tiêu chuẩn khám và chích ngừa miễn phí (thuốc trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước) ở phòng khám trẻ em lành mạnh (khu phòng khám ở đối diện khu điều trị chính của  bệnh viện), từ thứ 2 đến thứ 6 và từ 7 giờ đến 10 giờ. Nếu bé của chị không có hộ khẩu thành phố hay không phải sinh mổ thì sẽ khám và chích ngừa ở phòng khám  trẻ em dịch vụ (phải trả tiền), số 191 Nguyễn Thị Minh Khai, từ thứ 2 đến chủ nhật (thứ 7 và chủ nhật chỉ làm việc buổi sáng), từ 7 giờ đến 10 giờ và từ 13 giờ đến 15 giờ 30.

Thân ái

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Tuyết thân mến,

Chích kháng sinh ngắn ngày không làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của em bé, nhất là nếu chị cho bé bú sữa mẹ. Không ợ hơi hay chậm ợ hơi sau khi bú không phải là một triệu chứng của khó tiêu. Điều quan trọng là bé của chị vẫn bú tốt, lên cân tốt. Sau khi bú, chị nên bế bé ở tư thế đứng trong khoảng 20 phút, xoa nhẹ hay vỗ nhẹ lưng bé (ở khoảng giữa 2 xương bả vai), chủ yếu để sữa trong dạ dày dễ xuống ruột rồi đặt bé nằm xuống. Nếu bé không ợ hơi thì có thể do khi bú bé không nuốt hơi nhiều (điều đó là tốt vì nếu nuốt hơi nhiều quá bé sẽ dễ bị ọc sữa và no hơi làm bú ít đi).

Chị nên đưa bé đi khám nếu bé bú ít, ọc sữa thường xuyên, không lên cân, táo bón hay đi tiêu chảy.

Thân ái chào chị,

BS. CKI Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị  Khoa thân mến,

Dùng bình xịt muỗi và nhang muỗi có thể làm bé bị dị ứng. Tốt nhất là chị nên cho bé ngủ mùng cả ban ngày lẫn ban đêm và cho bé mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt. Chị cũng nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, không treo quần áo đã mặc nhiều mồ hôi (vì muỗi thích đậu ở những quần áo này), thay nước bình hoa thường xuyên…Tức là làm các biện pháp để giảm muỗi trong nhà hoặc nếu có điều kiện thì thuê dịch vụ phun thuốc diệt muỗi định kỳ (nên cho bé “di tản” khi phun thuốc).  Khi bé lớn hơn (trên 6 tháng) thì chị có thể chọn mua những thuốc bôi da tránh muỗi đốt phù hợp.

 Thân ái chào chị.
 

BS. CKI  Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Sương thân mến,

Theo mô tả của chị, tôi đoán bé có thể bị viêm da tiết bã. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác và điều trị thì cần phải quan sát trực tiếp da đầu của bé. Vì vậy, chị nên đưa bé đến bệnh viện da  liễu để bé được thăm khám.

 Thân ái chào chị.

BS. CKI  Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Nhung thân mến,

Bé của chị có thể bị viêm kết mạc hay viêm mí mắt. Chị nên đưa bé đến bệnh viện mắt hay đến khoa mắt bệnh viện Nhi Đồng để được chẩn đoán chính xác và điều  trị. Trong lúc chưa đi khám ngay được thì chị có thể dùng Natri Clorid 0,9% để nhỏ mắt cho bé để bé đỡ khó chịu.

Thân ái chào chị.

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chị Tuyết thân mến,

Em bé trong giai đoạn mấy tháng đầu đời ngủ hay bị giật mình là hiện tượng bình thường. Khi  thần kinh bé phát triển hơn, phản xạ này sẽ mất. Vì vậy, chị không nên lo lắng quá khi thấy bé giật mình khi ngủ. Việc nằm nôi điện lắc liên tục không gây ra những tổn thương nặng đến não (xuất huyết não, di chứng đến phát triển tâm thần vận động) như Hội chứng trẻ bị lắc (do rung lắc trẻ mạnh, đột ngột). Nhưng cũng chưa ai chứng minh được những cử động lắc liên tục kéo dài cả giờ đồng hồ, lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, lặp đi lặp lại mỗi ngày và diễn ra trong thời  gian dài do nằm nôi/võng lắc liên tục không tác động đến sự phát triển của não. Ngoài ra, nếu chị để nôi lắc liên tục khi bé ngủ sẽ tập cho bé một thói quen xấu là chỉ ngủ khi được đung đưa. Do đó, nếu sử dụng nôi điện thì chị chỉ nên lắc nhẹ để ru bé ngủ, sau đó cài cho nôi đứng yên.

Thân ái chào chị,

BS. CKI Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ